Đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về không phổ biến vũ khí hạt nhân Jackie Wolcott vừa kết thúc chuyến thăm Việt Nam để thảo luận về một biên bản ghi nhớ hợp tác năng lượng hạt nhân dân sự giữa hai bên.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 20/8, bà Wolcott nói biên bản ghi nhớ về hợp tác trong năng lượng hạt nhân và các lĩnh vực năng lượng khác giữa Việt Nam và Mỹ sẽ là văn kiện khung về hợp tác năng lượng giữa hai nước. “Đây không phải văn bản pháp lý mang tính ràng buộc mà chỉ là tuyên bố dự định mang tính chính trị, nhưng sẽ tạo ra cho các công ty cảm giác an toàn để phát triển công việc liên quan đến năng lượng hạt nhân. Chúng tôi cũng cố gắng cho các trường đại học tại Mỹ, Việt Nam có thể xây dựng chương trình đào tạo liên kết để đào tạo nhà khoa học hạt nhân. Các trường đại học ở các bang của Mỹ dùng ngân sách của nhà nước sẽ khó xây dựng chương trình đào tạo ở nước ngoài khi văn bản như thế này chưa được ký” - bà Wolcott giải thích.
Bà nói bản ghi nhớ là bước đệm cho việc tiến tới ký kết một hiệp định mang tính pháp lý, thường gọi là hiệp định 123, liên quan đến điều khoản 123 trong đạo luật hạt nhân của nước Mỹ cho phép chuyển giao công nghệ và trang thiết bị liên quan đến năng lượng hạt nhân từ nước Mỹ đến các chính phủ khác. Bà Wolcott nói hy vọng biên bản sẽ được ký trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 9, trước khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhóm họp.
Bà Wolcott cũng thảo luận thêm với Việt Nam một số công ước mà Mỹ muốn Việt Nam tham gia, chủ yếu bàn về quy định, an ninh an toàn hạt nhân. Trong đó có công ước CSC về bồi thường bổ sung, quy định trách nhiệm của các công ty hoạt động về năng lượng hạt nhân. “Nếu Việt Nam tham gia công ước sẽ có nhiều lựa chọn hơn về công ty làm việc với Việt Nam - bà nhận định - Chúng tôi rất ấn tượng về những bước đi Việt Nam đã thực hiện. Việt Nam đã làm những điều đúng đắn. Nhưng phải nói đây là một dự án lớn, dài hạn. Ngay cả với nước có điều kiện thích hợp nhất, cơ sở hạ tầng tốt rồi nhưng muốn xây dựng nhà máy điện hạt nhân, từ lập kế hoạch đến khi nhà máy vận hành được cũng phải mất ít nhất mười năm”.
(TTO)