Thứ Bảy, 21/09/2024 02:12 SA
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2008):
Những cống hiến của Chủ tịch Tôn Đức Thắng với Cách mạng Việt Nam và thế giới
Thứ Tư, 20/08/2008 07:00 SA

Người thành lập Công hội bí mật – tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam; góp phần quan trọng vào quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Ton-Duc-Thang-080819.jpg
Đại diện thanh niên Năm xung phong quây quần bên Bác Tôn - Ảnh: TTXVN

 

Đồng chí Tôn Đức Thắng từ Pháp trở về Sài Gòn đúng lúc cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của Pháp được đẩy mạnh. Nhiều nhà máy được mở rộng quy mô và xây dựng mới. Đội ngũ công nhân phát triển mạnh mẽ, phong trào đấu tranh ngày một sôi động đã làm cho họ nhận thức sự cấp thiết phải có một tổ chức lãnh đạo. Từ nước ngoài về, đồng chí Tôn Đức Thắng mang theo tình cảm yêu mến, sự giác ngộ về Cách mạng Tháng Mười Nga và Nhà nước Xôviết; kinh nghiệm tổ chức đấu tranh của giai cấp công nhân ở các nước tư bản, đặc biệt là nghiệp đoàn ở Pháp. Đó thực sự là vốn quý trong bối cảnh phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam vẫn đang trong tình trạng khủng hoảng đường lối.

 

Vượt qua mọi khó khăn và sự kiểm soát của kẻ địch, năm 1920, đồng chí Tôn Đức Thắng tập hợp công nhân thành lập Công hội bí mật. Những cơ sở đầu tiên của Công hội được hình thành, sau đó phát triển ra nhiều cơ sở khác của thành phố. Việc ra đời Công hội bí mật có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào công nhân vì đây là tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Từ khi thành lập, Công hội đã liên tục lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân ở Sài Gòn – Chợ Lớn, trong đó có cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son (8/1925). Thắng lợi của các cuộc đấu tranh đó có ý nghĩa chính trị rất lớn. Nó đánh dấu sự trưởng thành về ý thức đoàn kết giai cấp, đoàn kết quốc tế và tính tổ chức kỷ luật của giai cấp công nhân Việt Nam, đánh dấu sự chuyển biến của phong trào công nhân từ “tự phát” đi lên “tự giác”, từ “giai cấp tự mình” vươn lên thành “giai cấp cho mình”. Từ việc thành lập Công hội bí mật đến lãnh đạo phong trào đấu tranh công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn là sự đánh dấu bước trưởng thành về tư tưởng chính trị theo khuynh hướng cách mạng vô sản của đồng chí Tôn Đức Thắng.

 

Đầu năm 1927, những học trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi tìm lực lượng để gây dựng cơ sở ở Nam Kỳ đã gặp được Tôn Đức Thắng, một người tiêu biểu cho giai cấp công nhân ở một nước thuộc địa, có ý thức giai cấp công nhân, có ý thức dân tộc sâu rộng, có quyết tâm đấu tranh bất khuất, dày kinh nghiệm vận động công nhân, có ảnh hưởng trong giới thợ thuyền. Tôn Đức Thắng được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đồng chí đã tích cực giác ngộ hội viên Công hội và kết nạp một số người vào Hội thanh niên. Từ đây, Tôn Đức Thắng và Công hội bí mật thật sự hoạt động dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, đánh dấu sự tham gia của những người công nhân đầu tiên vào tổ chức Thanh niên ở nước ta.

 

Công hội Sài Gòn những năm 1926 – 1927 thực sự là cơ sở cho sự hình thành và phát triển tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, không chỉ ở Sài Gòn mà trên cả xứ Nam Kỳ. Kỳ bộ Nam Kỳ được thành lập, đồng chí Tôn Đức Thắng được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ. Các Tỉnh bộ được tiến hành thành lập. Tại Sài Gòn, Thành bộ do đồng chí Tôn Đức Thắng làm Bí thư. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Sài Gòn phát triển nhanh chóng, giữa năm 1927 đã có 30 hội viên. Đến năm 1929, toàn Nam Kỳ đã có 19 cơ sở chi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Từ năm 1927, Kỳ bộ Nam Kỳ đã nhận được báo Thanh niên, cuốn Đường Kách mệnh, cuốn Vỡ lòng chủ nghĩa cộng sản và nhiều tài liệu mác xít khác bằng tiếng Pháp. Kỳ bộ và một vài Tỉnh bộ đã mở lớp huấn luyện, bồi dưỡng chính trị ngắn ngày cho các hội viên mới. Kỳ bộ xuất bản tạp chí Bônsêvích vào báo Công nông binh, đưa hội viên vào hoạt động bí mật trong các nhà máy thực hiện chủ trương “vô sản hóa”. Những hoạt động tích cực đó của Kỳ bộ Nam Kỳ đã biến tư tưởng cách mạng mới thành lập một khuynh hướng chủ đạo đối lập với hệ tư tưởng thực dân – phong kiến trong đời sống chính trị của nhân dân Sài Gòn và Nam Bộ, đẩy phong trào công nhân Sài Gòn lên một bước mới. Dưới sự lãnh đạo của Kỳ bộ Nam Kỳ, trong đó có sự đóng góp của đồng chí Tôn Đức Thắng, phong trào công nhân Nam Kỳ phát triển mạnh mẽ, chiếm đa phần trong tổng số các cuộc đấu tranh của công nhân cả nước trong những năm 1926 – 1928. Từ đấu tranh cho các mục tiêu kinh tế tiến đến các mục tiêu chính trị, phong trào công nhân đã dần dần trở thành một lực lượng chính trị độc lập trong phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta.       

 

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), đội tiên phong chiến đấu của giai cấp công nhân nước ta khẳng định hoạt động tích cực của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và những học trò của Người trong sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin, phong trào yêu nước và phong trào công nhân. Tại Sài Gòn, quá trình đó diễn ra thuận lợi vì có sự hoạt động tích cực của Công hội do đồng chí Tôn Đức Thắng sáng lập. Công hội của đồng chí đã bắc nhịp cầu đưa chủ nghĩa Mác-Lênin đến với giai cấp công nhân. Từ đó đi đến khẳng định rằng, Tôn Đức Thắng không chỉ là chiến sĩ tiên phong của phong trào công nhân, một trong những người sáng lập tổ chức công đoàn của giai cấp công nhân Việt Nam mà còn là một trong những đảng viên lớp tiền bối của Đảng Cộng sản, có công trong cuộc vận động thành lập Đảng.

 

bac-ton-3-080820.jpg
Chủ tịch Tôn Đức Thắng thăm lực lượng công an - Ảnh: TƯ LIỆU

 

2- MỘT CHIẾN SĨ CÁCH MẠNG KIÊN CƯỜNG

 

Đồng chí Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám lớn Sài Gòn tháng 7/1929, một năm sau chúng đày đồng chí ra Côn Đảo. Gần mười bảy năm bị giam ở ngục tù, đồng chí đã tỏ rõ là một người chiến sĩ cộng sản bất khuất, đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù, thương yêu đồng chí và những người cùng cảnh ngộ. Đồng chí đề xướng việc thành lập Hội cứu tế tù nhân, đây là hội tù Côn Đảo đầu tiên nhằm mục đích đoàn kết, giúp đỡ nhau trong đấu tranh và trong cuộc sống hàng ngày, từ đó gần gũi giác ngộ cách mạng cho những người tù không phải là cộng sản. Nhiều tù nhân đã được giác ngộ, một số lưu manh cũng được cảm hóa bởi tình cảm chân thành của người cộng sản Tôn Đức Thắng. Đồng chí là một trong những đảng viên thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo. Chi bộ thành lập đã mở ra thời kỳ đấu tranh mới của tù nhân Côn Đảo, thời kỳ đấu tranh có tổ chức, có phương pháp, nhằm những mục tiêu cụ thể trước mắt và những mục tiêu lâu dài. Đồng chí đã đóng vai trò quan trọng cho sự ra đời và tồn tại của hai tờ báo Ý kiến chungTiến lên của chi bộ, góp phần trong việc thống nhất tư tưởng và hành động của những người tù cộng sản ở Côn Đảo. Khi chi bộ thực hiện chủ trương biến “nhà tù thành trường học cộng sản”, đồng chí tích cực hưởng ứng, gương mẫu học tập và tham gia vào truyền bá những kiến thức đó. Vượt qua sự kiểm soát gắt gao của kẻ địch, đồng chí tìm cách tiếp nhận báo chí cách mạng, sách kinh điển chủ nghĩa Mác-Lênin, tài liệu của Đảng Cộng sản Pháp, Quốc tế cứu tế đỏ cung cấp chuyển cho các đảng viên ở tù làm tài liệu học tập.

 

Khi biết tin phát xít Đức điên cuồng tấn công Liên Xô trong nội bộ tù Côn Đảo đã diễn ra cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt. Bằng kiến thức lý luận vững chắc, tầm hiểu biết thực tiễn, đồng chí đã lý giải và truyền niềm tin vào thắng lợi sự nghiệp cách mạng cho mọi người, góp phần làm ổn định tư tưởng đảng viên trong chi bộ. Khi phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp, nội bộ tù nhân có sự phân hóa, cùng các đảng viên kiên trung trong chi bộ, đồng chí đã vạch rõ sự thất bại tất yếu của chủ nghĩa phát xít, khẳng định thắng lợi của cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Vận dụng sáng tạo thuyết đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng chí đã tham gia đánh bại những luận điệu phản động của một số tù nhân theo quan điểm Quốc dân đảng cố tình vu khống, xuyên tạc chủ nghĩa cộng sản, gieo rắc tư tưởng học thuyết “đấu tranh sinh tồn”, giúp họ nhận rõ những sai lầm trong tư tưởng và hành động. Hình ảnh người chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng kiên cường, sáng ngời bản lĩnh và niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc đã làm các đồng chí đảng viên tù Côn Đảo ngưỡng mộ và làm kẻ thù khiếp sợ. Tấm gương người cộng sản kiên trung đó đã khẳng định: dù kẻ thù dùng mọi chính sách khủng bố cực kỳ dã man đến mấy cũng không thể nào ngăn cản được bước tiến của cách mạng, trái lại nó trở nên một thứ lửa thử vàng, rèn luyện người chiến sĩ cách mạng càng thêm cứng rắn.

 

3- MỘT CÁN BỘ LÃNH ĐẠO CHỦ CHỐT CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC

 

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, từ Côn Đảo trở về, đồng chí Tôn Đức Thắng bắt tay ngay vào cuộc chiến đấu mới của đồng bào Nam bộ và nhân dân cả nước chống thực dân Pháp xâm lược. Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Tôn Đức Thắng cùng tập thể Xứ ủy Nam bộ nêu ra phương hướng chỉ đạo và nhiệm cụ cấp bách cho cuộc chiến đấu ở Nam bộ. Trên cương vị phụ trách Ủy ban kháng chiến chỉ huy các lực lượng vũ trang Nam bộ, đồng chí cùng những cán bộ trung kiên của Đảng đi sâu xuống cơ sở, xây dựng phong trào, củng cố và phát triển chính quyền cách mạng, thành lập khu du kích và đơn vị vũ trang cách mạng, đẩy mạnh cuộc kháng chiến ở Nam bộ.

 

Khi được điều động ra Hà Nội công tác, đồng chí là một cộng sự đắc lực giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chỉ đạo cuộc kháng chiến kiến quốc. Thời gian từ năm 1946 đến ngày kháng chiến kết thúc, đồng chí Tôn Đức Thắng giữ nhiều chức vụ quan trọng. Với tinh thần của người cộng sản đã được tôi luyện trong nhà tù đế quốc, được ngọn lửa cách mạng hun đúc, đồng chí bao giờ cũng tận tụy, hăng say với công việc. Là Tổng Thanh tra của Chính phủ và Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí thường xuyên đi thăm hỏi các gia đình thương binh – liệt sĩ, kiểm tra việc thực hiện chính sách tại nhiều địa phương, chỉ đạo đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra và công tác tổ chức bộ máy Nhà nước. Là Quyền trưởng ban Thường trực Quốc hội, đồng chí tham gia soạn thảo pháp luật và chỉ đạo thực hiện pháp luật phục vụ kháng chiến và kiến quốc. Là Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đồng chí cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành chăm lo giáo dục ý thức giai cấp cho công nhân, thăm các xí nghiệp đóng tại núi rừng Việt Bắc, động viên công nhân ra sức sản xuất phục vụ kháng chiến, góp phần tổ chức việc di dời máy móc và nguyên vật liệu từ vùng địch tạm chiếm ra vùng tự do… Là Trưởng ban Trung ương vận động thi đua ái quốc, đồng chí Tôn Đức Thắng quan tâm việc đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, uốn nắn những lệch lạc trong chỉ đạo và tổ chức phong trào, cung cấp thêm những tư liệu thực tiễn sinh động giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948). Phong trào thi đua yêu nước dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí được dấy lên, đã huy động được sức mạnh toàn dân tộc vào cuộc kháng chiến và kiến quốc, là đòn bẩy kỳ diệu nâng lên sức mạnh Việt Nam.

 

Từ năm 1954 đến năm 1969, đồng chí Tôn Đức Thắng đảm đương nhiều trọng trách trong hệ thống chính trị. Cuộc đời và hoạt động của đồng chí gắn liền với những thay đổi to lớn, nhanh chóng của đất nước, dân tộc và thời đại.

 

Với những nỗ lực của Đảng, Chính phủ, trong đó có vai trò tích cực của đồng chí Tôn Đức Thắng với tư cách là Trưởng ban chỉ đạo thanh toán nạn mù chữ Trung ương, công cuộc xóa nạn mù chữ đã hoàn thành về cơ bản ở miền Bắc. Kinh nghiệm xóa nạn mù chữ của Việt Nam đã được nhiều nước mới giải phóng ở Đông Nam Á và châu Phi đến tham quan, học tập kinh nghiệm và mời làm chuyên gia. Đồng chí cùng các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh và thực hiện kế hoạch lần thứ nhất phát triển kinh tế – xã hội ba năm (1954-1960). Do những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, năm 1958, đồng chí là người Việt Nam đầu tiên được trao tặng phần thưởng cao quý nhất của Nhà nước ta, Huân chương Sao Vàng. Trên cương vị là Phó Chủ tịch nước, đồng chí góp phần cùng Trung ương Đảng tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đánh bại “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở miền Nam (1960-1964); lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trong thời chiến, đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam (1964-1969). Đồng chí Tôn Đức Thắng đã góp phần cùng Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo nhân dân miền Bắc ra sức thi đua làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Các phong trào thi đua yêu nước nở rộ, miền Bắc thi đua với miền Nam, hậu phương lớn sát cánh cùng tiền tuyến lớn.

 

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch nước. Đồng chí luôn chăm lo đến sự nghiệp xây dựng và củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, nghiêm chỉnh thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhiệm vụ của công tác chính quyền: nhân dân là người chủ, Chính phủ là người đày tớ của nhân dân. Chính phủ chỉ có một mục đích là hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đồng chí quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên; chăm lo đời sống của nhân dân; quan tâm đến các lực lượng vũ trang, cán bộ chiến sĩ bộ đội; đặc biệt dành tình cảm cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

 

Đất nước thống nhất, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội thống nhất, đồng chí lại được bầu làm Chủ tịch nước. Đồng chí đã góp phần cùng Đảng, Nhà nước lãnh đạo nhân dân giành nhiều thắng lợi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước (1975-1980).

 

Với cương vị và trọng trách to lớn được Đảng giao phó, đồng chí Tôn Đức Thắng đã góp phần xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; tập hợp toàn dân tộc đoàn kết một lòng đưa kháng chiến đến thắng lợi vẻ vang; góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội; đưa cách mạng Việt Nam hòa trong dòng thác cách mạng thế giới đấu tranh cho độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc, tiến bộ và nhân văn.

 

4- NGƯỜI TIÊU BIỂU NHẤT CHO CHÍNH SÁCH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC CỦA ĐẢNG VÀ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

 

Hoạt động trên nhiều cương vị khác nhau, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn quan tâm và chăm lo việc tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công lao của đồng chí là đã góp phần quan trọng vào việc thu hút trí lực của toàn dân tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Hình ảnh đồng chí Tôn Đức Thắng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc rất sâu đậm bởi đức độ và uy tín của đồng chí.

 

Tình hình đất nước ta vào đầu năm 1946 cực kỳ khó khăn. Vận mệnh Tổ quốc đang “nghìn cân treo sợi tóc”. Đảng ta chủ trương một mặt hòa để tiến, mặt khác ra sức củng cố khối đoàn kết làm hậu thuẫn chính trị cho chính quyền nhân dân còn non trẻ và chuẩn bị điều kiện kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho đồng chí Tôn Đức Thắng nhiệm vụ quan trọng là vận động, xây dựng một tổ chức đoàn kết rộng rãi hơn nữa các tầng lớp nhân dân Việt Nam nhằm tăng thêm lực lượng cho cách mạng. Sau gần nửa tháng nỗ lực chuẩn bị, ngày 2/5/1946, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) được thành lập. Đồng chí Tôn Đức Thắng được giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội. Đồng chí đã có công làm rõ nhận thức đại đoàn kết là chính sách liên minh giai cấp để kháng chiến, mâu thuẫn quyền lợi giữa các giai cấp phải được điều hòa hợp lý, trong đó chú trọng quyền lợi của đông đảo quần chúng vì họ là nền tảng của Mặt trận dân tộc thống nhất. Đồng chí bàn bạc, trao đổi với cán bộ Hội, đối thoại với người của các đảng phái, giai cấp, dân tộc, tôn giáo khác nhau, làm cho họ nhận rõ ý nghĩa của việc thành lập Hội Liên Việt, vai trò của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc kháng chiến chống xâm lược. Do thống nhất trong nhận thức, hoạt động của tổ chức này đã góp phần tăng sức mạnh cho chính quyền cách mạng non trẻ và đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến kiến quốc.

 

Cùng với sự ra đời của Hội Liên Việt là việc thành lập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (27/5/1946), Đảng xã hội Việt Nam (tháng 7/1946), Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1946), mở các hội nghị như Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam (3/12/1946). Đồng chí Tôn Đức Thắng đã góp phần tích cực, tạo mọi điều kiện cho các tổ chức trên hoạt động có hiệu quả.

 

Đồng chí Tôn Đức Thắng là người có công trong việc thống nhất Việt Nam – Liên Việt (3-7/3/1951). Thắng lợi của Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Nam – Liên Việt đã làm cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được tăng cường và phát triển thêm một bước mới. Cuộc hợp nhất thành công đã tăng sức mạnh cho cuộc kháng chiến, khẳng định ý chí quật cường của toàn dân trước sự xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ và bọn tay sai.

 

Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc (từ 5-10/9/1955) là sự kiện trọng đại đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đại hội đã thảo luận thông qua dự thảo Cương lĩnh, Điều lệ mới và quyết định tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cương lĩnh của Mặt trận được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao.

 

Đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và giữ trọng trách này đến năm 1977. Trên cương vị lãnh đạo Mặt trận, đồng chí đem hết sức lực, nhiệt tình và trí tuệ của mình, cống hiến cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong mọi hoạt động cụ thể của mình, đồng chí đã làm sáng tỏ chủ trương đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng, phá tan âm mưu của các thế lực thù địch chia rẽ đoàn kết lương giáo, nhắc nhở các thành viên trong Mặt trận phải tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện đời sống mới, bảo vệ quyền lợi của người lao động, bảo trợ người già yếu, tàn tật, phụ nữ trẻ em, gìn giữ văn hóa truyền thống và tiếp thu văn hóa nhân loại làm phong phú và phát triển nền văn hóa dân tộc, mọi mặt công tác của Mặt trận đều nhằm phục vụ cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam… Mặt trận đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng Đảng, xây dựng và bảo vệ chính quyền nhân dân, củng cố khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân. Nhờ đoàn kết trong nước, chúng ta đã mở rộng và phát triển đoàn kết quốc tế, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ và hợp tác của bạn bè trên thế giới. Có thể nói Mặt trận đã trở thành một nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

 

5- Một chiến sĩ quốc tế trong sự nghiệp đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

 

Cùng với những hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đầu thế kỷ XX, việc đồng chí Tôn Đức Thắng tham gia cuộc khởi nghĩa ở Biển Đen đã trở thành một gạch nối của Cách mạng Nga với Cách mạng Việt Nam, nối liền Cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Đồng chí Tôn Đức Thắng đã để lại nhiều tình cảm yêu mến trong lòng nhân dân Liên Xô. Khi tham gia Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta sang thăm Pháp, đồng chí đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ là làm cho nhân dân Pháp và nhân dân thế giới hiểu hơn về thiện chí hòa bình của Chính phủ Việt Nam, về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, tăng cường sự hiểu biết giữa hai dân tộc Việt – Pháp. Khi đồng chí đi thăm các nước: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc, Cộng hòa dân chủ Đức, Cộng hòa nhân dân Hunggari, Cộng hòa nhân dân Anbani, Cộng hòa nhân dân Ba Lan, Cộng hòa nhân dân Mông Cổ, đến đâu, đồng chí cũng được các nước anh em đón tiếp nồng hậu và trọng thể. Tính từ sự kiện năm 1919 đến khi từ trần, đồng chí đã có trên 60 năm với nhiều cống hiến trọn vẹn, liên tục, có hiệu quả cho phong trào cách mạng thế giới, xứng đáng là một trong những nhà lãnh đạo tiêu biểu nhất cho tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, thủy chung, đã được bạn bè thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

 

Đồng chí tham gia nhiều hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, gửi thư chúc mừng quốc khánh, viết bài nhân dịp các sự kiện quốc đại trọng đại… Trên cương vị nào, đồng chí cũng luôn chăm lo đến tình đoàn kết quốc tế, thắt chặt mối quan hệ giữa nhân dân ta với bầu bạn trên thế giới. Trong các hoạt động của mình, tranh thủ mọi điều kiện, mọi thời điểm lịch sử, đồng chí làm cho nhân dân tiến bộ trên thế giới thấy rõ được bản chất xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, thể hiện khát vọng hòa bình, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam, kêu gọi nhân dân thế giới giúp đỡ Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.

 

Đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch danh dự Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam. Đại hội hòa bình thế giới họp ở Henxinki (Phần Lan) tháng 7/1955 đã bầu đồng chí làm Ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới. Tháng 12/1955, Ủy ban giải thưởng hòa bình quốc tế Stalin của Liên Xô (giải thưởng này sau đó mang tên Lênin) tặng đồng chí giải thưởng Stalin “Về sự nghiệp củng cố hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc” do những cống hiến của đồng chí với phong trào hòa bình thế giới. Đồng chí là người Việt Nam đầu tiên được tặng phần thưởng cao quý này.

 

Trên cương vị Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Xô, đồng chí không ngừng vun đắp cho quan hệ Việt – Xô đơm hoa kết trái. Tháng 11/1967, Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô đã trao tặng đồng chí Huân chương Lênin nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek