Đó là nội dung cơ bản và quan trọng nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc đưa tới thắng lợi vẻ vang trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Mít tinh Tổng khởi nghĩa ở Quảng trường Nhà Hát Lớn, Hà Nội |
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thành quả vĩ đại của toàn dân tộc đoàn kết đấu tranh dưới lá cờ của Đảng, bắt nguồn từ con đường cứu nước giải phóng dân tộc do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm ra và dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân ta đứng dậy, quyết chiến đấu giành lại độc lập tự do, đưa nhân dân lên địa vị làm chủ nước nhà.
Một nhân tố quyết định cho thắng lợi của toàn bộ sự nghiệp cách mạng nói chung và mở đầu là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là vai trò lãnh đạo của Đảng. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đường lối cách mạng của Đảng với mục tiêu giành độc lập dân tộc và đi lên CNXH đã tập hợp, đoàn kết toàn dân đấu tranh đánh đuổi đế quốc, giành lại độc lập tự do.
Đường lối cách mạng giải phóng dân tộc gắn liền cách mạng XHCN của Đảng đã đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của toàn dân, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước đầu thế kỷ 20. Với đường lối cứu nước đúng đắn do được vũ trang bởi lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước của dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đưa Đảng ta và cách mạng Việt Nam đi vào con đường cách mạng vô sản, gắn cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta với phong trào cách mạng thế giới.
Đặc biệt, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa phải chủ động tiến công chủ nghĩa thực dân, không chờ thắng lợi của cách mạng vô sản ở chính quốc, mà bằng thắng lợi cho cuộc cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động ở các nước tư bản, đế quốc.
Tư tưởng đem sức ta mà tự giải phóng cho ta của Chủ tịch Hồ Chí Minh với mục tiêu, nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu đã tập hợp mọi lực lượng trong toàn dân tộc trên mặt trận chống đế quốc và dẫn dắt phong trào cách mạng vượt qua những khó khăn, thử thách, phát triển mạnh mẽ. Nhất là từ năm 1941, phong trào cách mạng nước ta đã chuyển biến có tính bước ngoặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bác Hồ.
Sau 30 năm bôn ba, hoạt động cách mạng ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước chỉ đạo phong trào cách mạng.
Tháng 5 năm 1941, Người chủ trì hội nghị Trung ương 8, xác định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết của cách mạng. Do đó, “trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc”. Trong thư Kính cáo đồng bào, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết: Trong lúc quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy, chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa bỏng. Hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết… Việc cứu nước là việc chung, ai là người Việt
Theo tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ, Mặt trận Việt Minh được thành lập với mục đích cao nhất là để “liên hiệp hết thảy các tầng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp – Nhật giành độc lập cho xứ sở” (Văn kiện Đảng, Toàn tập, T7, tr149).
Mặt trận Việt Minh ra đời là sáng kiến đặc biệt của Bác Hồ đã liên hiệp được các đoàn thể cứu quốc, thống nhất các lực lượng yêu nước phản đế, thực hiện đoàn kết toàn dân đấu tranh đánh đuổi thực dân, phát xít dưới ngọn cờ cứu nước, giải phóng cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Đồng thời, đây cũng là sự chuẩn bị lực lượng cách mạng trong quần chúng nhân dân, thông qua các bước tập dượt đấu tranh chính trị, từng bước xây dựng nòng cốt là “những tiểu tổ du kích, du kích chính thức” chuẩn bị cho các cuộc khởi nghĩa vũ trang, nhằm vào cơ hội thuận tiện hơn cả mà đánh lại quân thù, khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương, giành sự thắng lợi và mở đường “cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”. Theo đó, các căn cứ địa được xây dựng ở các tỉnh miền núi và phát triển về đồng bằng, đô thị. Ngày 22 tháng 12 năm 1944, Bác Hồ chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, là “khởi điểm của giải phóng quân”, chính trị trọng hơn quân sự, có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang địa phương, huấn luyện các đội vũ trang địa phương và phát triển đội quân chủ lực.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, chớp lấy thời cơ lịch sử do Hồng quân Liên Xô và phe Đồng Minh chiến thắng chủ nghĩa phát xít, ở trong nước thì Nhật Pháp bắn nhau, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ngày 13 tháng 8 đã quyết định Tổng khởi nghĩa giành độc lập hoàn toàn cho đất nước, thành lập chính quyền nhân dân, thống nhất các lực lượng vũ trang, thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc.
Cuộc Tổng khởi nghĩa nổ ra hầu như đồng loạt trên cả nước. Trong vòng hai tuần lễ, nhân dân ta đã giành chính quyền trên toàn quốc. Chấm dứt ách thống trị gần trăm năm của thực dân Pháp và chế độ phong kiến hàng nghìn năm.
Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám thắng lợi trọn vẹn, nhanh chóng và ít đổ máu là kết quả của ba cuộc vận động cách mạng lớn do Đảng lãnh đạo từ năm 1930.
Từ năm 1941, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bác Hồ, phong trào cách mạng đã chuẩn bị lực lượng và điều kiện cho cuộc khởi nghĩa, bảo đảm được những nhân tố giành chiến thắng: Mặt trận Việt Minh là tổ chức tập hợp, đoàn kết toàn dân; Xây dựng lực lượng vũ trang và phát triển các căn cứ địa mở rộng địa bàn cho phong trào cách mạng; Lập Ủy ban khởi nghĩa làm cơ sở xây dựng chính quyền nhà nước của nhân dân.
Bài học chủ động tiến công cách mạng với tinh thần đem sức ta mà tự giải phóng cho ta trong Cách mạng tháng Tám soi sáng con đường và phương pháp cách mạng cho Đảng và nhân dân ta giành thắng lợi huy hoàng trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược và kiên định sự nghiệp xây dựng CHXH, tiến hành đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong điều kiện lịch sử mới, toàn cầu hóa là xu thế khách quan; khoa học, công nghệ phát triển nhanh, những biến động về chính trị, kinh tế thế giới khó lường, tác động đến tất cả các quốc gia, dân tộc trên hành tinh… để phát triển nhanh, bền vững, đẩy mạnh CNH, HĐH, chủ động hội nhập, nâng cao đời sống toàn dân, vận dụng và phát huy tinh thần của Cách mạng tháng Tám “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” vẫn nguyên giá trị. Đó chính là đề cao lòng yêu nước của toàn dân, cần kiệm xây dựng đất nước, phát huy mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người, chống lãng phí, tham nhũng, kết hợp nội lực với ngoại lực, sớm đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, làm cho dân giàu, nước mạnh.
PHẠM VĂN KHÁNH