Thực hiện chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 3, sáng 2/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; Việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.
Trong phiên thảo luận sáng 2/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình làm rõ 3 nhóm vấn đề mà đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.
Năng lực sản xuất kinh doanh vẫn tốt
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thu ngân sách năm 2021 đạt 1.568.000 tỉ đồng, có nghĩa vượt 16,8% so với dự toán đề ra và tăng gần 3,9% so với năm 2020. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, tiền đất thu lợi trên cả nước là 185.000 tỉ đồng, chiếm 11% tổng thu ngân sách, dầu thô thu được 44 nghìn tỉ đồng, tức khoảng 2,9%. Như vậy, tiền đất và tiền dầu thô chỉ đạt gần 14% số tổng thu ngân sách thực hiện.
Điều đó có nghĩa, năng lực về sản xuất kinh doanh của chúng ta vẫn tốt, trong số vượt thu 225.000 tỉ đồng, trong đó có 74.000 tỉ đồng thu từ tiền đất, 21.000 tỉ đồng là vượt thu từ dầu thô, chiếm 45% trong tổng số vượt thu. Như vậy, số vượt thu từ sản xuất kinh doanh chiếm 55%.
Đối với vấn đề thu thuế bất động sản, nhiều đại biểu cho rằng sẽ ảnh hưởng đến vấn đề tạo điều kiện cho cơ quan thuế và ảnh hưởng đến nhân dân, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, theo quy định của Luật Thuế, Nghị định 12, Nghị định 65 và Thông tư 92, người nộp thuế phải kê khai thuế trên hợp đồng đúng theo hai bên thỏa thuận, nếu tốt hơn sẽ tính theo bảng giá đất tại thời điểm nộp thuế.
"Thời gian vừa qua có sự trốn thuế và có sự trục lợi về thuế. Cho nên, Bộ Tài chính đã có văn bản chỉ đạo cơ quan thuế phải siết chặt vấn đề thu thuế đúng với giá trị mua bán và từ đây sẽ tác động đến vấn đề đầu cơ kinh doanh bất động sản", Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, vượt thu đạt 16.200 tỉ đồng, vượt thu so với cùng kỳ năm ngoái là 6.600 tỉ đồng. "Có những trường hợp ban đầu kê khai có 500 triệu đồng, nhưng sau đó được giải thích đã kê khai là 10 tỉ đồng, có nghĩa gấp đến 20 lần. Có trường hợp kê khai lại gấp 40 lần. Còn bình quân gấp khoảng 6 lần", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu; đồng thời nhận định, đây là vấn đề mà cần phải thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Về phía cơ quan thuế, Bộ Tài chính đã có công điện nghiêm cấm việc cơ quan thuế, cán bộ thuế nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân. Vấn đề "tiền phòng - hậu kiểm" sẽ giải quyết được các vấn đề, sau này không để các vụ án hình sự xảy ra.
Các cơ quan các cấp, người dân giám sát, nếu cơ quan thuế có nhũng nhiễu, lót tay, trục lợi, phải hối lộ, Bộ Tài chính sẽ xử lý nghiêm và sắp tới đề nghị các địa phương xây dựng dữ liệu về mua bán bất động sản để minh bạch hơn trong quá trình thu thuế bất động sản thông qua vấn đề chuyển nhượng.
Về thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và thị trường phái sinh, Bộ trưởng cho rằng, "thị trường chứng khoán của chúng ta rất tốt". "Tại sao tôi nói như vậy? Thị trường chứng khoán của các nước tiên tiến đã có trên 500 năm, còn chứng khoán chúng ta mới có 22 năm nhưng được đánh giá là thị trường rất tốt. Thị trường chứng khoán có thể nói là một kênh huy động vốn đầu tư trung và dài hạn", Bộ trưởng nêu.
Thị trường cổ phiếu năm 2021 đạt được 7.774.000 tỉ đồng, chiếm 92% GDP và tăng trưởng so với năm 2020 là 46,7 %; bình quân giao dịch trên 26.000 tỉ đồng. Về thị trường trái phiếu, ngoài trái phiếu Chính phủ, trái phiếu của doanh nghiệp năm 2021 là 1.374.000 tỉ đồng, tức khoảng 15% GDP.
Như vậy, so với GDP của các nước trong khu vực, trái phiếu của chúng ta vẫn còn thấp. Ví dụ như Trung Quốc trái phiếu doanh nghiệp chiếm 35,6%, Nhật Bản 17,4%, Hàn Quốc đạt 86,4%, Malaysia 56%, Singapore 36% và Thái Lan gần 25%. Như vậy, chúng ta vẫn có tiềm năng rất tốt để có thể huy động vốn trên thị trường trái phiếu của doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận định, thị trường chứng khoán thời gian vừa rồi có thể nói là "vẫn tốt" để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
"Một số vụ việc sai phạm vừa qua do sai phạm với quy định của Luật Chứng khoán, các nghị định liên quan mà Chính phủ đã ban hành. Ví dụ như thao túng thị trường, lừa dối khách hàng, giả mạo hồ sơ, tài liệu để lừa dối khách hàng... và đã được cơ quan pháp luật xử lý nghiêm minh. Bộ Tài chính đã có 5 công bố báo chí đối với các cơ quan, phương tiện truyền thông tin đại chúng và nhiều bài báo để nói lên những rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ để đầu tư cẩn trọng khi mua bán và khi tham gia đầu tư loại trái phiếu này", Bộ trưởng cho biết.
Ngày 1/9 và ngày 3/12/2021, Bộ Tài chính đã ban hành công điện yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan tiến hành kiểm tra vấn đề phát hành trái phiếu riêng lẻ. Đến đầu tháng 4/2022, Bộ Tài chính đã kiểm tra các công ty kiểm toán độc lập và đã phát hiện ra một số vi phạm.
"Như vậy, chúng tôi tin tưởng rằng thị trường chứng khoán chúng ta vẫn là một kênh huy động vốn trung, dài hạn và sẽ tốt. Bộ Tài chính đang trình với Chính phủ sửa đổi Nghị định 153 để thực hiện một cách minh bạch hơn, tốt hơn và bịt một số lỗ hổng trong thị trường chứng khoán. Đặc biệt sẽ kiến nghị với Quốc hội sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin.
Nhiệm vụ cấp bách là chống được lạm phát
Về vấn đề giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, nhiệm vụ cấp bách của chúng ta hiện nay là phải chống được lạm phát. Bởi hiện nay, đất nước đang hội nhập kinh tế quốc tế nên những nguyên liệu chúng ta phụ thuộc nước ngoài phải chịu sự tác động của nước ngoài, ví dụ như thép, phôi thép, xăng dầu... nên chống lạm phát là một vấn đề rất quan trọng.
Theo đó, gói giải pháp chống lạm phát hiện nay là tập trung vào vấn đề chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, quản lý giá tốt. Một vấn đề quan trọng nữa là phải tăng năng lực sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp; phải tái cơ cấu và tăng cường sản xuất kinh doanh trong nước. Có như vậy sẽ tạo ra được những sản phẩm và nâng cao được mức thu nhập của người dân và doanh nghiệp; từ đó có sức để chống lạm phát.
Đối với xăng dầu, Bộ trưởng cho biết có nhiều ý kiến cho rằng cần phải được giảm giá xăng dầu.
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng giải trình rằng, việc giảm giá xăng dầu là một trong nhiều giải pháp. Muốn giảm được giá xăng dầu, Bộ trưởng cho rằng cần phải sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Ví dụ, thuế trong giá xăng dầu của nước ngoài chiếm từ 45 đến 60% nhưng đối với nước ta chỉ từ 29 đến 30% thuế trong giá xăng dầu. Như xăng A92, các loại thuế trong xăng dầu chỉ chiếm 28% trong giá xăng dầu. Vừa qua đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và một số loại thuế khác, hiện đang thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
"Giảm thuế có nghĩa là chính sách thuế gắn liền với chính sách tài khóa; đương nhiên phải cắt giảm các khoản chi. Tuy nhiên, đối với nước ta là nước xuất xuất khẩu dầu thô, mỗi năm khoảng trên 8.000.000 thùng dầu thô nên khi giá dầu thô lên, chúng ta cũng bù đắp được một phần. Tuy nhiên, vấn đề giảm thuế là một biện pháp mà Bộ Tài chính sẽ cân nhắc, đánh giá tác động để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội về vấn đề giảm thuế trong giá xăng dầu", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng, cần phải tính đến vấn đề chống buôn lậu, bởi vì giá xăng dầu của chúng ta đang chênh so với Lào, Campuchia... Về vấn đề thúc đẩy nguồn cung xăng dầu, Bộ trưởng nhấn mạnh phải tập trung để nâng công suất của hai Nhà máy chế biến xăng dầu Dung Quất và Nghi Sơn trong thời gian tới.
Theo TTXVN/Vietnam+