Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 1/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.
Trong phiên thảo luận chiều 1/6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã giải trình làm rõ một số nội dung liên quan đến lĩnh vực này.
Phấn đấu đón 5 triệu lượt khách quốc tế
Đối với vấn đề phát triển du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh ngành du lịch được hiểu là một ngành kinh tế tổng hợp và Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW xác định là ngành kinh tế mũi nhọn.
Trước đại dịch COVID-19, ngành du lịch đã có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế nước nhà. Khi đại dịch xảy ra, ngành du lịch đã chịu nhiều tác động, thiệt hại.
Trước những khó khăn đó, Đảng, Chính phủ, Quốc hội luôn quan tâm đến ngành kinh tế này và đã có nhiều quyết sách để hỗ trợ, giúp đỡ, như miễn, giảm tiền điện trong thời điểm dịch bùng phát để giảm sức nặng cho các cơ sở lưu trú; giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành; giảm 50% phí thẩm định cấp phép lữ hành quốc tế, lữ hành nội địa và thẻ hướng dẫn viên du lịch...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm việc với các cơ quan làm công tác du lịch ở các địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp để đề nghị cơ cấu lại, chuẩn bị thích ứng an toàn trong điều kiện khi nước ta xem xét để mở cửa. Đồng thời, Bộ đã tích cực tham mưu để Chính phủ xem xét cho phép mở cửa thị trường quốc tế.
Ngày 15/3, Việt Nam đã chính thức mở cửa lại thị trường quốc tế và là một trong những quốc gia có độ mở nhất, tạo ra hiệu ứng tốt nhất về kiểm soát dịch bệnh khi lượng vắc xin đã được bao phủ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng khẳng định Việt Nam coi du lịch nội địa là “bệ đỡ” cho du lịch quốc tế trong thời điểm khó khăn. Các số liệu phân tích đã cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 200% so với cùng kỳ, song du lịch nội địa còn tăng cao hơn. Số liệu này cũng cho thấy khi kiểm soát tốt dịch bệnh, Việt Nam là điểm đến an toàn.
Đề cập đến SEA Games 31, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết đây không chỉ là sự kiện thể thao mà còn là dịp để quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, thúc đẩy ngành du lịch. Số lượng 10.000 vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài, chưa kể 700 phóng viên, nhà báo quốc tế, chính là những sứ giả của du lịch Việt Nam.
“Họ sẽ nói về Việt Nam, về quê hương của chúng ta, về điểm đến an toàn và những địa danh mà người ta đã đến. Sự trải nghiệm đó thực sự có ích cho ngành du lịch phát triển", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, du lịch biển đảo, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng là thế mạnh của Việt Nam. Vì vậy, mùa hè 2022, ngành du lịch cần tập trung rà soát, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quảng bá, nâng cấp, số hóa các điểm đến; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế như mong muốn.
Trách nhiệm đối với di sản
Đối với vấn đề về di sản, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết di sản là tài sản, tài nguyên văn hóa vô cùng giá trị của đất nước. Số lượng di tích, di sản trên cả nước rất lớn với hơn 40.000 di tích; trong đó, 8 di tích tiêu biểu được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản thế giới, 123 di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng xếp hạng, 3.599 di tích quốc gia được Bộ trưởng Bộ Văn hóa xếp hạng, 10.755 di tích được Chủ tịch Ủy ban cấp tỉnh xếp hạng.
"Số lượng di tích, di sản của đất nước hết sức phong phú, đồ sộ và đa dạng nên phát huy, bảo tồn và lan tỏa những giá trị mà thiên nhiên ban tặng, cha ông ta hình thành và xây dựng là trách nhiệm của chúng ta", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay.
Tuy nhiên, trưởng ngành văn hóa cũng cho rằng hiện do khó khăn về nguồn vốn, nguồn lực nên di tích ở nhiều địa phương đã xuống cấp. Nhấn mạnh việc chống xuống cấp đối với các di sản, di tích đã được thực hiện bằng tất cả trách nhiệm và theo đúng luật, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định phải phân cấp rõ hơn, trách nhiệm rõ hơn để tránh tình trạng khi công nhận di tích, xếp hạng di tích thì cứ nghĩ là đây là trách nhiệm của bộ, ngành mà không phải trách nhiệm của cơ quan quản lý, địa phương.
“Di tích ở địa phương nào, địa bàn nào và giá trị của di tích đó không phải chỉ ở cấp Bộ quản lý mà phải được phát huy từ ngay địa bàn đó", ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Kết luận nội dung làm việc chiều 1/6, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết trong phiên thảo luận, có 21 ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội và 1 ý kiến tranh luận.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá các ý kiến của các đại biểu Quốc hội thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, sâu sắc về các nội dung: tập trung đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, hiến kế để đẩy mạnh việc triển khai các công trình, dự án đầu tư công, phát triển kinh tế vùng chính sách để phát huy, bảo tồn văn hóa các dân tộc về đời sống và nhà ở cho công nhân lao động; về bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái rừng tự nhiên; về xử lý nợ xấu và việc kéo dài thời hạn của Nghị quyết 42 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị làm rõ nguyên nhân, giải pháp trách nhiệm việc chậm tiến độ thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về giá xăng dầu, về an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, về phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em, về chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chính sách đối với đội ngũ giáo viên; về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới và kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông...
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã trao đổi một số vấn đề đại biểu nêu liên quan đến các nội dung về giáo dục, đào tạo về tự chủ đại học, về học phí và giá sách giáo khoa.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã trao đổi một số vấn đề về giải pháp phát triển du lịch và nhiệm vụ phát huy, bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc.
Theo TTXVN/Vietnam+