LTS: Ngày 31/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, ĐBQH tỉnh Phú Yên Dương Bình Phú phát biểu góp ý dự án luật này. Báo Phú Yên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.
Tôi thống nhất cao với báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội. Nhận thấy đây là dự án luật khó, chuyên môn sâu; việc tiếp thu, hoàn thiện cũng đã tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng một cách tổng quan, toàn diện phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn.
Thứ nhất, việc đề xuất quy định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH-CN sử dụng ngân sách Nhà nước cho tổ chức chủ trìđược nhiều đại biểu ủng hộ. Tuy nhiên, giao quyền rồi thì việc phân chia lợi ích từ khai thác thương mại các đối tượng này như thế nào cho hợp lý là quan trọng, đặc biệt là quy định về phân chia đó có đảm bảo được mục tiêu tạo ra cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả theo Nghị quyết 20-NQ/TW hay chưa?
Qua nghiên cứu dự thảo hiện hành, tôi thấy rằng nội dung về phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tác giả và tổ chức chủ trì được quy định tại các điều 133a, 135 và 136a, so với dự thảo luật trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 10/2021 có một số điểm đã được chỉnh lý để làm được rõ hơn về nội dung phân chia lợi ích giữa các chủ thể.
Như vậy, các quy định về phân chia lợi ích bảo đảm được mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 20-NQ/TW và có tính khả thi cao do dựa trên những quy định hợp lý, đã được kiểm nghiệm trên thực tế nhiều năm trước đây. Quy định theo hướng như vậy, thể hiện sự nhất quán trong chính sách hỗ trợ, khuyến khích thúc đẩy phát triển KH-CN mà Nhà nước đang thực hiện.
Thứ hai, vấn đề trả thù lao cho tác giả sáng chế/kiểu dáng công nghiệp/thiết kế bố trí là kết quả nhiệm vụ KH-CN sử dụng ngân sách Nhà nước, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 43 của Luật KH-CN theo hướng dẫn chiếu đến quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và bổ sung quy định về thù lao cho tác giả sáng chế/kiểu dáng công nghiệp/thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH-CN sử dụng ngân sách Nhà nước vào khoản 2 Điều 135 của Luật Sở hữu trí tuệ. Cụ thể, ngoài việc ấn định mức trả thù lao tối thiểu: 10% lợi nhuận mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế/kiểu dáng công nghiệp/thiết kế bố trí và 15% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng được căn cứ theo quy định Luật Sở hữu trí tuệ (khoản 2 Điều 135), dự thảo luật đặt ra mức trần tối đa là 15% lợi nhuận do sử dụng và 20% số tiền nhận được do chuyển giao quyền sử dụng. Tôi thấy cũng chưa phù hợp và đề nghị tăng mức trần tối đa 20% lợi nhuận do sử dụng và 25% tiền nhận được do chuyển giao quyền sử dụng. Việc tăng này nhằm thu hút đầu tư cho lĩnh vực KH-CN và sáng tạo mới. Việc ấn định mức trần là hợp lý, nhằm khắc phục được một phần điểm chưa hoàn toàn chặt chẽ của quy định về trả thù lao cho tác giả tại Luật KH-CN. Hiện nay chỉ quy định mức thù lao tối thiểu mà không khống chế mức tối đa, có thể dẫn đến sự thông đồng giữa tổ chức chủ trì và tác giả, gây khó khăn cho việc thực thi chính sách theo quy định của dự thảo luật là tổ chức chủ trìphải dành tối thiểu 50% phần lợi nhuận còn lại để đầu tư cho hoạt động KH-CN hoặc bổ sung quỹ phát triển KH-CN nhằm bảo đảm lợi ích của Nhà nước, thúc đẩy đầu tư cho KH-CN.
Thứ ba, vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể đối với tác phẩm liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Tôi ủng hộ việc bổ sung quy định liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca vào Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, vấn đề bổ sung quy định này như thế nào cho phù hợp, vừa bảo đảm tính tôn nghiêm của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca vừa bảo đảm không trái với các cam kết quốc tế về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các đối tượng liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Nội dung này cũng có ý kiến đưa quy định này vào Điều 25 (quy định các trường hợp ngoại lệ của quyền tác giả), tôi thống nhất với bổ sung Điều 7 Luật Sở hữu trí tuệ là phù hợp với 2 lý do sau: (1) Được bao quát hơn, không chỉ là việc thực hiện quyền tác giả mà còn cả việc thực hiện các quyền sở hữu trí tuệ khác, như quyền liên quan. (2) Quy định này phù hợp với bản chất của các đối tượng liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca các chủ thể khi sáng tạo ra sản phẩm nghệ thuật liên quan đến các đối tượng nêu trên thì quyền bị giới hạn, thể hiện được tính tôn nghiêm và quyền lực của Nhà nước.
(*) Tựa đề do Tòa soạn đặt