Bài báo: “Xin chỉ thị, gửi báo cáo” in trên báo Sự Thật số 137, ngày 30/ 7/1950, ký tên: X.Y.Z, sau đó đưa vào tác phẩm Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5-1948-1950; Nhà xuất bản Sự Thật năm 1985. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: Trước khi làm, không xin chỉ thị. Khi làm rồi, không gửi báo cáo. Nhiều địa phương mắc phải cái bệnh ấy. Họ không hiểu rằng: thế là:
- Vô kỷ luật, vô Chính phủ, địa phương chủ nghĩa.
- Trái nguyên tắc “Tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí”.
- Vì bệnh ấy, mà có nơi đã vấp phải thất bại chua cay!
Những lời dạy của Bác Hồ trong bài viết “Xin chỉ thị, gửi báo cáo” cách đây đã gần 60 năm, vẫn còn nguyên tính thời sự nóng hổi. Thời gian qua các phương tiện thông tin đại chúng tốn quá nhiều giấy mực để nói về những việc làm sai trái của nhiều đơn vị, địa phương trong việc xin chỉ thị, gửi báo cáo.
Một vài dẫn chứng gần đây nhất về việc xin chỉ thị, gửi báo cáo. Có địa phương tự đặt ra hàng chục khoản thu, bắt bà con phải nộp mà không xin ý kiến cấp trên. Khi bà con phản ánh và báo chí lên tiếng thì việc làm cục bộ trên mới được hủy bỏ. Việc xây nhà cao tầng vượt quá quy định trong giấy phép ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đến nay việc tháo gỡ vẫn còn lừng khừng, bất chấp kỷ cương phép nước. Một số cơ quan, đơn vị địa phương, công ty, xí nghiệp, tự đặt ra một số chế độ bồi dưỡng, khen thưởng cho cán bộ công nhân viên chức trái với quy định của Nhà nước. Khi kiểm tra, thanh tra phải xuất toán khoản tiền ấy. Một số cơ quan, đơn vị địa phương, công ty, xí nghiệp lập quỹ đen, thu chi ngoài sổ sách để thu lợi cục bộ, cá nhân và tham ô. Một số hội đoàn thể ở một số địa phương tự đặt ra các khoản thu khác ngoài quy định, buộc anh chị em hội viên phải nộp, ai không nộp thì bị mất điểm thi đua, không được xét là gia đình văn hóa v.v... Về việc gửi báo cáo, tình trạng “làm thì láo, báo cáo thì hay”, mà Bác Hồ nói: “Báo cáo dối, giấu cái dở, cái xấu, chỉ nêu cái tốt cái hay” đang diễn ra ở khá nhiều đơn vị, địa phương. Thậm chí có nơi còn được Nhà nước tặng thưởng huân chương các loại. Rốt cuộc nơi đó lại xảy ra bao nhiêu việc bê bối, lãnh đạo những nơi đó đang phải đối mặt với pháp luật (vụ Nguyễn Lâm Thái, nguyên giám đốc Công ty TNHH Sao Đỏ thuộc tập đoàn CIP, chuyên cung cấp thiết bị viễn thông, với nhiều Bưu điện của các tỉnh trong cả nước; vụ một số công ty xổ số kiến thiết các tỉnh miền Trung...). Vì sao như vậy? Bởi vì mang nặng bệnh thành tích, họ báo cáo không trung thực, mà cấp trên lại quan liêu, thiếu sâu sát, nên để cho việc báo cáo gian dối ấy qua mặt được cơ quan chức năng.
Bác Hồ dạy: “Báo cáo phải thật thà, ngắn gọn; rõ ràng, thiết thực. Những tài liệu và con số phải phân tích và chứng thật. Không nên hàm hồ, bèo nheo. Điều gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Không nên nói ẩu”.
Thiết nghĩ, đó là những khuyết điểm hiện nay đang diễn ra ở nhiều nơi, chúng ta cần phải nhanh chóng và nghiêm túc sửa chữa để chất lượng quản lý Nhà nước và hiệu quả công tác của từng cán bộ, đảng viên, từng đơn vị, địa phương thật sự tốt hơn.
Kết luận bài báo: “Xin chỉ thị, gửi báo cáo”, Bác Hồ nhấn mạnh: “Vậy khi đã trông thấy khuyết điểm gì thì chúng ta phải kiên quyết sửa chữa ngay. Đánh thắng khuyết điểm của ta, tức là một phần đã đánh thắng địch”.
BẠCH NHUNG