Lật số báo Phú Yên ra ngày thứ ba 24/6/2008, tôi chú ý ngay đến bài viết của đồng chí Phạm Ngọc Chi, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của tỉnh Phú Yên.
Tôi rất đồng tình với những giải pháp cơ bản trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà đồng chí Chủ tịch tỉnh đồng thời là Trưởng ban phòng, chống tham nhũng tỉnh đã nêu ra trong bài báo, và nghĩ rằng đây không chỉ là ý kiến của riêng đồng chí Chủ tịch mà là quyết tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thể hiện ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.
Tôi cũng rất tâm đắc với giải pháp thứ năm mà đồng chí Chủ tịch tỉnh nêu ra trong bài báo: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; bởi vậy phải phát huy mạnh mẽ vai trò của nhân dân, của báo chí tham gia vào công cuộc này…”.
Về vai trò của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ có dịp đề cập đến trong một bài viết khác. Sau đây tôi xin được lạm bàn đôi điều về việc phát huy mạnh mẽ vai trò của nhân dân trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, một tệ nạn “đang là cản trở lớn cho tiến trình phát triển của đất nước, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ ta”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn cán bộ, đảng viên rằng: Làm việc gì nếu có được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thì chắc chắn thành công. Riêng việc phòng, chống tham nhũng (Người dùng từ tham ô), Bác Hồ càng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của nhân dân. Người nói: “Chúng ta phải biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng mọi nơi không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp…”.
Bác Hồ còn nói một cách cụ thể, dễ hiểu như sau: “…Nhân dân lao động ta làm lụng đổ mồ hôi sôi nước mắt để góp phần xây dựng của công - của Nhà nước và tập thể. Của công là nền tảng vật chất của chế độ xã hội chủ nghĩa là nguồn gốc chủ yếu để nâng cao đời sống của nhân dân ta. Tham ô là lấy trộm của công, chiếm của công làm của tư, là vi phạm lợi ích của nhân dân, tức là kẻ địch của nhân dân. Vì vậy, kiên quyết chống tham ô là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân ta. Nếu nhà bị mất cắp, mất trộm thì hô hoán lên và cả xóm, cả làng đuổi bắt kẻ trộm. Khi của công bị mất cắp, mất trộm thì mọi người đều có trách nhiệm vạch mặt kẻ gian và đưa nó ra trước pháp luật, vì mọi người đều có nghĩa vụ giữ gìn của công”(1).
Thấm nhuần những di huấn quí báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, Luật phòng, chống tham nhũng; các cơ quan chuyên trách cũng đã được thành lập từ Trung ương đến địa phương và các ngành.
Các nghị quyết của Đảng, Luật về phòng, chống tham nhũng đều nhấn mạnh đến vai trò của quần chúng nhân dân. Như: Đề ra quy định về việc công khai hóa các thể chế và thủ tục hành chính, các quy định về nhà đất, đăng ký kinh doanh, cho vay tín dụng, thuế và các khoản đóng góp v.v… nhất thiết phải niêm yết tại công sở, tại nơi tiếp dân để dân được biết. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong việc phát hiện, tố cáo những cán bộ nhân viên có hành vi tham nhũng, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi và tính mạng cho người phát hiện, tố cáo, nghiêm túc xem xét và kịp thời xử lý người tham nhũng, sau đó thông báo công khai cho nhân dân được biết.
Không chỉ trong Luật Phòng, chống tham nhũng, mà ở quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng ghi rõ: “Khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, sử dụng sai mục đích, lãng phí trong việc thu, chi ngân sách, các khoản đóng góp, các loại quỹ và quản lý đất đai, nhân dân có quyền yêu cầu làm rõ. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, người quản lý trực tiếp phải cung cấp và giải trình đầy đủ các việc nói trên mà không có bất cứ một hạn chế nào” (2).
Đáng tiếc là những điều quy định quan trọng nêu trên, do công tác triển khai, tuyên truyền, phổ biến chưa sâu rộng, nhiều người dân chưa được biết, vì vậy họ chưa thực sự tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Thực tế là nhân dân không phải không biết những hành vi tham nhũng, tiêu cực của một số cán bộ, nhưng họ không muốn nói (vì chưa nhận rõ quyền và nghĩa vụ của mình), hoặc không dám nói (vì sợ bị gây khó khăn, sợ bị trù dập).
Để công cuộc phòng, chống tham nhũng đạt được hiệu quả, ngoài việc đề cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật, các bộ phận chuyên trách phòng, chống tham nhũng các cấp cần phải sử dụng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt nêu cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên trong mặt trận, nhằm tuyên truyền, giáo dục, động viên, phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ xã hội của các tầng lớp nhân dân, để họ sát cánh cùng Đảng và Nhà nước, phát hiện, xử lý, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, góp phần ổn định chính trị và phát triển bền vững đất nước.
————————
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, NXB Chính trị quốc gia
(2) Qui chế thực hiện dân chủ ở cơ sở (Chương V điều 6)
BẰNG TÍN