Được tòa soạn mời tham gia bài viết nhân dịp Báo Phú Yên tròn 75 tuổi, tôi có chút ngỡ ngàng vì độ tuổi lão thành của tờ báo Đảng tỉnh nhà. Trải dài qua năm tháng của hai cuộc kháng chiến đến hòa bình lập lại nhập tỉnh Phú Khánh, rồi trở về Phú Yên, tờ báo Đảng chúng ta đã trở thành một kênh thông tin thân thiết và tin cậy luôn đồng hành với các hoạt động của Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh.
1. Tôi tham gia cộng tác với tờ báo Đảng từ năm 1977, khi về công tác tại Ty Nông nghiệp Phú Khánh, lúc đó tờ báo Đảng còn mang tên Phú Khánh. Là một cán bộ nông nghiệp được phân công theo dõi chỉ đạo kỹ thuật một số cây trồng từ cây bông vải, cây mía, rồi tham gia trong Chương trình thâm canh lúa của tỉnh…, tôi đã lặn lội nhiều cơ sở trong tỉnh, tiếp xúc nông dân, tìm hiểu kinh nghiệm trồng trọt của bà con, mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật cũng như xây dựng các mô hình ứng dụng kỹ thuật tiên tiến nhiều nơi trong tỉnh. Thực tế cho thấy, một số mô hình kỹ thuật mới có tác dụng tốt nếu được phổ biến kịp thời hơn cho bà con nông dân trong vùng đến tham quan nghiên cứu, thì hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều so với chờ đến các hội nghị tổng kết, nên tôi nghĩ ngay đến việc thông qua báo chí - đặc biệt là tờ báo Đảng địa phương - để phổ biến kỹ thuật tiên tiến và thực tế những mô hình đang thực hiện tốt. Thời đó, do chưa được hướng dẫn cách viết tin, bài cho báo chí, nên ban đầu tôi chỉ viết tin ngắn liên quan nông nghiệp đưa qua tòa soạn báo, nhờ anh em sửa chữa và cho đăng tải đầu tiên vào cuối năm 1977. Điều bất ngờ nhất là sau 3-4 tin được đăng, tôi được Tổng biên tập báo lúc đó (hình như là anh Cung Giũ Phú) mời gặp và động viên tôi, anh khuyên tôi nên viết tin sâu hơn để có hàm lượng thông tin lớn hơn về nội dung kỹ thuật, về cách làm của cơ sở, rồi sau đó viết những bài có tính phổ biến dài hơi hơn. Tôi còn nhớ anh khuyến khích tôi: “Viết báo không khó, chỉnh sửa rút kinh nghiệm dần thì sẽ ra bài báo. Vấn đề là nội dung chuyên sâu của bài báo đó để tác động đến người đọc, không ai hiểu rõ về nông nghiệp hơn người đang làm nông nghiệp…”. Từ đó, tôi tự tin hơn và viết cho Báo Phú Khánh khá nhiều, từ dạng tin sâu, đến khảo luận, chuyên luận, bút ký và cả xã luận có liên quan đến nông nghiệp, nông thôn. Những năm 1978-1984, hàng năm tôi đều viết 40-50 tin bài, có năm hơn 60 tin bài; trong các năm 1981-1983, tôi được tòa soạn chọn là một trong 3 cộng tác viên xuất sắc nhất của báo Đảng. Mỗi lần đến tòa soạn báo thì các anh Tổng biên tập: Cung Giũ Phú, Nguyễn Ngọc, Tô Phương và nhiều anh chị em nhà báo ở đây đều vui vẻ tiếp đón như người nhà. Thời gian cộng tác với báo, tôi được Ban Biên tập cấp cho một thẻ Thông tín viên của báo, mà trong thời kỳ bao cấp khó khăn ấy, tấm thẻ này đã giúp tôi được ưu tiên mua vé tàu xe đi lại trong toàn tỉnh. Cho đến cuối năm 1984, do chuẩn bị đi làm chuyên gia nông nghiệp tại Campuchia, sau đó đi chuyên gia cho đến tháng 8/1986 về nước, được Tỉnh ủy điều động luôn về huyện Tuy Hòa công tác nên điều kiện cộng tác thường xuyên với tòa soạn báo cũng không còn như trước nữa cho đến ngày chia tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Đào Tấn Lộc ký bông xuất bản báo ngày của Báo Phú Yên vào năm 2010. Ảnh: MINH KÝ |
2. Tôi còn nhớ thời điểm vừa chia tỉnh, đầu tháng 7/1989, Báo Phú Yên được lập lại, anh em tòa soạn chuyển từ Nha Trang về một cơ sở tạm thời trên đường Trần Hưng Đạo. Lúc đó, tôi còn công tác tại huyện Tuy Hòa, thỉnh thoảng chiều về nhà ghé ngang thăm, gặp các anh Tô Phương, Hà Bình, Mạnh Thường, Phi Công, Phan Thanh Bình…, sau có Phạm Ngọc Phi từ Bình Định chuyển về. Anh em đều hết sức thân mật, chuyện cũ chuyện mới về chia tỉnh và những hy vọng tương lai. Mọi người góp ý tôi dành thời gian cộng tác lại với báo Đảng, và đầu tiên là viết một bài suy nghĩ về việc phát triển tỉnh nhà dưới góc nhìn của một người làm nông nghiệp. Tôi trăn trở mấy ngày liền, hàng ngày chạy xe gắn máy qua Phú Lâm đi ngang qua cầu Đà Rằng trong mùa tháng bảy có gió nam khô lồng lộng trên sông Ba, nhiều ước mơ về một vùng quê còn quá nghèo lại thêm khí hậu khắc nghiệt, vươn lên tầm cao mới, tương lai tươi sáng. Trong dòng suy nghĩ đó, tôi tập hợp dần viết thành một tản văn “Tản mạn trước mùa gió mới” trăn trở nhiều điều mới cũ về một quê nhà đang hướng lên một ngày mai hạnh phúc để đăng lên Báo Phú Yên. Và bài viết đó cũng là một nguyện ước của tôi, suốt hơn 26 năm từ lúc chia tỉnh cho đến lúc nghỉ hưu tôi đều dốc sức cho ước nguyện đó. Từ cuối 1989, tôi được Tỉnh ủy điều động về làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch tỉnh (1989-1992), rồi làm Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường (1992-1996) cũng có cộng tác với báo Đảng như mời tòa soạn cử người tham gia một số hoạt động của cơ quan, thỉnh thoảng có viết bài dạng tổng hợp gửi cho báo Đảng thời anh Tô Phương làm Tổng biên tập. Đến cuối năm 1996, tôi được phân công làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối văn xã, nên có quan hệ chặt chẽ hơn với báo Đảng và cũng đã có nhiều cuộc họp liên quan đến Báo Phú Yên, nhất là việc bổ sung kinh phí cho tòa soạn theo đề nghị của Ban Biên tập. Từ năm 2001-2006, với trách nhiệm là Chủ tịch UBND tỉnh, rồi đến giai đoạn 2006-2015 với trách nhiệm là Bí thư Tỉnh ủy, do công việc quá nhiều nên tôi ít có điều kiện viết bài cho báo Đảng, trừ dịp lễ, tết cần thiết phải có tiếng nói theo đặt hàng của Ban Biên tập mà phần lớn là dạng trả lời phỏng vấn của báo Đảng.
Tỉnh ủy là cơ quan chủ quản của Báo Phú Yên, nên tôi nhớ thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy đã chủ trì hàng chục cuộc họp để giải quyết nhiều đề nghị của báo (lúc đó anh Phạm Ngọc Phi làm Tổng biên tập) như: tăng kỳ xuất bản báo từ 3 kỳ/tuần lên 5 kỳ/tuần, rồi chuyển thành nhật báo; tăng lượng phát hành của báo gắn với việc đặt hàng mua báo biếu cho các đối tượng có tuổi Đảng cao, hay có chức vụ lãnh đạo ngành, huyện; tăng kinh phí đầu tư để cải thiện chế độ nhuận bút; bổ sung biên chế tòa soạn; lập trang Thông tin điện tử tổng hợp Phú Yên Online tiếng Việt, tiếng Anh… Đó là chưa kể một số cuộc họp để giải quyết những vướng mắc trong nội dung thông tin hay trong công tác quản lý của cơ quan. Nhiều kết luận của Ban Thường vụ hay Thường trực Tỉnh ủy lúc đó vẫn còn có tác dụng cho đến bây giờ.
3. Từ thời điểm nghỉ hưu đến nay đã hơn 5 năm nay, tôi vẫn là độc giả siêng năng và trung thành của tờ báo Đảng. Mỗi buổi sáng ra thùng thư trước ngõ để lấy tờ Báo Phú Yên là một niềm vui nhỏ trong cuộc sống thường ngày. Thỉnh thoảng phát hiện có sơ xuất trong lỗi in ấn, hay có việc thiếu chính xác trong một từ ngữ, một địa danh nào đó… thì tôi thường gọi điện cho Ban Biên tập hay tòa soạn để xem, kịp thời đính chính cho phù hợp. Qua thông tin trên báo thấy có những tin vui hay những khó khăn ở một số nơi trong tỉnh, tôi cũng gọi điện hoặc nhắn tin chia sẻ với người trách nhiệm. Nói lên điều này để thấy Báo Phú Yên luôn là một người bạn đồng hành thân thiết của mình, ở cái tuổi nghỉ ngơi.
Mấy năm qua, tôi cũng viết một ít bài cho báo Đảng, chủ yếu là những hồi ức, những tình cảm của mình nhân ngày mất, ngày giỗ của một số đồng chí lãnh đạo của đất nước như Võ Nguyên Giáp, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh và cả đồng chí Trần Quang Hiệu, nguyên Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa là một lãnh đạo trước đây của tôi thời còn công tác ở huyện. Ý nghĩ của tôi là muốn gợi nhớ lại những phẩm chất tốt đẹp của những người cộng sản đó để làm tăng thêm niềm tin yêu đến với người đọc.
Tờ báo Đảng của chúng ta đã 75 tuổi, với nhiều tên gọi, đã qua nhiều bước thăng trầm để có một nhật báo Phú Yên hôm nay. Tôi đã có nhiều gắn bó với tờ báo gần 45 năm và đến bây giờ vẫn chờ tờ Báo Phú Yên vào buổi sáng để được bắt đầu ngày mới bằng một niềm vui.
ĐÀO TẤN LỘC
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên