Chủ Nhật, 05/05/2024 18:18 CH
Cách mạng Tháng Tám tại Phú Yên: Hội tụ ý Đảng - lòng dân
Thứ Năm, 19/08/2021 07:00 SA

Cách đây 76 năm, dưới sự chỉ huy thống nhất của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh, lực lượng quần chúng hùng hậu của Phú Yên được trang bị gậy, giáo mác, cờ đỏ sao vàng hăng hái tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám.

 

Thành lập Tỉnh ủy lâm thời

 

Đồng chí Trương Kiểm

Ngày 9/3/1945, Phát xít Nhật đảo chính Pháp, đánh chiếm các đô thị và các cứ điểm quan trọng ở Đông Dương. Tại Phú Yên, Nhật đánh chiếm Tỉnh đường Sông Cầu, phủ lỵ Tuy Hòa và khu Đồng Bò.

 

Phát xít Nhật tăng quân đóng ở phủ lỵ Tuy Hòa, khu Đồng Bò, thi hành các thủ đoạn mị dân, tuyên bố cho Đông Dương độc lập, đồng thời trả tự do cho các chính trị phạm bị thực dân Pháp giam giữ. Chớp thời cơ này, đồng chí Nguyễn Chí Thanh và Trần Hữu Dực - hai lãnh đạo chủ chốt của Đảng ủy Nhà lao Buôn Ma Thuột - phân công các đảng viên về các tỉnh Trung Kỳ tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền, thực hiện chỉ thị của Trung ương “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.

 

Thực hiện chủ trương trên, đồng chí Trần Hữu Dực phân công bốn đồng chí: Trương Kiểm (An), Lê Cấp (Mẫn), Đoàn Sơ (Sửu), Hoàng Văn Phúc (Xuân) về Phú Yên để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Đảng ủy Nhà lao Buôn Ma Thuột chỉ thị cho bốn đồng chí nhanh chóng liên lạc với Tỉnh ủy Phú Yên triển khai ngay công tác chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Nếu Tỉnh ủy chưa khôi phục được thì móc nối liên lạc với các đảng viên đang hoạt động để thành lập Tỉnh ủy lâm thời lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tại Phú Yên.

 

Cả bốn đồng chí được phân công về Phú Yên được Đảng ủy Nhà lao Buôn Ma Thuột giới thiệu móc nối với đồng chí Nguyễn Thái (được kết nạp ở Đảng bộ Đà Lạt năm 1938) và đồng chí Lê Duy Trinh (là cơ sở của Đảng đang làm Chủ sự Liên nông thương đoàn ở Tuy Hòa).

 

Về đến Phú Yên, bốn đồng chí liên lạc với đồng chí Nguyễn Thái, Lê Duy Trinh và được biết Đảng bộ Phú Yên bị khủng bố tháng 7/1939, Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Nựu cùng nhiều đảng viên cốt cán bị thực dân Pháp bắt giam. Đảng bộ Phú Yên tạm mất liên lạc với Xứ ủy từ năm 1939.

 

Đồng chí Trương Kiểm cùng các đồng chí được phân công nhanh chóng bắt liên lạc với các đảng viên trong toàn tỉnh như: Huỳnh Nựu (vừa được ra tù), Phan Ngọc Bích, Nguyễn Chấn, Nguyễn Quốc Thoại, Lê Tấn Thăng, Đỗ Tương, Huỳnh Lưu, Nguyễn Hạnh, Nguyễn Hữu Nhọn, Phan Thanh Cưu, Huỳnh Liên… và tám đồng chí trong nhóm nghiên cứu Mác xít ở phủ Tuy Hòa, gồm: Đinh Nho Khôi, Đinh Nho Bát, Đinh Văn Ngộ, Trần Suyền, Nguyễn Ái, Nguyễn Tiễm, Nguyễn Thái, Nguyễn Chính, Nguyễn Tiếm.

 

Ngày 12/6/1945, tại nhà ông Cộng Tiếu (cơ sở cách mạng, hội viên Hội Nông dân Cứu quốc) ở làng Hòa Đa (An Mỹ, Tuy An), Tỉnh ủy lâm thời Phú Yên chính thức thành lập gồm năm đồng chí (bốn đồng chí từ nhà lao Buôn Ma Thuột được phân công về Phú Yên và đồng chí Nguyễn Thái). Đồng chí Trương Kiểm được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Tỉnh ủy lâm thời khẳng định nhiệm vụ trọng tâm là ra sức chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Các công việc phải triển khai khẩn trương bao gồm: Xây dựng và nắm chắc các đoàn thể, quần chúng, sẵn sàng huy động lực lượng xuống đường; xây dựng các đơn vị tự vệ vũ trang (tiền thân của bộ đội địa phương Phú Yên trong hai cuộc kháng chiến và trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc). Tổ chức Đại hội Mặt trận Việt Minh tỉnh (chuẩn bị chu đáo nhân sự, nội dung và thời gian tiến hành), chuẩn bị nhân sự cho chính quyền nhân dân từ tỉnh đến cơ sở.

 

Đại hội Mặt trận Việt Minh, chuẩn bị khởi nghĩa

 

Đồng chí Trần Suyền

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy lâm thời, chỉ sau một thời gian ngắn chuẩn bị khẩn trương, ngày 17/7/1945, Đại hội Mặt trận Việt Minh tỉnh Phú Yên được tổ chức tại nhà đồng chí Nguyễn Quốc Thoại (nay thuộc khu phố Phước Hậu, phường 9, TP Tuy Hòa) với sự tham dự của 19 đại biểu trong toàn tỉnh. Đại hội làm việc ba ngày hai đêm, thảo luận báo cáo tình hình chung trong tỉnh; thống nhất chủ trương tổng khởi nghĩa, bầu Ủy ban Việt Minh tỉnh gồm 9 đồng chí: Nguyễn Văn Nguyên, Trương Kiểm, Lê Cấp, Hoàng Văn Phúc, Đoàn Sơ, Đinh Văn Ngộ, Nguyễn Chấn, Trần Suyền, Lê Duy Trinh. Đồng chí Nguyễn Văn Nguyên được bầu làm thư ký, đồng chí Trương Kiểm - phó thư ký và Đinh Văn Ngộ - ủy viên thường vụ.

 

Ngày 15/8/1945, Nhật Bản đầu hàng Đồng minh, Trung ương ra lệnh toàn quốc tổng khởi nghĩa. Tại Phú Yên, sau Đại hội Mặt trận Việt Minh tỉnh, nhân dân toàn tỉnh hướng về Việt Minh, hăng hái tham gia các đoàn thể cứu quốc, tổ chức xuống đường biểu tình thị uy.

 

Từ ngày 14-23/8/1945, các cuộc biểu tình thị uy có hàng ngàn người tham gia được tổ chức rầm rộ ở Tuy Hòa, Đồng Bò, La Hai, Sông Cầu, Tuy An…; khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân dâng cao như nước vỡ bờ, khẳng định chân lý “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng…”.

 

Ngày 23/8/1945, đồng chí Lê Tự Nhiên - phái viên của Xứ ủy đến Phú Yên và các tỉnh Nam Trung Bộ truyền đạt mệnh lệnh tổng khởi nghĩa. Tỉnh ủy quyết định khởi nghĩa vào đêm 24/8/1945 và thành lập Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh do đồng chí Trương Kiểm, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban.

 

Giành chính quyền về tay nhân dân

 

22 giờ ngày 24/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh đặt trụ sở làm việc tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Nguyên - Thư ký Ủy ban Việt Minh tỉnh. Dưới sự chỉ huy thống nhất của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh, các đội tự vệ bí mật có mặt ở các địa điểm quy định. Toàn bộ lực lượng quần chúng hùng hậu được trang bị gậy, giáo mác, cờ đỏ sao vàng hăng hái tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Tỉnh trưởng Hồ Ngận, được ta vận động từ trước, giao ấn tín cho Ủy ban Khởi nghĩa tại tỉnh lỵ Sông Cầu đêm 24/8/1945. Cờ đỏ sao vàng được kéo lên cột cờ dinh tỉnh trưởng đánh dấu cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám tại Phú Yên thành công rực rỡ. Sau khi giành chính quyền ở tỉnh lỵ Sông Cầu, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh ra lệnh cho ủy ban khởi nghĩa các phủ, huyện khu Đồng Bò nhanh chóng giành chính quyền trong toàn tỉnh.

 

Ngày 26/8/1945, UBND Cách mạng lâm thời tỉnh Phú Yên do đồng chí Nguyễn Văn Nguyên làm chủ tịch và đồng chí Trương Kiểm làm phó chủ tịch ra mắt quần chúng tại tỉnh lỵ Sông Cầu. Ngày 27/8/1945, UBND Cách mạng lâm thời khu Đồng Bò được thành lập do đồng chí Đoàn Sơ làm chủ tịch. Ngày 28/8/1945, UBND Cách mạng lâm thời huyện Sơn Hòa do đồng chí Đoàn Tú làm chủ tịch ra mắt nhân dân.

 

Ngày 28/8/1945, Tỉnh ủy, Ủy ban Việt Minh, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh quyết định thành lập UBND Cách mạng lâm thời khu Tuy Hòa (TX Tuy Hòa) do đồng chí Lê Văn Phú làm chủ tịch và UBND Cách mạng lâm thời huyện Tuy Hòa do đồng chí Trần Suyền làm chủ tịch.

 

Tối 1/9/1945, tại sân Hội Ích Trí khu Tuy Hòa, UBND Cách mạng lâm thời khu Tuy Hòa và phủ Tuy Hòa ra mắt nhân dân.

 

Cách mạng Tháng Tám tại Phú Yên thành công rực rỡ, hội tụ ý Đảng - lòng dân về khát vọng độc lập tự do, giành chính quyền về tay nhân dân, là kết tinh của ý chí, niềm tin, sức dân và lòng dân vĩ đại.

 

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek