Chiều 16/8, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh họp giao ban trực tuyến với các địa phương, đơn vị, dưới sự chủ trì của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh.
Sở Y tế cho biết, trong những ngày qua, số ca nhiễm mới chưa có dấu hiệu dứt điểm. Tình trạng ca nhiễm trong cộng đồng vẫn còn, chứng tỏ công tác truy vết còn bỏ sót. Việc phát hiện muộn trường hợp F0 trong cộng đồng, qua nhiều vòng lây, mức độ nguy hiểm và phức tạp sẽ rất lớn và phải quay lại từ đầu. Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Mộng Ngọc lưu ý các địa phương phải chú trọng lập kế hoạch xét nghiệm cộng đồng, không bỏ phí cơ hội trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. TP Tuy Hòa và Phú Hòa tiếp tục tăng cao về số ca mắc mới và các ổ dịch, chuỗi lây nhiễm mới.
Từ phản ánh của người dân cho thấy hiện nay vẫn còn một số điểm mua bán, chợ đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nhưng vẫn còn hoạt động, tập trung đông người. Việc tiêm vắc xin còn tập trung đông người, thiếu người hướng dẫn, tổ chức hợp lý. Một số trường hợp không tham gia xét nghiệm, nhưng các địa phương không có biện pháp kiên quyết. Công tác tuần tra, kiểm soát xử lý các trường hợp vi phạm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định phòng, chống dịch được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường trong những ngày qua, nhất là trên địa bàn TP Tuy Hòa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ yêu cầu các địa phương phải xây dựng kế hoạch lấy mẫu, xét nghiệm hàng ngày, mục tiêu là tìm F0, đưa F0 ra khỏi cộng đồng, trong những ngày còn lại thực hiện giãn cách phải làm dứt điểm. Đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 (các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân và TX Sông Cầu) phải có kế hoạch cụ thể việc mở lại hoạt động chợ, thực hiện xét nghiệm tiểu thương và các giải pháp cần thiết, phân luồng mua bán, mặt hàng mua bán… đảm bảo an toàn trước khi cho hoạt động trở lại. Sở Công thương, Ban quản lý Khu Kinh tế, các địa phương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát phương án phòng, chống dịch tại các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; kiên quyết dừng hoạt động nếu không đảm bảo an toàn. Tiếp tục tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm, công khai các trường hợp vi phạm trong phòng chống dịch. Các địa phương có biện pháp, quy định để quản lý, bảo vệ vùng xanh.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế nhấn mạnh, người dân đang rất khó khăn khi giãn cách xã hội quá lâu và không thể chịu đựng mãi được việc giãn cách, vì vậy các địa phương, các cấp, ngành phải nỗ lực gấp nhiều lần để trong thời gian sớm nhất trả lại trạng thái bình thường mới.
Những ngày giãn cách sắp tới là thời gian vàng đề lấy mẫu xét nghiệm, truy vết đưa F0 ra khỏi cộng đồng. Những địa phương chưa lấy mẫu xét nghiệm, sau này phát sinh dịch bệnh trên địa bàn thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó phải tăng cường công tác trả kết quả xét nghiệm qua ứng dụng công nghệ, điện thoại. Đối với công tác tiêm chủng phải ứng dụng tốt phần mềm quản lý kể cả dữ liệu tiêm chủng từ trước đến nay. Người tiêm mũi 1 phải đồng nhất chủng loại với mũi 2. Thống nhất nguyên tắc tiêm chủng trong thời gian tới là xác định nhóm đối tượng tiêm ưu tiên, đến khu vực tiêm; tiêm tới đâu quản lý chắc đến đó, kết quả phải được đưa lên hệ thống.
Sở LĐ-TB-XH và các địa phương song song nhiệm vụ phòng chống dịch phải khẩn trương thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; nắm lại tình hình đời sống người dân hiện nay, khi thời gian thực hiện giãn cách khá lâu.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý các cơ quan thực hiện kế hoạch đón công dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch cần rà soát lại số người có nhu cầu thực sự. Những ngày tới có thể sẽ tăng lên, khi TP Hồ Chí Minh tăng thời gian giãn cách xã hội. Quan điểm của tỉnh là đưa công dân về một cách nhanh chóng, an toàn, có tổ chức, tránh trường hợp ồ ạt về tự phát, mất kiểm soát dẫn đến lây lan dịch bệnh.
TRẦN QUỚI