Thứ Sáu, 29/11/2024 03:03 SA
Cần thiết ban hành Luật Đa dạng sinh học
Thứ Hai, 02/06/2008 16:10 CH

Hôm nay (2/6), Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe và thảo luận về dự án Luật Đa dạng sinh học. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên điều khiển phiên họp.

Dang-Vu-Minh--080602.jpg
Ông Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm UBKHCN & MT của Quốc hội - Ảnh: TTXVN

Đầu giờ sáng, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật đa dạng sinh học; Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật đa dạng sinh học.

Dự thảo Luật Đa dạng sinh học (ĐDSH) gồm 10 chương, 90 điều; quy định về bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH; quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư trong bảo tồn và phát trển bền vững ĐDSH…

Dự án Luật ĐDSH được xây dựng dựa trên cơ sở kết quả tổng kết, đánh giá hiện trạng ĐDSH, thực trạng pháp luật, công tác quản lý và các thách thức đối với ĐDSH ở nước ta; phân tích các cam kết quốc tế; tham khảo hơn 40 luật, bộ luật về ĐDSH của các nước trên thế giới. Đến nay, Dự án Luật đã qua nhiều lần chỉnh sửa với sự tham gia, tư vấn của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước, các Bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan.

Việt Nam được biết đến như một trung tâm ĐDSH của thế giới với các hệ sinh thái tự nhiên phong phú và đa dạng. Các hệ sinh thái rừng, đất ngập nước, biển, núi đá vôi,… với những nét đặc trưng của vùng bán đảo nhiệt đới, là nơi sinh sống và phát triển của nhiều loài hoang dã đặc hữu, có giá trị, trong đó có những loài không tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới. Việt Nam cũng là nơi được biết đến với nhiều nguồn gen hoang dã có giá trị, đặc biệt là các cây thuốc, các loài hoa, cây cảnh nhiệt đới,… Tuy nhiên, ĐDSH ở nước ta đang bị suy thoái nhanh. Diện tích các khu vực có các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị thu hẹp dần. Số loài và số lượng cá thể của các loài hoang dã bị suy giảm mạnh. Nhiều loài hoang dã có giá trị bị suy giảm hoàn toàn về số lượng hoặc bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cao. Các nguồn gen hoang dã cũng đang trên đà suy thoái nhanh và thất thoát nhiều. Suy thoái đa dạng sinh học dẫn đến mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của con người, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Theo đó bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo vệ môi trường bên cạnh các nhiệm vụ phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường. Tuy nhiên, các chủ trương đã có vẫn chưa được luật hóa kịp thời, đầy đủ và thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Trong khi đó, Việt Nam là thành viên của nhiều điều ước quốc tế về ĐDSH với nhiều cam kết quốc tế  chưa được nội luật hóa. Việt Nam cũng chưa có hệ thống pháp luật về ĐDSH với tư cách là một lĩnh vực pháp lý cụ thể, độc lập tương đối.

Từ thực trạng trên, cần thiết phải có một văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao, đề cập toàn diện đến các khía cạnh của ĐDSH, luật hóa có hệ thống và thống nhất các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nội luật hóa các điều ước quốc tế về ĐDSH mà Việt Nam là thành viên nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Sau khi thẩm tra dự án Luật ĐDSH, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đồng tình về sự cần thiết phải ban hành một văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao, điều chỉnh thống nhất, toàn diện các vấn đề liên quan đến bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH như mục tiêu đã đề ra trong Tờ trình của Chính phủ; cho rằng, việc ban hành Luật này tạo cơ sở pháp lý để đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng hợp lý ĐDSH, cải thiện và ổn định cuộc sống cho người dân trong việc bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước; Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)

Theo VOV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek