Bác Dư Ái (Nguyễn Hữu Ái) - một trong những bậc đại thụ của cách mạng Phú Yên trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vừa ra đi vào cõi vĩnh hằng, đại thọ 97 tuổi. Dẫu biết là quy luật tử sinh, hậu thế ngậm ngùi chia xa một trong những chứng nhân lịch sử quan trọng của Phú Yên thế kỷ XX.
Đồng chí Nguyễn Hữu Ái tháng 4/1975 |
Tôi và nhà báo Trần Quới (Báo Phú Yên) được bác Dư Ái giao giúp ông ghi lại đôi điều ký ức hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng. Tập hồi ký của ông không nói gì về mình, chỉ mênh mang tình đồng đội, nghĩa Đảng - tình dân trong khói lửa chiến tranh, ngời lên sức dân và lòng dân vĩ đại như Bác Hồ đã khẳng định “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.
Tập hồi ký chưa kịp xuất bản để ông ký tặng đồng bào, đồng đội thân thiết đã cưu mang và sát cánh với ông trong hai cuộc chiến tranh. Chúng tôi có lỗi và còn nặng nợ với ông về di nguyện này, chuyển tải tấm lòng của một bậc tiền bối cách mạng đến người thân và bạn đọc.
Là một người cách mạng từ lòng dân ra đi từ mùa thu tháng Tám 75 năm trước, ông đã đi trên con đường lớn của cách mạng một chặng đường dài 3/4 thế kỷ, là đảng viên hơn 70 tuổi Đảng, 97 tuổi đời. Tham gia cách mạng tại quê nhà Hòa Đa, ông là một trong những xã đội trưởng xuất sắc trong phong trào chiến tranh du kích thời kháng chiến chống Pháp.
Sau Hiệp định Geneva, để bảo toàn lực lượng cho cuộc đấu tranh lâu dài, Tỉnh ủy Phú Yên dày công tổ chức đưa ông cùng nhiều đồng chí khác vượt biển ra vùng tập kết 300 ngày ở Bình Định để ra Bắc. Những ngày trên đất Bắc ông say sưa công tác và khắc khoải hướng về quê hương. Tấm lòng ấy được cấp trên thấu hiểu và chọn ông là một trong những cán bộ đầu tiên trở về quê nhà chiến đấu sau Nghị quyết 15.
Ông là một trong ba vị Trưởng Ban Kinh tài của Tỉnh ủy Phú Yên (Cao Xuân Thiêm, Huỳnh Là, Nguyễn Hữu Ái) - thủ trưởng trực tiếp của đơn vị Kinh tài duy nhất cả nước được phong tặng danh hiệu Anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ.
Khi Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ra đời năm 1969, ông là Phó Chủ tịch trực UBND cách mạng Lâm thời tỉnh Phú Yên cho đến ngày giải phóng.
Ông là chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy cơ bản trong chiến dịch giải phóng Phú Yên mùa xuân 1975, là người đọc diễn văn trong lễ mừng chiến thắng ra mắt chính quyền cách mạng Phú Yên tháng 4/1975 tại sân vận động Tuy Hòa, với sự tham gia của hai vạn đồng bào vùng mới giải phóng.
Ông có công lao đặc biệt cùng tập thể lãnh đạo tỉnh tổ chức khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục mọi mặt hoạt động sản xuất, bảo đảm xã hội hoạt động bình thường, tạo hào khí xây dựng cuộc sống mới sau ngày giải phóng.
Sau sáp nhập tỉnh, ông là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Phú Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban cải tạo Nông nghiệp tỉnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
Sau khi nghỉ hưu, ông dành tâm huyết tham gia biên soạn các bộ lịch sử từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt ông là chủ biên tập lịch sử Chính quyền nhân dân Phú Yên (1945-2009), lịch sử ngành Kinh tế - Tài chính Phú Yên, tập ký sự ngành Tài mậu Phú Yên anh hùng.
Ông giản dị, khiêm cung và có trí nhớ tuyệt vời. Ông nhớ như in từng sự kiện, từng chi tiết, đặc biệt là niềm xúc cảm sâu lắng khi nhắc đến những mất mát, hy sinh. Hậu thế được ông truyền lửa để tiếp nối truyền thống xây dựng và bảo vệ quê hương qua hàng trăm bài viết của ông trên Báo Phú Yên sau ngày tái lập tỉnh.
Vĩnh biệt ông, bác Dư Ái kính mến, xin phép ông được trích một đoạn hồi ký “Vào Nam” của ông chưa xuất bản như một nén nhang lòng tưởng nhớ ông và kính cẩn nói với ông rằng, hậu thế biết ơn ông.
PHAN THANH
Vào Nam
“Một ngày đầu tháng 5/1959, tại lầu Hoàng Cao Khải ở quận Đống Đa, Hà Nội, tổ chức Trung ương cho gọi 36 cán bộ quân sự, chính trị, kinh tế ở các chiến trường Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Khu 5 trong đó có tôi lên trao quyết định phân công về Nam tiếp tục nhiệm vụ. Nghĩ về quê hương đang bị bom đạn quân thù giày xéo, nghĩ về vợ con bao năm xa cách mà lòng xúc động rưng rưng.
Chúng tôi về đây với danh nghĩa là lớp bồi dưỡng cán bộ chuẩn bị ra nước ngoài. Sinh hoạt kỷ luật rất nghiêm ngặt “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Ngoài tiêu chuẩn trung tá mỗi ngày, chúng tôi được hưởng thêm hai đồng rưỡi tiền ăn. Anh nuôi và tiếp phẩm thuộc loại “siêu” được chọn từ các đơn vị về nên bữa ăn nào của chúng tôi cũng “thịnh soạn” và luôn thay đổi cho hợp khẩu vị.
Trước khi về Nam, chúng tôi được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm sóc chu đáo; được thăm Nhà máy gỗ cầu Đuống, đi máy bay Gia Lâm, đi xem biểu diễn văn nghệ, xem phim ở rạp Kinh Đô, Nhà hát Lớn Hà Nội, có đêm xem hai suất phim khác nhau, xe đưa, xe đón, cán bộ bảo vệ sẵn sàng phục vụ theo yêu cầu.
Cũng trong thời gian này, chúng tôi rất phấn khởi được học tập Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 15 về đường lối đấu tranh cách mạng ở miền Nam. Cũng trong thời gian này, chúng tôi được đón đồng chí Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đồng chí Trưởng Ban Thống nhất Trung ương, trung tướng Nguyễn Văn Vịnh đến thăm và động viên tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ mới.
Chúng tôi cố gắng tiếp thu những lời huấn thị vàng ngọc của đồng chí Phạm Văn Đồng làm cẩm nang cho cuộc chiến mới. Tôi nhớ mãi câu nói của đồng chí Phạm Văn Đồng: “Trong cuộc chiến đấu một mất một còn giữa ta và địch, người chiến sĩ cách mạng phải rèn luyện phẩm chất, giữ gìn khí tiết cách mạng trong mọi tình huống giữa cái sống, cái chết treo lơ lửng như ngàn cân treo sợi tóc”.
Tờ mờ sáng vào một ngày tháng 8/1959, màn sương đêm chưa kịp tan, trời chưa kịp bừng sáng. Hai chiếc xe ô tô phủ bạt bịt bùng đưa chúng tôi rời khỏi lầu Hoàng Cao Khải. Chúng tôi lặng lẽ tạm biệt thủ đô Hà Nội theo quốc lộ 1 xuôi về phía nam. Bữa cơm cuối cùng của miền Bắc tại cơ quan Đảng ủy Vĩnh Linh toàn những món ăn đặc sản của biển.
Đảng ủy Vĩnh Linh tiếp và tiễn chúng tôi thật trang trọng, xúc động, tràn đầy lưu luyến. Chúng tôi nghỉ lại đây một đêm, sáng hôm sau lên đường vào làng Ho. Từ đây bắt đầu một hành trình đầy gian nan để được về Nam tiếp tục chiến đấu.
Xe bị lầy, tất cả chúng tôi xuống xe hì hà, hì hục kẻ kéo người đẩy suốt một tiếng đồng hồ mới vượt qua vũng lầy, “thoát nạn” tiếp tục hướng về làng Ho. Anh lái xe là người Nghệ An ôm hôn tạm biệt chúng tôi, từng người tạm biệt anh, tạm biệt miền Bắc thân yêu. Tạm biệt thủ đô Hà Nội, trở về với chiến trường ác liệt, khói lửa.
Làm sao có thể quên được những địa danh lịch sử mà chúng tôi đã đi qua: Làng Ho, đường 9, đất bạn Lào, dốc Nghìn Lẻ Một (1001) thẳng đứng, người đi trước bước lên vai người đi sau, rồi những cơn mưa rừng Trường Sơn làm cho đường trơn hơn bôi mỡ. Vắc, muỗi rừng nhiều không kể xiết, chúng đốt một phát là sốt rét. Đoàn đi về Nam phải chiến đấu vượt qua địa hình, vừa tránh bom đạn, vượt qua những cơn sốt rét rừng… Quả thật: Trường Sơn Đông nắng tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình (Tố Hữu).
Với tình yêu quê hương cháy bỏng và nỗi nhớ gia đình, đồng bào, đồng chí khôn nguôi đã tiếp thêm sức mạnh, biến thành động lực giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách khắc nghiệt. Chúng tôi được rèn luyện cơ bắp và tập luyện ý chí cách mạng suốt 3 tháng trời xẻ dọc Trường Sơn về đến Phú Yên với 30 đồng chí, giờ tôi chỉ còn nhớ tên các đồng chí: Phạm Phải, Trần Tá, Nguyễn Ánh Hồng, Nguyễn Ưa, Nguyễn Chước, Lê Long, Nguyễn Soạn, Hoàng Tấn Hoan, Nguyễn Sĩ Dư, Tờ Văn Cao, Sáu Lùn, Văn Giỏi, Lê Xuân Mai, Nguyễn Cao Anh, Nguyễn Chu, Phạm Thanh Tùng, Trương Phước Thuần, Võ Cảnh, Huỳnh Lưu, Biên Lý Qươn, Nguyễn Bôi, Đoàn Hương, Nguyễn Điệu, Nguyễn Tỵ, Cao Kỳ Trí, Nguyễn Tần.
Đồng chí Văn Gói, nguyên Tỉnh ủy viên Phú Yên làm trưởng đoàn và đồng chí Huỳnh Lưu nguyên đại biểu Quốc hội khóa I năm 1946 làm phó đoàn. Trong đoàn, người lớn tuổi nhất là đồng chí Huỳnh Lưu 52 tuổi, người nhỏ nhất là Nguyễn Sỹ Dư 24 tuổi.
Ngày trở về, chúng tôi được đồng chí Trần Suyền, Phó Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ đón tiếp tại căn cứ Thồ Lồ, cả người về và người ra đón đều rơm rớm nước mắt. Mọi người quyết tâm đánh đổ chính quyền ngụy giải phóng quê hương”. (Trích hồi ký của đồng chí Nguyễn Hữu Ái) |