Già làng Ma Việt sinh ra và lớn lên bên dòng sông Bà Đài ở thôn Phú Giang, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, cái nôi của phong trào cách mạng của tỉnh trong hai cuộc kháng chiến. Trong suốt gần 40 năm tham gia hoạt động cách mạng, 3 nhiệm kỳ liên tiếp là Bí thư Đảng ủy xã, ông luôn mang hết tâm huyết của mình góp phần giữ gìn sự bình yên và phát triển của buôn làng. Ông là một trong những đảng viên tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thiếu tá La Mo Tết, Phó Trưởng Công an xã Phú Mỡ đưa chúng tôi đến thăm gia đình già làng Ma Việt. Mặc dù năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng trông ông còn rất nhanh nhẹn, khỏe mạnh và minh mẫn. Trong ngôi nhà sàn rộng rãi khang trang, Ma Việt đã kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm sâu sắc, những điều tâm huyết của ông trong suốt quá trình công tác của mình.
Y tá của buôn làng
Trong suốt gần 40 năm tham gia công tác xã hội ở địa phương, già làng Ma Việt trải qua rất nhiều cương vị khác nhau, từ cán bộ y tế xã, Ủy viên thư ký UBND xã đến Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy xã, ở cương vị nào ông cũng đều nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Gần 40 năm đã trôi qua nhưng bà con thôn Phú Giang vẫn nhớ như in hình ảnh người y tá đốt đuốc băng rừng lội suối chữa bệnh cho bà con. Năm 1976, ông tham gia học lớp y tá ở Tân Lương, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa. Năm 1978, ông trở về Phú Mỡ và mang những kiến thức học được chữa bệnh cho bà con buôn làng. Những năm tháng sau ngày đất nước thống nhất, Phú Mỡ là vùng rừng thiêng, nước độc. Cuộc sống của người dân nơi đây nghèo nàn, lạc hậu, khó khăn thiếu thốn mọi bề. Nhiều bà con đi làm rẫy bị sốt rét rừng. Trong xã lúc đó chỉ có ông là y tá. Vậy là với chiếc túi xách bên trong có ít thuốc sốt rét, ống xi lanh và một ít thuốc đau bụng, Ma Việt rong ruổi khắp các buôn làng để chữa trị cho những người bị bệnh.
Ma Việt tâm sự: “Mỗi khi chữa khỏi cho người bệnh, tôi rất mừng, quên hết mọi vất vả mệt nhọc”. Suốt hơn 10 năm làm y tá xã, Ma Việt không nhớ nổi số người bệnh đã được ông chữa trị nhưng bà con luôn ghi nhớ và quý trọng ông như người thân trong gia đình. Với tấm lòng nhân ái, hết lòng với công việc, từ năm 1990-2015, Ma Việt được cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con tín nhiệm bầu làm Ủy viên thư ký UBND xã, Phó Chủ tịch, Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy xã ba nhiệm kỳ.
Nặng tình với quê hương
Xã Phú Mỡ có 5 thôn, khoảng 835 hộ dân với 2.300 người là dân tộc thiểu số Chăm, Ba Na; trình độ dân trí có mặt còn hạn chế. Trước đây, bà con canh tác mỗi năm một vụ, phó mặc cho trời. Song hành với cái đói nghèo là các hủ tục lạc hậu như “ma lai, thuốc độc”, mê tín dị đoan ăn sâu bén rễ trong tiềm thức của bà con. Lợi dụng điều đó, một số đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo người dân nhẹ dạ, cả tin theo tổ chức phản động FULRO nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Trước tình hình đó, với vai trò là Bí thư Đảng ủy xã, Ma Việt cùng với thiếu tá La Mo Tết, Phó Trưởng Công an xã lúc đó là trinh sát an ninh phụ trách địa bàn xã Phú Mỡ phối hợp với các hội, đoàn thể xác định phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để kịp thời cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết. Là người gắn bó với mảnh đất này nên Ma Việt rất am hiểu phong tục tập quán của buôn làng. Trước đây, mỗi khi trong nhà có người bị bệnh, bà con đều cho rằng bị trúng “ma lai, thuốc độc” và “con ma” trong bụng quấy phá. Do đó họ thường lén lút mời thầy cúng đến nhà để xua đuổi “ma lai”. Có trường hợp hai người mâu thuẫn, xích mích nhau. Khi một trong hai người bị bệnh, họ thường nghi kỵ người kia đã bắn “con ma lai” vào người họ. Từ đó xảy ra hiềm khích, mâu thuẫn giữa hai gia đình, dòng họ, gây mất an ninh trật tự buôn làng.
Điển hình như trường hợp mâu thuẫn giữa gia đình ông La Mo Đượm và La Mo Bứa ở thôn Phú Giang vào năm 2012. Chỉ vì xin tiền mua rượu mà ông Bứa không cho, La Mo Đượm nói ông La Mo Bứa là con “ma lai”. Quá bực mình, ông Bứa đã báo cáo chính quyền địa phương và đến xã Xuân Lãnh, thông báo với gia đình dòng họ của ông để xử lý La Mo Đượm theo phong tục của người đồng bào dân tộc thiểu số. Bằng uy tín, kinh nghiệm của mình, suốt một ngày với những lời phân tích thấu tình đạt lý, Ma Việt cùng các đoàn thể đã hòa giải thành công, xóa bỏ mâu thuẫn giữa hai gia đình, dòng họ. Do thường xuyên được nghe những lời khuyên nhủ của Ma Việt, bà con buôn làng mỗi khi đau bệnh đều đến trạm xá xã khám bệnh, uống thuốc, không nghe theo lời thầy cúng nữa. Từ đó hủ tục “ma lai, thuốc độc” ở các buôn làng xã Phú Mỡ đã được xóa bỏ.
Hơn 15 năm là Bí thư Đảng ủy xã, giờ đây với vai trò là già làng thôn Phú Giang, điều Ma Việt tâm huyết, trăn trở nhất là cuộc sống được bình yên, an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững. Trong những năm qua, già làng Ma Việt đã cùng các đoàn thể trong thôn tham gia hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, tuyên truyền để bà con không nghe theo lời của kẻ xấu lợi dụng kích động, rủ rê lôi kéo trốn đi nước ngoài; góp phần tích cực vào công tác giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.
Chẳng hạn, năm 2017, việc thi công tuyến đường Phú Yên - Gia Lai gặp khó khăn, khi hộ ông La Lan Thập, La O Đường không chấp nhận phương án đền bù. Bằng uy tín của mình, Ma Việt đã chủ động gặp, vận động, giải thích chính sách, quy định của Nhà nước, qua đó vợ chồng La Lan Thập, La O Đường đã thấu hiểu và tự nguyện di dời nhà cửa, trả lại mặt bằng cho đơn vị thi công. Ông Ma Thập, cha của La Lan Thập chia sẻ: “Cũng nhờ có Ma Việt giải thích, chúng tôi mới hiểu rõ lợi ích khi có con đường này. Giờ đây, bà con đi lại, mua bán, vận chuyển rất thuận tiện. Cuộc sống của chúng tôi tốt hơn trước rất nhiều”.
Đặc biệt, để cây lúa nước đứng chân được ở đây là điều không hề đơn giản. Đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Phú Giang cũng như nhiều thôn khác ven dòng sông Bà Đài bao đời nay chỉ biết trồng lúa rẫy. Năm 2000, khi dòng điện về tận thôn và công trình thủy điện La Hiêng 2 hoàn thành, Ma Việt lúc đó là Bí thư Đảng ủy cùng với cán bộ xã và các đoàn thể vận động bà con chuyển đổi từ trồng lúa rẫy sang trồng lúa nước. Để bà con tin và làm theo mình, gia đình ông đã xung phong đi đầu. Trước kia làm lúa rẫy một năm chỉ một vụ; nay làm lúa nước một năm hai vụ, năng suất 3,5 tấn/ha, tăng gấp 10 lần so với khi làm lúa rẫy. Hiện tại, xã Phú Mỡ có khoảng 70ha lúa nước; nhiều nhà sắm được tivi, tủ lạnh, xe máy và phương tiện phục vụ sản xuất. Trong thôn còn một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn, Ma Việt đã cùng với các đoàn thể hỗ trợ, hướng dẫn họ cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ma Việt còn vận động người dân tham gia làm đường bê tông và luôn vận động bà con giữ gìn, bảo vệ môi trường trong sạch, an toàn; đặc biệt là giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ thôn.
Những cống hiến của già làng Ma Việt trong suốt hơn 40 năm qua cho vùng đất giàu truyền thống cách mạng này đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Nhiều năm liền ông được các cấp khen thưởng về thành tích xuất sắc trên các mặt công tác, nhất là công tác giữ gìn an ninh trật tự; được tặng Kỷ niệm chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc; tặng thưởng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng vào năm 2018… Tháng 9/2020, ông được Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên tặng giấy khen về phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và ông vinh dự được chọn là đại biểu dự hội nghị toàn quốc năm 2020.
KIM PHƯỢNG - THÙY DƯƠNG - LƯU HẠNH
Ma Việt tâm sự: Vùng đất này như là máu thịt của mình. Là đảng viên, mình phải có trách nhiệm giữ gìn, xây dựng quê hương cho con cháu muôn đời sau… như lời Đảng và Bác Hồ kính yêu đã dạy.