* Trao Giải thưởng Báo chí tỉnh Phú Yên lần thứ XIII, năm 2019
Ngày 19/6, tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh long trọng tổ chức kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020) và trao Giải thưởng Báo chí tỉnh Phú Yên lần thứ XIII.
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Lương Minh Sơn trao giải A cho các tác giả, nhóm tác giả. Ảnh: MINH KÝ |
Tham dự có các đồng chí: Lương Minh Sơn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Trần Văn Cư, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lão thành cách mạng, nguyên lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Hội Nhà báo qua các thời kỳ; lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh, Sở TT-TT; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố; đông đảo đội ngũ làm báo của các cơ quan báo đài, tạp chí của tỉnh và đại diện văn phòng các báo đứng chân trên địa bàn tỉnh.
Đọc diễn văn kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, đồng chí Lương Minh Sơn nhấn mạnh: Cách đây 95 năm, ngày 21/6/1925, Báo Thanh Niên do lãnh tụ vĩ đại Nguyễn Ái Quốc sáng lập và chính thức phát hành. 95 năm qua, lực lượng báo chí cách mạng nước ta đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, là lực lượng hùng hậu, xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; là diễn đàn để nhân dân tham gia quản lý xã hội, giám sát quyền lực, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp và đồng chí Phan Đình Phùng trao giải B cho các tác giả. Ảnh: MINH KÝ |
Tại Phú Yên, nền báo chí cách mạng cũng xuất hiện khá sớm. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, để phục cách mạng, Tỉnh ủy đã chủ trương xuất bản Báo Chiến Thắng, số đầu tiên ra ngày 19/8/1946. Qua nhiều giai đoạn lịch sử, tờ báo nhiều lần được đổi tên cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, từ Báo Chiến Thắng đến Phấn Đấu, Sức Mới, Đoàn Kết, Giải Phóng, Phú Yên Giải phóng và Báo Phú Yên ngày nay là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Phú Yên, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Yên. Các thế hệ làm báo trên địa bàn tỉnh đã vượt qua gian khổ, hiểm nguy, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh tuyên truyền, góp phần vào thắng lợi chung trong mỗi giai đoạn cách mạng.
Hiện nay, Phú Yên có 2 cơ quan báo chí địa phương, 3 tạp chí, 1 cổng thông tin điện tử của tỉnh. Bên cạnh đó còn có 5 văn phòng đại diện và 9 phóng viên thường trú. Hội Nhà báo tỉnh ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, với 5 chi hội và hơn 145 hội viên.
Nhà báo Đào Phạm Hoàng Quyên, Chủ tịch Hội Nhà báo Phú Yên, Tổng Biên tập Báo Phú Yên trao giải C cho các tác giả. Ảnh: MINH KÝ |
Đồng chí Lương Minh Sơn khẳng định: Thời gian qua, các cơ quan báo chí, lực lượng người làm báo của tỉnh và các nhà báo thường trú đã đồng hành cùng với sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà; tuyên truyền đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân. Báo chí đã đóng góp quan trọng trong đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, vu cáo, xuyên tạc góp phần làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Giải thưởng Báo chí tỉnh là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6. Giải lần thứ XIII đã thu hút 47 tác giả, nhóm tác giả đến từ nhiều cơ quan báo chí trung ương và địa phương, với 44 tác phẩm ở cả bốn loại hình: báo in, báo hình, báo nói và báo điện tử.
Nhà báo Đào Phạm Hoàng Quyên, Chủ tịch Hội Nhà báo Phú Yên, Tổng Biên tập Báo Phú Yên và nhà báo Phan Xuân Luật, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Yên trao giải C cho các tác giả. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Nhà báo Đào Phạm Hoàng Quyên, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Tổng Biên tập Báo Phú Yên, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Giải thưởng Báo chí tỉnh, nhận xét: Các tác phẩm tham gia Giải thưởng Báo chí tỉnh lần này khá phong phú về đề tài. Trong đó có các chủ đề về 50 năm thực hiện Di chúc của Bác; thành tựu 30 năm tái lập tỉnh; công tác xây dựng Đảng; nhiều tác phẩm viết về lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội… Các tác phẩm tham gia Giải thưởng Báo chí tỉnh lần thứ XIII được đầu tư bài bản, công phu và chuyên nghiệp, vấn đề được đề cập sâu sắc ở nhiều khía cạnh cuộc sống.
Hội đồng Giải thưởng Báo chí tỉnh lần thứ XIII đã trao 29 giải thưởng. Trong đó có 2 giải A, 6 giải B, 11 giải C và 10 giải khuyến khích.
Dịp này, 12 nhà báo được Hội Nhà báo Việt Nam tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Hội Nhà báo tỉnh cũng đã tặng giấy khen cho 19 hội viên, nhà báo xuất sắc trong phong trào thi đua hoạt động nghiệp vụ và công tác hội cấp cơ sở 5 năm 2015-2020.
GIẢI A 1. Tác phẩm “Chuyển địa điểm chợ Yến (xã An Hòa, Tuy An): Phù hợp với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới”. Nhóm tác giả: Anh Kiệt, Ngô Xuân, Võ Phê, Thu Thủy (Báo Phú Yên). 2. Tác phẩm “Thông điệp từ lòng đất”. Nhóm tác giả: Lê Biết, Quốc Hoàn, Cẩm Trang (Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Yên)
GIẢI B 1. Tác phẩm “Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn: Một gánh hai vai”. Tác giả: Hà Kiều My (Báo Phú Yên) 2. Tác phẩm “Lê Đàm Hồng Lộc: Đi qua vạn dặm, theo đuổi ước mơ”. Tác giả: Phương Trà (Báo Phú Yên) 3. Tác phẩm “Xây cầu cho vùng rốn lũ: Sức mạnh của lòng nhân ái”. Nhóm tác giả: Thu Thủy, Hồ Như (Báo Phú Yên). 4. Tác phẩm “Phú Yên - 30 năm, một chặng đường phát triển”. Nhóm tác giả: Minh Trí, Nguyễn Hiền, Quốc Hoàn, Quốc Dũng (Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Yên). 5. Tác phẩm “Tuổi trẻ lực lượng vũ trang Phú Yên xung kích vì dân”. Tác giả: Tấn Nghĩa (Bộ CHQS Phú Yên). 6. Tác phẩm “Cán bộ tiếp tay làm sổ đỏ trái pháp luật trước cơn sốt đất”. Nhóm tác giả: Nguyên Linh, Huỳnh Danh (VTV8).
GIẢI C 1. Tác phẩm “Xương rồng nở hoa trên cát”. Tác giả: Thái Hà (Báo Phú Yên). 2. Tác phẩm “Sắt son lời Bác trước lúc đi xa”. Tác giả: Xuân Hiếu (Báo Phú Yên) 3. Tác phẩm “Xe cứu thương “chui” hoạt động công khai giữa chốn đông người”. Tác giả: Anh Ngọc (Báo Phú Yên). 4. Tác phẩm “Gian nan vận động hộ kinh doanh lên doanh nghiệp”. Tác giả: Việt An (Báo Phú Yên). 5. Tác phẩm “Nữ cựu chiến binh và hành trình hơn 20 đi tìm đồng đội”. Tác giả: Phan Thế Hữu Toàn (Báo CAND). 6. Tác phẩm “Cây đại thụ của buôn Chơ”. Tác giả: Phương Hồng (Công an Phú Yên). 7. Tác phẩm “Phát triển tôm hùm bền vững - Muốn đi xa phải có đường dài”. Tác giả: Lê Biết (Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Yên). 8. Tác phẩm “Tết xưa”. Nhóm tác giả: Va Luyến, Minh Trí (Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Yên). 9. Tác phẩm “Những nông dân nghèo hiến đất xây trường”. Nhóm tác giả: Nguyên Linh, Huỳnh Danh (VTV8). 10. Tác phẩm “Bước qua bóng tối”. Nhóm tác giả: Đặng Vinh, Xuân Huy (Công an Phú Yên). 11. Tác phẩm “Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam đồng hành cùng ngư dân”. Nhóm tác giả: Hồng Chiên, Xuân Điền (Bộ đội Biên phòng tỉnh).
GIẢI KHUYẾN KHÍCH: 10 giải được trao cho các tác giả, tác phẩm ở các thể loại: báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử. |
TRẦN QUỚI