Chủ Nhật, 19/01/2025 16:17 CH
Cần tiếp tục áp dụng các biện pháp cai nghiện tại cộng đồng, gia đình hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (*)
Thứ Sáu, 19/06/2020 10:26 SA

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền phát biểu thảo luận ngày 18/6

Ngày 18/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn ĐBQH Phú Yên) tham gia phát biểu thảo luận. Báo Phú Yên trân trọng trích đăng phát biểu trên.

 

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính có đưa ra một chính sách mới mà tôi rất quan tâm. Đó chính là quy định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, ở khoản 5 Điều 92. Tôi đồng ý với những phân tích của Ủy ban Tư pháp về vấn đề này trong Báo cáo thẩm tra và các đại biểu đã phát biểu trước tôi. Ở cách tiếp cận theo chuyên ngành công tác xã hội với người sử dụng chất gây nghiện và công tác xã hội với trẻ em, tôi cho rằng quy định này cần phải hết sức cân nhắc, trước khi trở thành điều khoản chính thức của luật.

 

Chiếu theo Luật Trẻ em và Luật Dân sự thì có thể hiểu rằng đây là điều khoản pháp luật dành cho trẻ em, người chưa thành niên sử dụng trái phép chất ma túy nhiều lần. Với tình hình trẻ em, người chưa thành niên sử dụng ma túy đang ngày càng gia tăng, báo động và việc thực hiện cai nghiện cho trẻ em, người chưa thành niên theo Luật Phòng, chống ma túy hiện hành vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập trong thực tế. Tôi ủng hộ việc cần bổ sung các biện pháp mạnh mẽ, cai nghiện bắt buộc nhằm giúp trẻ tìm lại chính bản thân mình. Tuy nhiên, tôi cho rằng, ở độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi, dù trong hoàn cảnh nào, thuộc đối tượng nào thì suy cho cùng cũng chỉ là trẻ em, là vị thành niên, là người yếu thế. Cũng theo Luật Trẻ em, đây chính là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cần có sự can thiệp, trợ giúp đặc biệt của Nhà nước, của gia đình, của xã hội để đảm bảo sự an toàn đối với trẻ, giúp trẻ hòa nhập cộng đồng, đảm bảo cuộc sống bình thường.

 

Giải quyết các vấn đề xã hội gặp phải của trẻ em và người chưa thành niên sử dụng chất ma túy hay sử dụng chất ma túy nhiều lần là trách nhiệm của nhiều lực lượng xã hội trước hết là của chính bản thân các em và tiếp theo là của những cá nhân, lực lượng xã hội liên quan như gia đình, nhà trường, giáo viên, nhân viên công tác xã hội, các cơ quan chức năng và các hội đoàn thể. Điều đó như một biện pháp tổng hợp huy động các nguồn lực nhằm hỗ trợ thực hiện tiến trình can thiệp, giải quyết vấn đề mà trẻ em, người chưa thành niên sử dụng chất ma túy hay sử dụng chất ma túy nhiều lần đang gặp phải.

 

Có một thực tế là trong quá trình tiếp cận với trẻ em sử dụng chất gây nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng hay cơ sở cai nghiện bắt buộc tại địa phương thì dù bất kỳ nguyên nhân nào, ở giai đoạn nào của việc sử dụng ma túy, giai đoạn “dùng thử” hay giai đoạn “lệ thuộc tuyệt đối” thì chúng tôi đều thường gặp phản ứng rất bất hợp tác của trẻ. Khi ở hoàn cảnh này các em luôn trong tư thế phòng vệ rất cao, thu mình, phản ứng thái quá hoặc khó thừa nhận mình đang có hành vi lệch chuẩn.

 

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhân viên công tác xã hội thường tránh dùng những từ ngữ có tính mặc định, mang cảm xúc tiêu cực, năng lượng tiêu cực, có khuynh hướng chạm đến lòng tự trọng đang hình thành trong trẻ như “Em là người bị nghiện ma túy” hay “Em là người vi phạm pháp luật”, mà chỉ dùng những cụm từ giảm nhẹ thay thế như “Em sử dụng chất ma túy” hoặc “Em đã sử dụng chất ma túy nhiều lần” hay “Em đã làm trái với những điều mà pháp luật nghiêm cấm”. Điều này nhằm giúp cho các em cân bằng trạng thái tâm lý như một liệu pháp cần thiết về sức khỏe tinh thần, giúp các em khơi dậy sức mạnh nội tại, tìm thấy niềm tin, thay đổi nhận thức, hành vi vươn lên vượt qua những trở ngại thách thức, biết phát huy tiềm năng để giải quyết vấn đề ở chính bản thân mình.

 

Trong khi đó trại giáo dưỡng là nơi áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người có hành vi vi phạm pháp luật. Với những người có hành vi, có dấu hiệu tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, môi trường và biện pháp giáo dục cho từng đối tượng khác nhau nhưng đều mang tính chất trừng phạt. Đây cũng là nơi không có chức năng chữa bệnh, cai nghiện ma túy, không có lực lượng, đội ngũ chuyên nghiệp chuyên sâu, có chức năng như một bác sĩ xã hội nên không đảm bảo tính toàn diện, bao quát, không mang lại kết quả bền vững trong quá trình trợ giúp giải quyết vấn đề gặp phải của trẻ đang sử dụng chất ma túy. Vì thế theo tôi đó là một quy định chưa thật sự phù hợp, chưa phù hợp với chính sách đặc biệt dành cho trẻ, nghĩa là chỉ tập trung biện pháp can thiệp cứng rắn trước mắt, chỉ chú trọng và giải quyết hậu quả sẽ thiếu giải pháp đồng bộ và cũng không phù hợp với nguyên tắc đảm bảo lợi ích tốt nhất của trẻ nhằm đảm bảo quyền trẻ em, dễ gây ra việc trẻ tự dán nhãn mình là người làm trái luật, là người đã có tì vết về nhân phẩm, về đạo đức. Bởi chính rào cản về nhận thức, quan niệm xã hội hiện nay, cứ bước ra từ trại giáo dưỡng nghĩa là quá khứ của trẻ đã có một vệt xám. Với những phân tích nêu trên, tôi thiết nghĩ khi chưa có đánh giá tác động thực hiện nguồn lực vào các điều kiện đảm bảo thi hành biện pháp này đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi thì trước mắt vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp cai nghiện tại cộng đồng, gia đình hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Luật Phòng, chống ma túy hiện nay, tôi rất mong cơ quan soạn thảo cần đưa ra khỏi dự luật quy định này.

 

Tại phiên giám sát tối cao về thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em vừa qua. Dù là giám sát chuyên đề nhưng đã giúp cho chúng ta có cái nhìn tổng quan, toàn cảnh về lĩnh vực quản lý nhà nước về trẻ em, trong đó có trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Thông qua phiên giám sát, chúng ta cũng đã tri diện từng góc nhìn, từng lát cắt, từng thân phận, từng nỗi đau của con người đang trong độ tuổi vị thành niên. Ở đó không chỉ có những thương tổn của nạn nhân bị xâm hại mà còn là sự sám hối của những đứa trẻ vị thành niên đã lầm lỡ, bôi một vết mờ vào tương lai của chính mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Điều đó cho thấy rằng, việc chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ vị thành niên không chỉ có những khoảng trống trong xây dựng chính sách pháp luật mà còn có những khoảng cách khá lớn trong việc thụ hưởng hệ thống dịch vụ trợ giúp xã hội của Nhà nước, và có vẻ như công tác quản lý nhà nước về giữ gìn an ninh trật tự và công tác quản lý nhà nước về trẻ em ở điểm này vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Theo quan điểm cá nhân của tôi, đối với người sử dụng trái phép chất ma túy hay sử dụng chất ma túy nhiều lần còn đang trong độ tuổi vị thành niên. Ngoài áp dụng những biện pháp cứng rắn nhằm giúp trẻ thoát khỏi môi trường nhiều cạm bẫy thì việc đánh giá chính sách, lựa chọn sử dụng thuật ngữ trong xây dựng chính sách thực thi pháp luật, từ góc nhìn nhân văn theo chuyên ngành công tác xã hội là một điều mà chúng ta rất đáng lưu tâm.

 

-------------

(*) Tựa đề do tòa soạn đặt

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek