Thứ Năm, 26/09/2024 02:23 SA
Chiến dịch Hồ Chí Minh bên Tây
Thứ Tư, 30/04/2008 07:05 SA

Tại Paris (Pháp), giữa tháng 1/1975 chúng tôi nhận một bức điện khẩn từ Hà Nội gửi sang. Bức điện chứa đựng một yêu cầu chiến lược vô cùng quan trọng, yêu cầu chúng tôi trả lời: “...Trong thời gian tới, nếu ta đánh lớn, Mỹ có khả năng đưa quân trở lại Việt Nam không?”. Đích thân Bộ trưởng Bộ Công an ký điện. Đồng chí Đại sứ Võ Văn Sung lập tức phân công chúng tôi thu thập tin tức liên quan đến nội dung bức điện.

 

080429-paris-30-4.jpg

Nhân dân thủ đô Paris (Pháp) xuống đường mừng chiến thắng của Việt Nam ngày 30/4/1975 – Ảnh: T.LIỆU

Nhiều năm qua, rất ít khi Bộ trưởng Bộ Công an trực tiếp ký điện gửi cho chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi càng hiểu rằng nội dung câu hỏi mang ý nghĩa vô cùng lớn lao, nó không còn giới hạn ở công việc của ngành mà của nhiều ngành để giúp Bộ Chính trị nghiên cứu đi tới một quyết sách lịch sử hết sức trọng đại: Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 

Chiến trường trong nước sôi động. Tinh thần điện văn khẩn trương, không cho phép trả lời thiếu chính xác. Nghĩ rằng, mọi kế hoạch tác chiến quan trọng đều nằm trong ngăn kéo tối mật của các nhà quân sự cao cấp nhất của Mỹ. Chúng tôi tập trung mọi tâm lực, mọi tính toán, đề ra các phương án, rà soát lại tiềm năng trong số bầu bạn có thiện chí, những người đã tự nguyện ủng hộ ta, hướng dẫn họ giúp đỡ giải đáp câu hỏi hóc búa này.

 

Nhưng nay, nội dung của điện văn hoàn toàn mới, không nằm trong chương trình hoạt động của tôi. Đang lo lắng tìm cách vượt qua những khó khăn trước mắt thì một vận may đến: các bạn đi phép cuối năm đã lần lượt trở lại địa bàn. Qua từng buổi làm việc với bạn, tôi nắm bắt ngay bạn R sẵn sàng bay sang Bắc Mỹ nếu có yêu cầu cần thiết, bạn A đang chuẩn bị đi châu Á trong thời gian sớm nhất.

 

Nắm chắc chương trình công tác của bạn, tôi lập tức phân công mỗi người một phương án, tiếp cận các đầu mối ở địa bàn liên quan... nhưng sự yêu cầu thống nhất là tập trung mọi nỗ lực phát hiện ý đồ của các giới lãnh đạo quân sự địch, các hoạt động cụ thể của quân lực đối phương trong thời gian sớm nhất. Được giao nhiệm vụ quan trọng, các bạn phấn khởi lao ngay vào việc.

 

*        *

*

 

Thời gian trôi nhanh. Tôi nóng ruột chờ mong tin tức. Các bạn làm việc rất kịp thời, tận tụy. Trong vòng mươi ngày sau, họ đã nhanh chóng trở lại Paris. Từ Bắc Mỹ sang, bạn thứ nhất cung cấp nhiều tin tức nóng hổi về tinh thần suy sụp của binh sĩ Mỹ, cùng sự rối ren sau vụ bê bối Watergate. Bộ Quốc phòng Mỹ hầu như án binh bất động, không có một biểu hiện nào chứng tỏ có việc điều quân sang Việt Nam, kể cả các đơn vị đang đóng ở châu Á.

 

Người thứ hai, ngoài những thông tin về chiến sự sôi động, đã nói rõ về nội bộ nát bét của ngụy quyền Sài Gòn. Bạn còn nhấn mạnh: Mặc dầu Thiệu liên tiếp kêu gào Mỹ cứu viện, nhưng trước những thất bại dồn dập của quân ngụy, DAO (phái đoàn quân sự Mỹ tại Sài Gòn sau Hiệp định Paris 1973) rất thất vọng, không có bất cứ một yêu cầu nào với Washington DC mà chỉ đợi lệnh của Lầu Năm Góc. Nhà nghệ sĩ cũng thông báo: giới thạo tin khẳng định như đinh đóng cột rằng: Quốc hội Mỹ đã chi cho chính quyền Thiệu hàng trăm tỉ USD mà chỉ chuốc lấy thất bại ê chề. Nay, không thể có chuyện hoang phí một “cent” (một xu) nào nữa, v.v...

 

Các đường bay đều hội tụ về một hướng. Để có trách nhiệm cho một nhận định đúng đắn, tôi xác minh qua thư ký đại diện một tờ báo lớn của  nước ngoài thường trú tại Paris, cùng với những thông tin khai thác từ các tờ báo lớn của Pháp mà nhóm Việt kiều điểm báo cung cấp, tôi có điều kiện nghiên cứu kết luận sơ bộ về các nguồn tin.

 

Rất mừng là, các nguồn tin đều trùng khớp nhau. Sau nhiều lần cân nhắc, kiểm tra cụ thể, lập tức tôi điện về Hà Nội dự báo: “... Hoa Kỳ không có khả năng đưa quân trở lại miền Nam...”, và trực tiếp báo với Đại sứ Võ Văn Sung nhận định nói trên, vào một ngày đầu tháng 2/1975.

 

Chỉ một ngày sau, chúng tôi lại nhận được bức điện của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn gửi sang. Ngoài các vấn đề khác, bức điện này nêu câu hỏi cụ thể là: “Nhiệm vụ của chiến hạm Interprise vào lại biển Đông là gì?”.

 

Đây là vấn đề quá khó đối với tôi. Từ mấy chục năm qua, chúng tôi chỉ biết ở Biển Đông có Hạm đội 7 của Mỹ, ngoài ra không hiểu biết gì hơn. Các bạn hữu nghị cũng chỉ thông thạo tình hình trên mặt đất, chứ không rõ tình hình trên biển.

 

Nhưng không thể ngồi yên, không thể dừng lại mà phải quyết tâm tìm cho ra câu trả lời bức điện, tôi lập tức đến gặp ông V.C - một kỹ sư hàng không. Ngoài chuyên môn của mình, V.C cũng không biết gì. Do có dự kiến trước tình huống này, nên tôi nhờ ông tìm cho một đầu mối để “bắc cầu” sang ngành Hàng hải. Sau mấy ngày đêm liên tục tìm kiếm ở các địa chỉ cần thiết, tôi được ông V.C giới thiệu một người bạn mới, đó là ông G, một chuyên gia nắm rất sát hoạt động của các tàu chiến, nhất là của Mỹ. Ngay trong buổi tiếp xúc đầu tiên, bạn khẳng định: đúng là sau Hiệp định Paris về Việt Nam, Interprise đã rút sang Philippines, nay vừa trở lại biển Việt Nam. Về nhiệm vụ hiện hành của nó, tôi phải xem lại đã. Và chỉ vài ngày sau, bạn thông báo: “Nó sang biển Đông để ủng hộ việc “evacuer” (di tản) của người Mỹ lúc cần thiết”.

 

Tôi hỏi thêm một số điều, bạn phân tích: Căn cứ vào cơ số vũ khí, số lượng quân... tôi xác định rằng nó không có nhiệm vụ tác chiến. Ngừng một lát như để suy nghĩ, rồi bạn nhấn mạnh: Theo quan sát của tôi, trong trường hợp này “evacuer” đồng nghĩa với rút lui.

 

Vào thời điểm tháng 2/1975, trên chiến trường miền Nam nước ta chưa có nhiều biến động lớn, tôi chưa ý thức đầy đủ ý nghĩa của vấn đề rút lui mà bạn đã nêu lên như đã diễn ra sau ngày giải phóng Buôn Ma Thuột.

 

Xác minh lại lần nữa cho thật chắc, tôi phúc đáp về Bộ trưởng và Đại sứ Võ Văn Sung những thông tin trên. Sau này, trong hồi ký của mình, Đại sứ Võ Văn Sung đã viết: ...Đặc biệt, Hà Nội rất tâm đắc với chữ “di tản” sử dụng trong báo cáo của Sứ quán do anh Hồ Nam đã có sáng kiến dịch chữ “evacuer” tiếng Pháp là “di tản”. Đây là việc làm rất khó khăn và đầy trách nhiệm vì nó liên quan trực tiếp chỉ đạo chiến trường của ta...

 

Thông tin đã được báo cáo về nước mà lòng tôi vẫn không ngớt lo âu, lo nhất là những thay đổi bất ngờ từ phía Mỹ nên tôi luôn bám sát tình hình, theo dõi liên tục những diễn biến về quan điểm quân sự của chính quyền Mỹ cũng như hoạt động của lực lượng quân Mỹ ở châu Á.

Ngày 10/3/1975, quân dân ta bất ngờ nổ súng giải phóng Buôn Ma Thuột mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam.

 

Mỹ đã không dám đưa một tên lính nào trở lại Việt Nam. Quân Mỹ còn lại ở Sài Gòn đã nháo nhào di tản trong bối cảnh hỗn loạn tột cùng mà phóng sự Truyền hình Pháp đã kịp thời công bố trước bàn dân thiên hạ.

 

Nếu trong ngày 27/1/1973, khi Việt Nam và Mỹ ký kết Hiệp định Paris, đông đảo kiều bào, bạn bè Pháp và học sinh, sinh viên khắp năm châu tưng bừng mừng thắng lợi của Việt Nam bằng những rừng Cờ đỏ Sao vàng và cờ Mặt trận Giải phóng Dân tộc miền Nam Việt Nam trên khắp các đường phố Paris, thì từ sau ngày 10/3/1975, quân dân ta giải phóng Buôn Ma Thuột. Sau giờ làm tại các công sở, họ hối hả lao ngay về nhà, bật đài thu thanh hoặc vô tuyến truyền hình, theo dõi từng tin chiến sự nóng hổi ở miền Nam nước ta.

 

Có một điều tuyệt vời là, không ai bảo ai mà nhiều nhà đều có tấm bản đồ Việt Nam treo cạnh tivi. Gia đình nào chưa có, họ nhờ chúng tôi vẽ lại, quân ta tiến tới tỉnh nào thì một lá cờ màu đỏ nho nhỏ hình đuôi nheo được cắm ngay vào địa phận tỉnh đó, không khác gì bản đồ tác chiến của một cơ quan tham mưu quân sự. Đến ngày 30/4/1975, màu đỏ tràn ngập cả lãnh thổ miền Nam.     

 

(CAND)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek