Thứ Sáu, 11/10/2024 20:26 CH
Phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc:
Nhân tố quan trọng trong Đại thắng mùa Xuân 1975
Thứ Năm, 30/04/2020 07:00 SA

Một tiết mục nghệ thuật mừng Đảng, mừng đất nước đổi mới. Ảnh: THIÊN LÝ

45 năm đã trôi qua, nhưng thời khắc hào hùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, vẫn mãi sống dậy trong lòng bao thế hệ người Việt Nam. Làm nên thắng lợi vĩ đại ấy là tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam là nhân tố đặc biệt quan trọng.

 

1. Lịch sử của mỗi dân tộc cũng như của cả nhân loại luôn vận động và biến đổi không ngừng. Song, trong sự vận động và biến đổi không ngừng đó, không ít những sự kiện, những thời điểm đã được ghi lại như một cột mốc trường tồn, không thể thay đổi. Bản hùng ca Đại thắng mùa Xuân 1975 luôn khắc sâu trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam với niềm tự hào thiêng liêng. Sức mạnh làm nên chiến thắng huy hoàng ấy chính là sức mạnh của tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đánh giá về sự kiện lịch sử trọng đại này, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV (12/1976) của Đảng nhận định: “Thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm vóc quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

 

Để có thể đương đầu và đánh thắng giặc Mỹ xâm lược - một kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn hơn ta gấp nhiều lần, vấn đề khơi dậy và phát huy cao độ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc có vị trí, vai trò to lớn, quyết định đến sự thành - bại của cách mạng. Trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng tình hình trong nước và quốc tế, Đảng ta đã đề ra đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Đường lối kháng chiến này đã đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân cả nước, trở thành ngọn cờ dẫn dắt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đoàn kết phát huy sức mạnh tổng hợp vì lý tưởng cách mạng cao đẹp.

 

Trên cơ sở đường lối kháng chiến đúng đắn, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, Trung ương Đảng đề ra phương thức tập hợp quần chúng rất sáng tạo, đó là thành lập các mặt trận dân tộc thống nhất ở hai miền phù hợp với đặc điểm, điều kiện ở từng miền. Mặt trận không chỉ thu hút các tầng lớp nhân dân lao động, mà còn lôi cuốn được cả các tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên, tín đồ các tôn giáo, tư sản dân tộc… lấy liên minh giai cấp công - nông làm nền tảng dưới sự lãnh đạo của Đảng đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, để thực hiện thống nhất đất nước. Đây cũng là cơ sở bảo đảm cho sự lãnh đạo vững bền của Đảng, đồng thời phân hóa, cô lập cao độ kẻ thù. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân”. Hơn bao giờ hết, đoàn kết là chất keo kết dính mỗi người Việt Nam trong khối đại đoàn kết dân tộc, làm nên sức mạnh thiêng liêng của toàn dân tộc.

 

Sự đoàn kết và quyết tâm đấu tranh ngày càng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân miền Nam đã động viên nhân dân miền Bắc đẩy mạnh sản xuất, dốc lòng chung sức chi viện cho chiến trường miền Nam, luôn kề vai sát cánh cùng đồng bào miền Nam đánh giặc. Bằng những phong trào thi đua sôi nổi, với những khẩu hiệu ''tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược'' đã trở thành hành động của mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi địa phương khắp nơi trên miền Bắc. Các phong trào ''Vì miền Nam ruột thịt'', ''Ba sẵn sàng'', ''Ba đảm đang'', ''Tay cày, tay súng", "Tay búa, tay súng",... thu hút mọi tầng lớp, mọi thành phần, mọi lứa tuổi. Sự chi viện từ miền Bắc cho miền Nam không chỉ tạo nên sức mạnh, phục vụ tốt nhiệm vụ chiến đấu, mà còn đáp ứng yêu cầu xây dựng vùng giải phóng trên tất cả các mặt. Đó thật sự là những biểu tượng rõ nét trong tình đoàn kết của nhân dân miền Bắc đối với miền Nam, tô đậm thêm sức mạnh đại đoàn kết dân tộc làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.

 

Nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng (ngày 15/5/1975). Ảnh: Tư liệu

 

Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta bắt đầu diễn ra với ba đòn tiến công chiến lược lớn: Chiến dịch Tây Nguyên, đòn tiến công giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và cả chặng đường 30 năm đấu tranh trường kỳ gian khổ (1945-1975). Đó cũng chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

 

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là bức tranh sinh động về tinh thần đại đoàn kết dân tộc, là đỉnh cao sự hội tụ giá trị tinh hoa tốt đẹp nhất về đại đoàn kết dân tộc của cha ông ta trong mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đại đoàn kết là truyền thống quý báu - cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Truyền thống đó được hình thành, hun đúc, phát triển bởi tinh thần yêu nước, ý chí độc lập tự chủ của dân tộc ta trong mấy ngàn năm lịch sử. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 thêm một lần nữa chứng minh sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thực sự được nhân lên gấp bội khi được soi sáng bởi chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - hạt nhân của khối đại đoàn kết dân tộc.

 

2. Trong giai đoạn hiện nay, vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được khẳng định và nâng cao trong đời sống chính trị - xã hội thông qua tổ chức MTTQ Việt Nam. Mối quan hệ gắn bó giữa MTTQ Việt Nam và các tầng lớp nhân dân ngày càng được tăng cường. Đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện và thể chế hóa bằng các chính sách, pháp luật. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật nhằm khơi dậy và phát huy sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, chăm lo, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chăm lo an sinh xã hội, nhất là đối với đồng bào nghèo, đồng bào vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; quốc phòng - an ninh vững chắc, đối ngoại rộng mở, đảm bảo môi trường hòa bình, thuận lợi cho sự nghiệp CNH-HĐH, hội nhập quốc tế… Bên cạnh cơ hội cũng có nhiều thách thức, khó khăn lớn trên con đường phát triển, như các thế lực phản động không ngừng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, chống phá sự nghiệp cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ nội bộ Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

 

Do vậy, phát huy sức mạnh của sự đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng chính là nội lực mà từng tổ chức cơ sở đảng cần khơi dậy trên mỗi bước đi lên của cách mạng, trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để làm được điều đó, ngoài linh hoạt áp dụng bài học lịch sử vào thực tiễn địa phương, các cơ sở đảng cần đi sâu vào dân để hiểu dân, nâng cao lòng tin của dân với Đảng.

 

Việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ là bài học lớn đối với thắng lợi cuộc kháng chiến năm xưa, mà vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay. Ðại hội XII của Ðảng đã khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hôm nay tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh lịch sử mới, vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

NGUYỄN THỊ HOA

(Trường Chính trị Phú Yên)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek