Thứ Sáu, 29/11/2024 03:47 SA
Phiên họp Chính phủ tháng 3: Cho ý kiến vào nhiều Dự án Luật quan trọng
Thứ Sáu, 28/03/2008 10:15 SA

Trong hai ngày 26 - 27/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, tập trung cho ý kiến và thông qua nhiều dự án Luật quan trọng liên quan đến các lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội để trình Quốc hội.

 

080328-thu tuong.jpg

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp Chính phủ phiên thường kỳ

Thảo luận về Dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, nhiều ý kiến thành viên Chính phủ nhất trí việc cấm người điều khiển phương tiện cơ giới sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn khi tham gia giao thông là cần thiết, nhưng để phù hợp với thực tế, trước mắt cấm và kiểm soát chặt chẽ đối với người lái xe ô tô, đặc biệt là lái xe khách và xe tải.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đồng tình điều chỉnh độ tuổi hợp lý đối với người lái xe khách, dứt khoát người lái xe khách và xe tải phải có thời gian thử thách mới được cấp bằng lái. Thủ tướng đồng ý thành lập Quỹ bảo trì đường bộ cũng như tăng thẩm quyền cho lực lượng công an và thanh tra giao thông trong đảm bảo ATGT.


Một vấn đề bà con người Việt ở nước ngoài đang rất quan tâm và được Chính phủ thảo luận tại phiên họp này là Dự án Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi. Dự án Luật sửa đổi tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Quốc tịch Việt Nam ban hành cách đây 10 năm theo hướng sát với yêu cầu thực tế, đảm bảo mỗi cá nhân đều có quyền có quốc tịch, tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về quốc tịch cũng như bảo hộ và bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam định cư tại nước ngoài. Nhiều thành viên Chính phủ nhất trí điều chỉnh Điều 3 về nguyên tắc một quốc tịch vì cứng nhắc và khó thực hiện. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc. Nguyện vọng có quốc tịch của bà con Việt kiều đã là công dân của một nước khác là hoàn toàn chính đáng.


Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Chính phủ cũng đã nghe và góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định quy định chính sách khuyến khích phát triển xã hội hoá. Nghị định gồm các quy chế khuyến khích, thu hút các nguồn lực nhằm đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội với chất lượng và số lượng ngày càng cao. Quy định rõ lĩnh vực, đối tượng được hưởng và các chính sách ưu đãi nhất là về thuế, đất đai, tín dụng để phát triển xã hội hoá thống nhất công bằng, hiệu quả đồng thời tăng cường chức năng quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước và chính quyền các cấp.


Cũng trong phiên họp, các thành viên Chính phủ đã nghe vào thảo luận về các ý kiến còn khác nhau trong báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2006, các dự án Luật Công nghệ cao, Luật Thi hành án dân sự, dự án sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi đua Khen thưởng, Luật Phòng chống ma tuý và một số Dự án Luật quan trọng khác.


Kết thúc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ trưởng và chính quyền các cấp tiếp tục chỉ đạo các chương trình, kế hoạch phát triển các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2008; bám sát và triển khai quyết liệt
các biện pháp ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và duy trì tăng trưởng của nền kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng; tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ, ngành mình quản lý, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng.

 

Theo VOV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek