* Thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
Hôm 26/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 7, nghe báo cáo dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban tài chính, ngân sách của Quốc hội về dự thảo luật này. Các ý kiến đều đồng tình hạ mức thuế suất từ 28% xuống còn 25%
Theo dự thảo Luật, một số quy định được bổ sung, sửa đổi tập trung vào đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập miễn thuế, thu nhập tính thuế, về nơi nộp thuế, thuế suất và ưu đãi thuế. Theo đó, để khuyến khích đầu tư phát triển nhưng không ảnh hưởng tới thu ngân sách, mức thuế suất chung đề nghị giảm xuống còn 25% thay vì 28% như hiện nay.
Báo cáo thẩm tra và ý kiến của các uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với mức thuế suất này. Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung cũng quy định một số đối tượng miễn thuế thu nhập như thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động góp cổ phần, liên doanh liên kết; các khoản tài trợ nhận đựơc của tổ chức có thu nhập không chia dùng cho hoạt động từ thiện, nhân đạo, văn hoá, giáo dục, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và các hoạt động xã hội vì mục tiêu hoà bình, hữu nghị, phát triển kinh tế xã hội, thu nhập do người sau cai nghiện làm ra.
Về nơi nộp thuế, Dự thảo Luật quy định việc nơi nộp thuế chủ yếu được thực hiện tại địa phương, nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính nhưng có phân bố số thuế nộp cho ngân sách địa phương nơi sản xuất kinh doanh. Về đối tượng nộp thuế, các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ sẽ chuyển sang nộp thuế theo Luật thuế thu nhập cá nhân từ ngày 1/1/2009. Vì vậy đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo dự thảo Luật chỉ còn bao gồm các tổ chức, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Về thu nhập chịu thuế, dự thảo luật đề nghị bỏ quy định thu hồi bổ sung đối với chuyển quyền sử dụng đất mà áp dụng chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (bao gồm cả chuyển nhượng đất và tài sản trên đất) theo hướng: kê khai riêng thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản để nộp thuế theo khung thuế suất chung (25%). Nếu doanh nghiệp được hưởng ưu đãi đầu tư thì thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản không đựoc ưu tiên thuế và nếu có lỗ thì chỉ được bù trừ với lãi từ hoạt động này trong 5 năm tiếp theo mà không đuợc bù trừ với lãi từ các hoạt động kinh doanh khác.
Về ưu đãi thuế, theo tờ trình do Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày, dự thảo Luật đề nghị cải cách ưu đãi thuế theo nguyên tắc giữ mức ưu đãi thuế cao nhất để không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư nhưng cần có khoảng cách chênh lệch đủ lớn so với mức ưu đãi thấp hơn; thu hẹp diện ưu đãi theo ngành nghề, lĩnh vực tạo tính hấp dẫn của mức ưu đãi cao.
Cụ thể như sau: Áp dụng mức ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế suất 10% trong 15 năm và miễn thuế tối đa trong 4 năm, giảm 50% số thuế tối đa trong 9 năm tiếp theo) đối với các doanh nghiệp mới thành lập, hoạt động tại địa bàn khó khăn; doanh nghiệp mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực mũi nhọn, các lĩnh vực đang được khuyến khích đẩy mạnh xã hội hoá. Áp dụng mức thuế suất 20% trong thời gian 10 năm, miễn thuế tối đa 2 năm và giảm 50% tối đa 4 năm đối với doanh nghiệp mới thành lập, hoạt động tại địa bàn khó khăn... Dự thảo luật còn quy định ưu đãi mới cho tất cả các doanh nghiệp được trích đến 10% thu nhập trước khi tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ.
Dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi sẽ tiếp tục được Quốc hội thảo luận trong các kỳ họp tới trước khi thông qua và dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2009.
* Chiều 26/3, với đa số tán thành, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 12 đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.
Điểm mới đáng chú ý của Pháp lệnh này là tăng mức xử phạt tiền tối đa đối với nhiều hành vi vi phạm và nâng thẩm quyền xử phạt đối với các cơ quan chức năng.
Cụ thể, nâng mức xử phạt trong các lĩnh vực chứng khoán, xây dựng đất đai, tài chính, ngân hàng, sở hữu trí tuệ, dầu khí... lên tối đa 500 triệu đồng. Các lĩnh vực khác cũng nâng mức xử phạt từ 70 triệu đồng lên 100 triệu đồng.
Đồng thời nâng thẩm quyền xử phạt hành chính của Chủ tịch UBND xã, phường từ 500.000 đồng lên 2 triệu đồng; Chủ tịch UBND cấp quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh từ 20 triệu lên 30 triệu đồng.
Pháp lệnh sửa đổi cũng nâng thẩm quyền đối với lực lượng Công an nhân dân, trong đó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh và Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.
Tại phiên họp, Uỷ ban TVQH đã nhất trí không bổ sung quy định về phạt tiền đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có hành vi vi phạm hành chính để bảo đảm nguyên tắc nhất quán trong chính sách xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật của Nhà nước.
P.V (tổng hợp)