Thứ Sáu, 18/10/2024 15:51 CH
Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, con đường huyền thoại
Thứ Tư, 24/04/2019 11:00 SA

Hội Truyền thống Trường Sơn tỉnh Phú Yên tham gia Liên hoan ca múa nhạc Hội Truyền thống Trường Sơn các tỉnh phía Nam

Sự ra đời của Đoàn 559 - tuyến chi viện chiến lược là một nhu cầu tất yếu khách quan, là một sáng tạo chiến lược thể hiện ý chí của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước; thể hiện tầm nhìn khoa học, tài ba của Trung ương Đảng và các tướng lĩnh Việt Nam đối với cuộc đấu tranh chống Mỹ giải phóng miền Nam.

 

Để Bộ đội Trường Sơn hoàn thành tốt sứ mệnh được giao, Đảng ta, Quân đội ta đã đầu tư cao nhất có thể; từ 500 cán bộ, chiến sĩ đầu tiên, hơn 2 năm sau - ngày 23/10/1961 đã trở thành đơn vị tương đương cấp sư đoàn; đến ngày 3/4/1965, Đoàn 559 được nâng cấp thành Bộ Tư lệnh 559 tương đương cấp quân khu. Đến năm 1973-1975, Bộ đội Trường Sơn đã có lực lượng hùng hậu với 9 sư đoàn binh chủng cùng 21 trung đoàn trực thuộc, quân số trên 10 vạn cán bộ, chiến sĩ và hàng vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến.

 

Trong cuộc chiến này, nhận thức của hai bên (ta và địch) thì Trường Sơn là một địa chính trị, quân sự cực kỳ quan trọng. Bên nào nắm giữ được Trường Sơn thì bên đó giành thế chủ động chiến trường. Đảng ta, Quân đội ta đã quyết định nhanh chóng xây dựng Trường Sơn trở thành một căn cứ chiến lược và là điểm xuất phát đi tới các chiến trường không chỉ của miền Nam mà của cả Lào và Campuchia.

 

Từ đánh giá đúng đắn mạnh yếu của địch và sức mạnh, lợi thế của ta; với tư tưởng tiến công “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, Bộ đội Trường Sơn đã vượt lên bom đạn của kẻ thù, xây dựng nên một mạng đường giao thông kỳ vĩ trên Trường Sơn với 5 trục dọc và 21 trục ngang, chiều dài đường cơ giới 17.000 km; hệ thống kho tàng chiến lược rộng lớn, kín đáo và vững chắc… Hệ thống đường ống xăng dầu từ Lạng Sơn xuyên qua núi cao, sông, suối dày đặc vào thẳng Bù Gia Mập, cung cấp trực tiếp cho chiến trường Nam Bộ. Hệ thống thông tin tải ba từ Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh đến các chiến trường, đến các binh trạm, trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội… thông suốt, liên tục, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và hiệu quả của công tác chỉ huy, chiến đấu trong điều kiện mới.

 

Đến cuối năm 1970, hệ thống thông tin liên lạc đã tạo nên sự phối hợp tác chiến nhịp nhàng hiệu quả cao nhất. Năm 1970, Trường Sơn trở thành một chiến trường rộng lớn trải dài suốt 21 tỉnh (Việt Nam 11, Lào 7 và Campuchia 4 tỉnh). Bộ đội Trường Sơn luôn phải đối mặt với 3 kẻ thù: Mỹ ngụy, nguy hiểm của đại ngàn Trường Sơn và thời tiết khắc nghiệt. Bộ đội Trường Sơn đã thực hiện nhiệm vụ dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù với hơn 733.000 trận oanh kích của máy bay. Trên 4 triệu tấn bom đạn các loại và hàng chục vạn lít chất độc dioxin của Mỹ đã trút xuống Trường Sơn.

 

Chưa có cuộc chiến tranh nào có thể sánh với cuộc chiến tranh mà Mỹ thực hiện trên đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh về tốc độ cải tiến các loại vũ khí, trang thiết bị chiến tranh. Đế quốc Mỹ đã áp dụng chiến thuật hủy diệt, bằng việc đánh ngăn chặn liên tục suốt ngày đêm, với các trang bị, thiết bị hiện đại nhất điều khiển bằng laze, kính quan sát tia hồng ngoại, khuếch đại ánh sáng mờ… Bộ đội Trường Sơn phát huy sức mạnh tổng hợp, với ý chí: “Vì miền Nam ruột thịt. Tất cả cho chiến trường đánh to thắng lớn”. Nhờ những phẩm chất cao đẹp sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng ấy mà Bộ đội Trường Sơn đã xây nên một Trường Sơn huyền thoại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược và trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch, nhiều trận đánh lớn.

 

Chuẩn bị cho cuộc tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), Bộ đội Trường Sơn đã mở thêm 5 tuyến đường, vận chuyển nhiệm vụ đột xuất vận chuyển 93000 tấn hàng, tổ chức hành quân cấp tốc bằng cơ giới vào các hướng chiến trường, kịp tham gia chiến dịch. Trong chiến dịch Khe Sanh, Bộ đội Trường Sơn đã chuẩn bị hàng ngàn tấn hàng. Các đơn vị công binh Trường Sơn đã mở gấp nhiều đường, nhiều đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu trong chiến dịch. Các đơn vị công binh Trường Sơn đã làm nên một kỳ tích đưa xe tăng vượt sông Sê Pôn để bất ngờ xe tăng xuất trận trong trận Làng Vây lịch sử…

 

Chiến dịch Đường 9 Bộ đội Trường Sơn chuẩn bị 30 ngàn tấn trang bị, vũ khí, lương thực. Tham gia chiến đấu tiêu diệt 5.695 tên, bắt 614 tên, gọi hàng 64 tên, bắn rơi 346 máy bay, thu hàng trăm xe, pháo các loại. Sau chiến dịch mở rộng căn cứ chiến lược với chính diện từ Đông sang Tây Trường Sơn khoảng 200km, mở ra một hướng phát triển mới cho tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn. Với Chiến dịch giải phóng Quảng Trị xuân hè năm 1972, Bộ đội Trường Sơn đã huy động Binh trạm 12, 2 trung đoàn cao xạ, 2 trung đoàn công binh và lực lượng của Sư đoàn 473 công binh, Sư đoàn phòng không 377 trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu giải phóng Đông Hà, giải phóng TX Quảng Trị, bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Tiểu đoàn 166 ca nô Binh trạm 12 Trường Sơn được thành lập để phục vụ riêng cho chiến dịch này. Vượt qua bom đạn ác liệt của địch trên dòng sông Thạch Hãn, Tiểu đoàn 166 ca nô là đơn vị chủ lực trực tiếp tiếp tế vũ khí, đạn dược, hậu cần bảo đảm cho Trung đoàn 48 và các lực lượng chiến đấu bảo vệ Thành cổ suốt 81 ngày đêm.

 

Đầu năm 1975, các sư đoàn của Bộ Tư lệnh Trường Sơn (Sư đoàn 968 bộ binh, Sư đoàn công binh 470, Sư đoàn xe 471) đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Giải phóng Tây Nguyên, giải phóng Buôn Ma Thuột. Ngày 1/3/1975, Sư đoàn 968 Trường Sơn thực hiện đánh nghi binh mở đầu cho Chiến dịch Tây Nguyên bằng trận tấn công chốt Mỹ, đồn Tầm và một loạt các cứ điểm khác. Đòn nghi binh chiến lược đã thành công ngoạn mục.

 

Chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột thắng lợi. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, 6 sư đoàn (gồm 2 sư đoàn công binh, 1 sư đoàn phòng không, 1 sư đoàn bộ binh và 2 sư đoàn ô tô) của Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã phối hợp chiến đấu cùng với các quân đoàn chủ lực trên nhiều hướng. Lực lượng công binh Trường Sơn đã khôi phục và bắc hàng trăm cây cầu bị địch phá hoại trước khi rút chạy, bảo đảm cho các đơn vị hành quân thần tốc tiến về Nam dọc quốc lộ 1. Lực lượng xe của 2 sư đoàn ô tô vận tải chiến đấu 571 và 471 Bộ đội Trường Sơn trước chiến dịch đã cơ động thần tốc Quân đoàn 1, Quân đoàn 2 và Quân đoàn 3 vào thẳng chiến trường Nam Bộ an toàn tuyệt đối.

 

Theo tài liệu của Mỹ ngụy ta thu được, địch nhận định: Muốn tập trung một lực lớn tấn công Sài Gòn “Việt cộng” phải cần thời gian ít nhất là ba tháng. Nhưng chỉ trong hơn 10 ngày các quân đoàn chủ lực của ta đã có mặt, áp sát Sài Gòn, gây bất ngờ và hoang mang tột độ cho kẻ địch. Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn Việt Nam khẳng định: “Nếu không có gần 5.000 chiến xa của 2 sư đoàn ô tô chiến đấu của Bộ đội Trường Sơn thì các lực lượng của Quân đội ta không thể tiến công thần tốc như mệnh lệnh của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trước Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử được”.

 

Trong 16 năm chiến đấu anh dũng trên tuyến đường mang tên Bác, các lực lượng của Bộ đội Trường Sơn đã tạo nên một hệ thống giao thông kỳ vĩ dài hơn 20.000 km; vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực chi viện cho các hướng chiến trường; tổ chức cho hơn 2 triệu lượt cán bộ, bộ đội, các cháu miền Nam, các thương bệnh binh… vào ra trên đường Trường Sơn; cơ động bằng xe cơ giới 10 lượt sư đoàn quân chủ lực tham gia chiến dịch, đảm bảo hành quân cho 25 đoàn binh khí kỹ thuật vào chiến trường; tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn ở Nam Lào, bảo vệ vững chắc hành lang tuyến chi viện; bắn rơi tại chỗ 2.455 máy bay các loại; mở 3.000km đường giao liên; xây dựng 1.350km đường thông tin tải ba và hàng vạn kilômét dây thông tin các loại; mở 1.400km đường ống xăng dầu…, trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lớn của cuộc kháng chiến góp phần to lớn làm nên chiến thắng vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 

Trong 16 năm chiến đấu dũng cảm kiên cường, vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù, Bộ đội Trường Sơn đã có 2 vạn liệt sĩ, hơn 3 vạn thương binh và hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, TNXP bị nhiễm chất độc da cam. Bộ đội Trường Sơn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”; được tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng cao quý; 82 đơn vị và 47 cá nhân được tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”; Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt với 37 điểm di tích nằm trên địa bàn của 11 tỉnh.

 

Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh thể hiện khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc của dân tộc ta. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh là một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử, một kinh nghiệm quý báu của Đảng, Quân đội và Nhân dân ta sẽ mãi mãi tồn tại trong lịch sử kháng chiến chống xâm lược của dân tộc, sẽ mãi mãi tồn tại trong ký ức và tình cảm thiêng liêng Nam - Bắc một nhà của mỗi người dân Việt Nam chúng ta”.

 

60 năm, hôm nay nhìn lại, chúng ta càng thêm tự hào về Đảng, về Quân đội và Nhân dân ta đã làm nên một Trường Sơn huyền thoại. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và TNXP, dân công hỏa tuyến Trường Sơn cùng đồng bào ba nước anh em trên khu vực đã góp phần quan trọng biến khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của cả dân tộc ta trở thành hiện thực. Ông Trương Bình Trọng, 82 tuổi ở 15B Nguyễn Huệ, phường 2 (TP Tuy Hòa), một cựu chiến sĩ Trường Sơn có mặt từ ngày đầu mở đường 559 tự hào nói: “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, mãi mãi huyền thoại, là niềm tự hào của chúng ta và bạn bè trên thế giới. Những con người trên Trường Sơn năm xưa đã làm nên một trong những huyền thoại vĩ đại nhất của nhân loại ở thế kỷ XX”.

 

Đại tá NGUYỄN BÁ THUYẾT

Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn tỉnh Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek