Thứ Bảy, 19/10/2024 04:26 SA
Đầu tư cơ sở hạ tầng và các vùng kinh tế giai đoạn 2006-2010
Thứ Sáu, 08/03/2019 10:35 SA

Cảng Vũng Rô giai đoạn 2006-2010 - Ảnh: MINH KÝ

Giai đoạn 2006-2010, Phú Yên tập trung phát triển các cơ sở hạ tầng thiết yếu. Tổng chi ngân sách nhà nước năm 2010 ước đạt 3.818 tỉ đồng, cơ bản đảm bảo chi đúng mục đích, tiết kiệm, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh, nhất là chi đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội.

 

Về huy động vốn đầu tư phát triển, tỉnh huy động được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nhất là các nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn từ bộ, ngành Trung ương để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Trong 4 năm đã huy động 28.254 tỉ đồng; trong đó, vốn đầu tư từ trái phiếu Chính phủ và ODA chiếm 32,1%, vốn khu vực tư nhân và dân cư chiếm gần 32,9%, vốn FDI chiếm 24%, vốn do doanh nghiệp nhà nước và các nguồn khác chiếm 11% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tổng số dự án đầu tư của các doanh nghiệp dân doanh trong giai đoạn 2006-2010 là 58 dự án với vốn thực hiện 2.895 tỉ đồng, trong đó 50 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, 8 dự án đang triển khai.

 

Phát triển kết cấu hạ tầng

 

Về giao thông, tỉnh đã phối hợp với Bộ GT-VT đầu tư nâng cấp, cải thiện một số công trình trên tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 25. Triển khai đầu tư và đưa vào sử dụng từng phần một số tuyến giao thông quan trọng của tỉnh như: Trục giao thông phía Tây, tuyến giao thông ven biển nối TP Tuy Hòa - Gành Đá Đĩa, tuyến động lực phía nam nối TP Tuy Hòa đến cảng Vũng Rô…

 

Các tuyến đường huyện, đường nội thị thị trấn được nhựa hóa và bê tông hóa với tốc độ nhanh, hầu hết các trục đường nội thị thị trấn đã được nhựa hóa; cơ bản các xã có đường ô tô đến trung tâm. Ngoài ra, tỉnh còn huy động và lồng ghép nhiều nguồn vốn để tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình giao thông nông thôn, bê tông hóa hè phố, hẻm phố; kiên cố hóa giao thông nông thôn bình quân hàng năm đạt 0,85km/xã.

 

Về thủy lợi, tỉnh chú trọng đầu tư hồ chứa nước Đồng Tròn, kênh mương cấp nước sau thủy điện Sông Hinh giai đoạn 1, hồ chứa nước Xuân Bình… Tỉnh đầu tư mới, sửa chữa, nâng cấp một số hồ chứa, trạm bơm điện, đập dâng, hệ thống kênh mương; khởi công xây dựng các hồ chứa nước từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và hệ thống kênh tưới.

 

Nhờ vậy, năng lực tưới của hệ thống thủy lợi từng bước được nâng lên, diện tích cây trồng được tưới tăng từ 42,9% năm 2006 lên 44,1% vào năm 2010; trong đó diện tích lúa được tưới ổn định tăng từ 83,2% lên 90%. Đến năm 2010, năng lực của các công trình thủy lợi đảm bảo tưới chủ động cho khoảng 55.700ha gieo trồng.

 

Về điện, đưa vào hoạt động dự án Thủy điện Sông Ba Hạ công suất 220MW, Nhà máy Thủy điện Krông Năng công suất 64MW; triển khai một số dự án thủy điện nhỏ như thủy điện La Hiên, Khe Cách, Đá Đen… Hoàn thành việc đầu tư cải tạo lưới điện TP Tuy Hòa, lưới điện nông thôn thuộc dự án Năng lượng nông thôn 2; đưa vào sử dụng tuyến 220KV và 110KV Quy Nhơn - Tuy Hòa - Nha Trang… Mạng lưới điện sinh hoạt được phủ khắp các thôn, buôn trong tỉnh.

 

Hạ tầng bưu chính, viễn thông được cải thiện mạnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Toàn tỉnh xây dựng 500 trạm BTS, 118 điểm phục vụ dịch vụ bưu chính - viễn thông, trong đó có 28 bưu cục chuyển phát, 78 điểm bưu điện văn hóa xã, bán kính phục vụ bình quân là 3,5km.

 

Mạng thông tin chuyên dụng được phát triển đến xã, phường, thị trấn; mạng thông tin dành riêng của khối các cơ quan Đảng, khối cơ quan quản lý nhà nước cũng được quan tâm đầu tư.

 

Về phát triển đô thị, tỉnh đã tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Tuy Hòa và vùng phụ cận đến năm 2025 và quy hoạch Khu đô thị mới Nam TP Tuy Hòa tỉ lệ 1/2000; tiếp tục đầu tư và mở rộng TP Tuy Hòa, trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của tỉnh theo hướng hiện đại. Tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng đô thị Sông Cầu, hoàn thành việc đưa huyện Sông Cầu trở thành thị xã.

 

Triển khai đầu tư hạ tầng các huyện lỵ chia tách, đến nay cơ bản hoàn thành việc đầu tư hạ tầng huyện lỵ mới Phú Hòa; triển khai đầu tư hạ tầng huyện lỵ Đông Hòa (Hòa Vinh), Tây Hòa (Phú Thứ); quy hoạch mở rộng thị trấn Củng Sơn (Sơn Hòa) và Chí Thạnh (Tuy An); triển khai một số khu tái định cư như: Khu tái định cư đô thị Nam Tuy Hòa, Khu tái định cư Phú Lạc, dự án Khu trung tâm hành chính và khu dân cư mới xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa.

 

Về phát triển các thành phần kinh tế, tỉnh tập trung sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sắp xếp, chuyển đổi, cổ phần hóa 34 doanh nghiệp, năm 2010, toàn tỉnh còn 6 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do địa phương quản lý chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ công ích. Nhiều doanh nghiệp sau sắp xếp hoạt động ổn định, có hiệu quả như: Công ty CP PYMEPHARCO, Công ty CP Vật tư tổng hợp Phú Yên, Công ty CP An Hưng…

 

Kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX được tạo điều kiện để củng cố, đổi mới, phát triển theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) và Chỉ thị 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X). Toàn tỉnh có 144 HTX và 1.673 tổ hợp tác hoạt động, trong đó số HTX khá giỏi chiếm 40%. Một số chính sách về cho thuê đất, hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý HTX, tổ hợp tác được triển khai, đạt kết quả bước đầu.

 

Kinh tế tư nhân phát triển nhanh. Đến năm 2010, toàn tỉnh có khoảng 1.060 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có 150 công ty cổ phần; thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, chi nhánh triển khai các dự án đầu tư tại tỉnh. Một số doanh nghiệp trong tỉnh mạnh dạn đầu tư vốn vào một số lĩnh vực được khuyến khích, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

Kinh tế cá thể tiếp tục phát triển, toàn tỉnh hiện có 44.294 hộ kinh doanh cá thể với 74.905 lao động làm việc. Kinh tế trang trại tuy số lượng tăng không nhiều, nhưng quy mô sản xuất kinh doanh được mở rộng, với 2.702 trang trại, tăng 68 trang trại, tổng vốn hoạt động sản xuất kinh doanh 396 tỉ đồng, bình quân đạt 146,6 triệu đồng/trang trại, tăng 55,5 triệu đồng so với năm 2005.

 

Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng khá, toàn tỉnh có 33 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký hoạt động 1,733 tỉ USD (năm 2005 có 13 doanh nghiệp với tổng vốn là 81,69 triệu USD). Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giữ vai trò chủ lực trong sản xuất một số ngành công nghiệp quan trọng của tỉnh như: mía đường, lắp ráp ô tô và đầu tư khu du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ.

 

Phát triển kinh tế - xã hội vùng

 

Kinh tế vùng miền núi trong giai đoạn 2006-2010 tăng trưởng khá, hình thành một số vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến; quy hoạch một số cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phục vụ phát triển kinh tế trong vùng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, tập trung chủ yếu vào các công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện, cấp nước, phát thanh, truyền hình, y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội…

 

từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, hỗ trợ có mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác với tổng vốn 1.310 tỉ đồng (chưa tính nguồn vốn do bộ, ngành Trung ương trực tiếp đầu tư). Cuối năm 2010, 100% số thôn, buôn được sử dụng điện lưới quốc gia. Đời sống nhân dân các huyện miền núi ngày càng được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

 

Vùng biển và ven biển tiếp tục giữ vai trò là vùng kinh tế đầu tàu của cả tỉnh, phát triển kinh tế thủy sản, tập trung nhiều cơ sở công nghiệp, dịch vụ, kết cấu hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ, thuận lợi, gồm hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, cảng biển. Tỉnh thành lập Khu kinh tế Nam Phú Yên có lợi thế để phát triển hệ thống cảng biển nước sâu, cảng hàng không, ga đường sắt, ngành công nghiệp lọc, hóa dầu, hóa chất, công nghiệp công nghệ cao; TX Sông Cầu ở phía bắc với tiềm năng lớn về phát triển du lịch và công nghiệp mở ra triển vọng phát triển kinh tế - xã hội khu vực vùng biển và ven biển cho những năm sau này.

 

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực đồng bằng của tỉnh được quan tâm đầu tư với việc triển khai một số tuyến giao thông liên xã quan trọng, cải tạo lưới điện nông thôn và kiên cố hóa hệ thống thủy lợi nội đồng, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn. Tỉnh hình thành một số vùng tập trung thâm canh cây lương thực, chăn nuôi, trồng cây công nghiệp ngắn ngày, rau, hoa và nhiều cơ sở công nghiệp chế biến, cơ sở tiểu thủ công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

 

PHAN THANH BÌNH - ĐÀO NHẬT KIM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek