(Phát biểu của ĐBQH Nguyễn Hồng Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV vào ngày 8/11)
Hiện nay, nền kiến trúc và đội ngũ kiến trúc sư ở nước ta có những bước phát triển, đóng góp quan trọng trong việc hình thành bộ mặt đô thị hiện đại; tham gia sáng tạo, thiết kế những công trình kiến trúc có tính thẩm mỹ cao của quốc gia. Tuy nhiên, quá trình phát triển của nền kiến trúc nước ta chưa bắt kịp với xu hướng đô thị hóa, nhất là quá trình đô thị hóa nông thôn ngày càng nhanh. Bộ mặt đô thị ở Việt Nam chưa đồng bộ, lộn xộn, thiếu bản sắc riêng. Việc nhìn nhận tầm quan trọng, ý nghĩa của kiến trúc trong các giai đoạn, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay chưa được nhìn nhận đầy đủ. Nền kiến trúc chưa được định hướng, quản lý một cách hệ thống, mà chỉ được quy định ở một số văn bản quy phạm pháp luật như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu… Vì vậy, tôi rất đồng tình về sự cần thiết phải ban hành Luật Kiến trúc để quản lý thống nhất, đồng bộ pháp luật về kiến trúc.
Tôi xin góp ý một số ý kiến về dự án Luật Kiến trúc như sau:
Thứ nhất, tại khoản 1 Điều 3 của dự thảo giải thích nội dung của thuật ngữ kiến trúc: “Kiến trúc là ngành nghệ thuật và khoa học về tổ chức không gian, thiết kế xây dựng công trình, tạo nên môi trường không gian sống và hoạt động của con người đáp ứng yêu cầu sử dụng, kinh tế, bền vững, thẩm mỹ”. Tôi đề nghị thay đổi vị trí của từ “khoa học” và “nghệ thuật” với nhau để làm rõ hơn về khái niệm “kiến trúc”. “Kiến trúc” trước hết phải là một ngành khoa học rồi mới nói đến tính nghệ thuật của nó.
Thứ hai, về yêu cầu chung về quản lý kiến trúc, tại Điều 6, khoản 4 quy định “UBND các thành phố, thị xã, thị trấn và cấp huyện ban hành quy chế quản lý kiến trúc…”.
Theo quy định, UBND quận, huyện, thị xã, thành phố (thuộc tỉnh) được gọi chung là UBND huyện, vì vậy tôi đề nghị Ban soạn thảo chỉnh lý khoản này cho phù hợp và thống nhất với cách sử dụng từ ngữ tại khoản 3 Điều 11 của dự thảo.
Thứ ba, tại Điều 18 quy định đạo đức hành nghề của kiến trúc sư. Tôi đề nghị quy định cụ thể nội dung về đạo đức hành nghề kiến trúc sư là những quy tắc đạo đức gì, chứ không thể giao cho tổ chức xã hội nghề nghiệp của kiến trúc sư ban hành.
Nếu giao như vậy thì các quy tắc đạo đức sẽ không thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc, gây khó khăn cho việc tuân thủ các quy tắc này. Bộ Xây dựng có thể lấy ý kiến của các tổ chức xã hội nghề nghiệp của kiến trúc sư để thống nhất và bổ sung vào quy định này của dự thảo Luật Kiến trúc để đảm bảo quy định được rõ ràng, cụ thể.
Thứ tư, tại điểm a khoản 1 Điều 21 của dự thảo quy định về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc, tôi đề nghị mở rộng “trình độ chuyên môn” thêm cho một số đối tượng có kinh nghiệm tham gia thiết kế kiến trúc nhưng bằng đại học chuyên ngành thì không phải bằng đại học chuyên ngành kiến trúc mà là một số bằng cấp khác có liên quan.
Vì vậy, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 21: “Người có trình độ chuyên môn đại học chuyên ngành kiến trúc, có thời gian, kinh nghiệm tham gia thiết kế kiến trúc trong thời gian tối thiểu 3 năm tại tổ chức hành nghề kiến trúc, tổ chức thiết kế xây dựng, thiết kế quy hoạch xây dựng”; đề nghị chỉnh sửa lại thành: “người có trình độ chuyên môn đại học chuyên ngành phù hợp (bao gồm kiến trúc sư công trình, kiến trúc quy hoạch), có thời gian, kinh nghiệm tham gia thiết kế kiến trúc trong thời gian tối thiểu 3 năm tại tổ chức hành nghề kiến trúc, tổ chức thiết kế xây dựng, thiết kế quy hoạch xây dựng”;
Thứ năm, quy định về phát triển nghề nghiệp liên tục, tại khoản 2 Điều 17 của dự thảo: “Tổ chức xã hội nghề nghiệp của kiến trúc sư ban hành khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho kiến trúc sư hành nghề; đánh giá, chứng nhận, giám sát việc phát triển nghề nghiệp liên tục của hội viên”.
Tôi thấy rằng việc “ban hành khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho kiến trúc sư hành nghề” nên giao cho Bộ Xây dựng ban hành khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho kiến trúc sư hành nghề nhằm đảm bảo tính định hướng, thống nhất trên toàn quốc. Ở đây, khi xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho các kiến trúc sư, Bộ Xây dựng có thể phối hợp, lấy ý kiến của tổ chức xã hội nghề nghiệp của kiến trúc sư xây dựng chương trình theo từng năm để cập nhật được xu hướng kiến trúc thực tế cũng như đảm bảo sự linh động, tính sáng tạo của kiến trúc sư. Vì vậy tôi đề nghị tách quy định tại khoản 2 Điều 17 của dự thảo thành 2 khoản như sau:
- “Bộ Xây dựng phối hợp lấy ý kiến của tổ chức xã hội nghề nghiệp của kiến trúc sư ban hành khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho kiến trúc sư hành nghề”.
- “Tổ chức xã hội nghề nghiệp của kiến trúc sư đánh giá, chứng nhận, giám sát việc phát triển nghề nghiệp liên tục của hội viên”.
Thứ sáu, tại khoản 4, Điều 10 quy định về nội dung quy chế quản lý kiến trúc chi tiết: Tại điểm d “Các biện pháp khuyến khích, hạn chế”, tôi đề nghị quy định cụ thể “các biện pháp khuyến khích, hạn chế” là các nội dung gì.
Tại Chương III quy định về hành nghề kiến trúc, tôi đề nghị bổ sung quy định về việc sử dụng giới hạn của chứng chỉ hành nghề kiến trúc; quy định về cấp “Hạng” của chứng chỉ hành nghề kiến trúc (nếu có) và phạm vi về quyền và nghĩa vụ tương đương với cấp “Hạng”.
Tại Mục 2, Chương III quy định về điều kiện, thủ tục gia hạn chứng chỉ hành nghề kiến trúc, tuy nhiên thời gian gia hạn là bao lâu và được gia hạn bao nhiêu lần chưa được quy định cụ thể. Tôi đề nghị cần phải quy định rõ nội dung này vào dự thảo luật.
(*) Tựa đề do tòa soạn đặt