Thứ Năm, 28/11/2024 10:37 SA
Nội lực là yếu tố quyết định thành công của đất nước
Thứ Hai, 21/01/2008 14:43 CH

Trước thềm Tết Nguyên đán Mậu Tý năm 2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trả lời phỏng vấn TTXVN đã khẳng định: Những thành công của đất nước là sự hội tụ kết quả của quá trình nhiều năm, trong đấu tranh giành độc lập dân tộc trước kia và trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay... Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

080121-Chu-tich.jpg

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết

* Năm qua, các vị lãnh đạo Ðảng và Nhà nước đã đi thăm nhiều nước lớn. Trên cương vị của mình, xin Chủ tịch cho biết, thông điệp "Việt Nam hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển" đã nhận được phản hồi như thế nào? 

Thông điệp mà Việt Nam gửi đến toàn thế giới là: Hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Việt Nam mong muốn là bạn với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và quyền tự quyết của các dân tộc. Sức cuốn hút từ thông điệp ấy mà chúng tôi nhận được trong các hoạt động đối ngoại là rất mạnh mẽ. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã bày tỏ sự tín nhiệm, chia sẻ, ủng hộ và cổ vũ Việt Nam.

 

Việc Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, nhận được cam kết hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh đã nói lên thắng lợi về công tác đối ngoại của chúng ta trong năm qua. Uy tín và vị thế của Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế. Bạn bè thế giới nhìn nhận Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn, một nơi có nền kinh tế phát triển năng động; họ mến mộ, khâm phục và mong được hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam.

 

Những thành công ấy là sự hội tụ kết quả của quá trình nhiều năm, trong đấu tranh giành độc lập dân tộc trước kia và trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay.

 

* Chủ tịch đánh giá thế nào về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước sau một năm gia nhập WTO?

 

Năm qua, nền kinh tế của chúng ta có sự tăng trưởng toàn diện trong hầu hết các lĩnh vực. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) xếp Việt Nam ở nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nguồn vốn các nhà tài trợ cam kết viện trợ cho Việt Nam tăng mạnh so với năm 2006, đạt mức kỷ lục so với các năm trước... Ðời sống của nhân dân ổn định và tiếp tục được cải thiện. Mặc dù chịu tác động của nhiều yếu tố như giá tiêu dùng liên tục tăng, sản xuất nông nghiệp ở một số vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, nhưng đời sống của đại đa số dân cư ở nông thôn vẫn giữ được mức ổn định nhờ sự chăm lo của toàn xã hội và những chính sách của Nhà nước đã khuyến khích người nông dân sản xuất hàng hóa, tăng thêm thu nhập.

 

Nội lực là yếu tố quyết định thành công của đất nước. Những tiến bộ công nghệ, trình độ khoa học tiên tiến từ bên ngoài là cần thiết, nhưng nếu chúng ta không có năng lực tiếp nhận, xử lý thì những điều kiện thuận lợi đó sẽ nhanh chóng qua đi, thậm chí còn gây trở ngại. Sự thật là chúng ta đã vượt qua năm đầu tiên gia nhập WTO đầy thử thách.

 

Vui mừng và tự hào trước những thành quả to lớn đó, nhưng chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn. Chúng ta vẫn đang đứng trước nhiều thử thách. Nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng chưa thật sự vững vàng, dự trữ quốc gia còn mỏng, sức cạnh tranh còn yếu nên dễ gặp trở ngại. Giá dầu mỏ, giá vàng trên thế giới biến động thì nền kinh tế nước ta đã bị ảnh hưởng ngay, trong khi các nước có nền kinh tế mạnh ít bị ảnh hưởng hơn. Vì vậy, chúng ta phải thấy được những mặt yếu và hạn chế để ra sức khắc phục.

 

* GDP tăng trưởng cao nhất trong khoảng mười năm trở lại đây, tuy nhiên khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn lại có xu hướng tăng lên. Thưa Chủ tịch, Ðảng và Nhà nước sẽ có những giải pháp gì để thu hẹp khoảng cách này?


Sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị là những vấn đề của quá trình phát triển mà nhiều nước trên thế giới đã và đang phải trải qua. Những năm qua, Ðảng và Nhà nước luôn chú trọng đến công tác xóa đói, giảm nghèo, chăm lo giáo dục, y tế, văn hóa-xã hội, phát triển nông thôn, quan tâm tới các đối tượng chính sách nhằm hạn chế tối đa sự doãng ra của khoảng cách giàu nghèo. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn trong công tác xóa đói, giảm nghèo, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, đây là việc phải làm thường xuyên và liên tục... Trong thời gian tới, chúng ta phải làm sao vừa đẩy mạnh phát triển, đồng thời phải chú ý đến chất lượng phát triển. Tôi tin rằng, với sự nỗ lực của Ðảng, Nhà nước và của toàn xã hội, cộng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, công tác xóa đói, giảm nghèo sẽ đạt được những tiến bộ mới, cuộc sống của nhân dân sẽ ngày càng được cải thiện.

 

* Năm 2008 là năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010, xin Chủ tịch nhận định về những thuận lợi và khó khăn của đất nước ta trong năm nay?

 

Những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực qua 20 năm đổi mới và của năm 2007 đã tạo sức mạnh mới, lòng tin, sự đoàn kết nhất trí và tinh thần phấn khởi của nhân dân ta trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế và hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, bên cạnh những thuận lợi mới, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết và quan trọng nhất vẫn là những bất cập, yếu kém chủ quan. Mặt khác, kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục tăng trưởng nhưng vẫn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định rất khó lường.

 

Trong điều kiện đó, toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta phải nỗ lực cao nhất để tranh thủ tối đa thời cơ thuận lợi, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành cơ bản nhiều chỉ tiêu quan trọng của Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 ngay trong năm 2008 này. Những nhiệm vụ chủ yếu trước mắt là: Huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển gắn liền với nâng cao sức cạnh tranh và tính bền vững của nền kinh tế, phấn đấu vượt ngưỡng "nước đang phát triển có thu nhập thấp" ngay trong năm 2008; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giải quyết tốt hơn các vấn đề văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường; bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; tích cực, chủ động hội nhập kinh tế và hợp tác quốc tế.

 

* Một vấn đề nổi cộm hiện nay là việc thu hồi đất để phát triển công nghiệp, đô thị hóa dẫn đến tình trạng người nông dân mất đất, rồi xảy ra khiếu kiện kéo dài. Thưa Chủ tịch, mấu chốt của vấn đề ở đây là gì, Ðảng và Nhà nước sẽ có giải pháp gì trong thời gian tới?

 

Quá trình công nghiệp hóa tất yếu phải sử dụng đến một phần đất nông nghiệp, vì thế ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận người nông dân. Việc giải tỏa, đền bù ở một vài nơi còn thiếu minh bạch, gây bức xúc trong nhân dân, dẫn đến những vụ khiếu kiện.

 

Chủ trương của Ðảng và Nhà nước trước hết là phải quy hoạch hết sức thận trọng, rõ ràng, công khai và tiết kiệm về khu vực nào có thể phát triển công nghiệp, đô thị hóa, khu vực nào phải giữ đất nông nghiệp. Mặt khác, phải bố trí cho người dân tái định cư có điều kiện tương tự, hoặc tốt hơn nơi ở cũ; chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, trường học, bệnh viện...; đào tạo nghề, tạo việc làm cho số lao động nông nghiệp không còn đất sản xuất. Giá đền bù chỉ là một yếu tố, điều quan trọng hơn là phải tạo thuận lợi về nơi ăn, chốn ở, việc làm, học hành, trị bệnh... cho người dân khi phải di chuyển. Như thế nhân dân sẽ đồng thuận.

 

* Thưa Chủ tịch, những ưu tiên về cải cách tư pháp trong năm qua đã được thực hiện như thế nào?

 

Quán triệt Nghị quyết 49-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về "Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020", công tác cải cách tư pháp được triển khai thực hiện rộng khắp. Ðây là một công việc phải thực hiện trong quá trình lâu dài. Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và các địa phương đã đề ra lộ trình làm việc tương đối có bài bản và đang triển khai theo lộ trình này. Những ưu tiên trong giai đoạn hiện nay là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp; tăng cường công tác giám sát hoạt động tư pháp; đẩy mạnh hoạt động tranh tụng tại tòa, phát huy vai trò của luật sư trong các phiên tranh tụng; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ theo kịp yêu cầu nhiệm vụ... Về tổng thể, chúng ta phải đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh, rà soát lại các văn bản pháp luật, điều chỉnh sao cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

 

* Chủ tịch nước có đánh giá như thế nào về công tác phòng, chống tham nhũng trong năm qua?

 

Với quyết tâm cao của Ðảng và Nhà nước, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng, đồng tình của nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng đã có chuyển biến và đạt được một số kết quả tích cực. Nhiều vụ án tham nhũng được điều tra khẩn trương, xử lý nghiêm minh trong năm qua đã tạo niềm tin trong xã hội.

 

Ðể ngăn chặn và từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Mặt trận Tổ quốc cùng các ban, ngành, đoàn thể khác cần có sự phối hợp cụ thể, kịp thời và thường xuyên, tạo mọi điều kiện cho người dân tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng. Cần nâng cao tính nghiêm minh của pháp luật, từ đó góp phần phòng ngừa chung. Các ngành, các cấp phải đẩy mạnh thực hiện công tác này, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cơ quan, đơn vị mình; phải tập trung chỉ đạo và có kế hoạch hành động thiết thực, cụ thể. Cơ quan, đơn vị là một tế bào của xã hội, nếu cuộc chiến chống tham nhũng được thực hiện tốt ở từng đơn vị thì hiệu quả trên bình diện toàn xã hội sẽ tăng lên.

 

* Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã có những đóng góp không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Nhân dịp năm mới, Chủ tịch có thông điệp gì gửi đến bà con kiều bào?

 

Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, một nhân tố góp phần vào thành công to lớn của đất nước ta trong những thập niên vừa qua. Các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước luôn gắn đồng bào trong nước với kiều bào đang sống ở nước ngoài, mong họ tham gia xây dựng, chia sẻ những thuận lợi cũng như khó khăn của đất nước.

 

Tổ quốc Việt Nam đang đứng trước những vận hội mới rất tươi sáng, cần huy động mọi nguồn lực cho công cuộc phát triển. Tôi mong bà con kiều bào hãy chung tay với đồng bào trong nước, đóng góp tri thức, sức lực, vật chất... phù hợp với khả năng và hoàn cảnh cụ thể của mình, vì một Việt Nam hùng cường, có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế. Các cháu thanh, thiếu niên kiều bào hãy phát huy truyền thống cha anh, luôn nuôi dưỡng tinh thần tự hào dân tộc, hướng về cội nguồn, phấn đấu vươn tới những đỉnh cao để sau này có thể đóng góp thật nhiều cho Tổ quốc. Ðảng và Nhà nước sẽ tiếp tục làm tất cả những gì cần thiết nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho việc tăng cường mối liên hệ, sự gắn bó giữa bà con với quê hương.

 

Nhân dịp Xuân Mậu Tý 2008, tôi xin gửi tới toàn thể đồng bào, đồng chí cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng kiên cường, tinh thần cần cù sáng tạo, chủ động bước vào năm 2008, toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm tạo nên những động lực mới, thành công mới, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".


* Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch.

Theo TTXVN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek