Thứ Bảy, 26/10/2024 10:15 SA
Điếu văn đồng chí Nguyễn Duy Luân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy
Thứ Năm, 14/12/2017 10:00 SA

Đồng chí Huỳnh Tấn Việt đọc điếu văn ôn lại quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Duy Luân - Ảnh: XUÂN HIẾU

Thưa đồng bào, đồng chí,

 

Đồng chí Nguyễn Duy Luân (tên thường gọi Bác Chín Cao) của chúng ta không còn nữa! Đồng chí là một người chiến sĩ cách mạng kiên trung, đã gắn bó thủy chung với Đảng bộ, nhân dân và quê hương Phú Yên trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và suốt quá trình xây dựng phát triển tỉnh nhà; là một trong số ít những người lãnh đạo chủ chốt của tỉnh thượng thọ 89 tuổi đã vĩnh biệt chúng ta đi vào cõi vĩnh hằng theo quy luật tử sinh, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng đồng bào, đồng chí, bạn bè, người thân và gia đình.

 

Hôm nay, trước linh cữu của đồng chí, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh cùng đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ, bạn bè, gia đình, họ tộc tổ chức trọng thể lễ truy điệu và tiễn đưa đồng chí về nơi an nghỉ cuối cùng.

 

Thưa đồng bào và đồng chí,

Thưa gia quyến đồng chí Nguyễn Duy Luân,

 

Đồng chí Nguyễn Duy Luân sinh ngày 10/3/1928 tại làng Mỹ Hòa, tổng Hòa Mỹ, phủ Tuy Hòa (ngày nay là thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa) trong một gia đình nông dân. Vừa 17 tuổi, đồng chí sớm được giác ngộ lý tưởng cộng sản, bắt đầu tham gia cách mạng từ trước tháng 8/1945 tại quê nhà Hòa Thịnh và được Chi bộ Đảng xã Liên Hiệp Mỹ kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 10/3/1946.

 

Đồng chí Nguyễn Duy Luân với các bí danh “Việt Hồng”, “Tám Hải”, “Ma Hải”, “Chín Cao”… đã từng bám trụ để chiến đấu trên khắp các vùng đất của tỉnh qua các giai đoạn cách mạng, gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc của tỉnh, kinh qua nhiều trọng trách trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình.

 

Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí đảm nhận nhiệm vụ thư ký Ban Bình dân học vụ thôn Mỹ Hòa, trực tiếp làm giáo viên trên mặt trận chống giặc dốt, được bà con nhân dân trong vùng đặt cho cái tên thân thương là “Thầy giáo Năm”. Tháng 5/1946, đồng chí được giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội tuyên truyền xã Mỹ Sơn (ngày nay là xã Hòa Thịnh), sau đó làm Phó Thư ký Đoàn Thanh niên Cứu quốc xã Liên Hiệp Mỹ (xã Hòa Thịnh và Hòa Mỹ ngày nay).

 

Ngày 10/12/1946, đồng chí được tổ chức Đảng chỉ định làm Phó Bí thư chi bộ, kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Việt Minh xã Liên Hiệp Mỹ. Năm 1947, đồng chí là một đảng viên trẻ được tăng cường cho Công an tỉnh và được phân công về Ban Công an huyện Tuy Hòa làm nhân viên trinh sát điều tra. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, đồng chí được điều động bổ sung về Công an huyện Đồng Xuân, được giao điều tra nhiều vụ án chính trị quan trọng, phức tạp.

 

Đầu năm 1949, đồng chí về nhận nhiệm vụ ở Ban Bảo vệ chính trị Công an tỉnh chuyên trách mảng công tác chính trị, tôn giáo. Một thời gian sau, đồng chí được giao nhiệm vụ Thư ký Văn phòng Công an huyện Tây Phần (bao gồm phía tây các huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân).

 

Cuối năm 1953, đồng chí Nguyễn Duy Luân lại được rút về tỉnh và sau đó được phân công về Công an huyện Tuy An, giữ chức quyền Trưởng Công an huyện. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đồng chí được phân công ở lại hoạt động ở miền Nam, được tăng cường về hoạt động bí mật ở huyện Sơn Hòa, phụ trách công tác bảo vệ nội bộ Đảng. Đồng chí là một trong số rất ít các đảng viên trung kiên được Đảng phân công ở lại bám trụ hoạt động ở quê hương trong những ngày khó khăn ác liệt nhất của cách mạng. Trong thời gian này, đồng chí đã tích cực xây dựng các cơ sở cách mạng dọc đường số 7 (quốc lộ 25) để nắm tình hình TX Tuy Hòa và các huyện đồng bằng.

 

Tháng 3/1955, đồng chí được tổ chức giao nhiệm vụ xuống Tuy Hòa để bắt liên lạc với Huyện ủy Tuy Hòa ở căn cứ Bãi Xép. Sau đó, đồng chí được phân công xây dựng cơ sở cách mạng tại các xã Hòa Tân, Hòa Mỹ, Hòa Đồng, Sơn Thành…

 

Tháng 5/1956, huyện Tuy Hòa được tách thành hai huyện Tuy Hòa 1 và Tuy Hòa 2. Trong thời gian này, địch tập trung càn quét, truy bắt các đảng viên cộng sản; đồng chí được giao phụ trách các xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ, Hòa Phong để xây dựng, khôi phục lại cơ sở cách mạng và được quần chúng nhân dân hết lòng cưu mang, giúp đỡ, đã nhiều lần dũng cảm, mưu trí thoát hiểm trong gang tấc trước họng súng của quân địch.

 

Tháng 11/1959, đồng chí được Tỉnh ủy chỉ định bổ sung vào Ban Thường vụ Huyện ủy Tuy Hòa 1. Tháng 10/1960, Huyện ủy Tuy Hòa 1 được tỉnh giao nhiệm vụ tổ chức diệt ác phá kèm. Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công đồng chí trực tiếp chỉ đạo, tổ chức diệt ác, trừ gian và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; đồng chí là một trong những người lãnh đạo chủ chốt phong trào Đồng khởi Hòa Thịnh. Đây là chiến công vang dội của quân dân Phú Yên, có dấu ấn đóng góp rất lớn của đồng chí Nguyễn Duy Luân, được Khu ủy Khu 5 đánh giá là “điểm mở đầu cho phong trào giải phóng các tỉnh đồng bằng Khu 5”.

 

Năm 1963, được Khu ủy Khu 5 quyết định bổ sung vào Tỉnh ủy, làm Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 1, đồng chí đã cùng tập thể Huyện ủy và quân dân Tuy Hòa 1 mở phong trào rộng khắp ở các xã đồng bằng, phá bung các ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng. Đồng chí có nhiều công lao đóng góp trong việc huy động lực lượng các xã Hòa Xuân, Hòa Hiệp, Hòa Vinh… mở bến Vũng Rô tiếp nhận những con tàu Không số từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Dưới sự chỉ đạo sâu sát của đồng chí, quân dân Tuy Hòa 1 đã sát cánh cùng lực lượng vũ trang mở bến tiếp nhận và vận chuyển một khối lượng lớn vũ khí từ những chuyến tàu Không số cập bến Vũng Rô. Đồng chí cũng đã chỉ đạo quân dân các xã trong huyện chống càn, tổ chức đấu tranh chính trị, giữ vững vùng giải phóng ở đồng bằng Tuy Hòa trong những năm 1964-1965, triển khai mạnh mẽ phong trào hai chân, ba mũi giáp công trên địa bàn.

 

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 2 (tháng 1/1965 tại xóm Bầu, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa), đồng chí Nguyễn Duy Luân được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, được phân công làm Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy phụ trách Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Phú Yên.

 

Đầu năm 1966, sau khi được Tỉnh ủy phân công về làm Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 2, đồng chí đã có nhiều công lao trong việc đề ra chủ trương rút thanh niên bổ sung lực lượng vũ trang, phát động phong trào thanh niên khởi nghĩa. Đồng chí đã kiên cường bám trụ chỉ đạo phong trào trong hai mùa khô khốc liệt 1966-1967, tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 trên địa bàn.

 

Tháng 12/1968, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 3 được tổ chức ở rừng Mò O (huyện Đồng Xuân). Đồng chí Nguyễn Duy Luân tiếp tục được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, được phân công giữ nhiệm vụ chính trị viên Tỉnh đội, đồng chí đã ngày đêm sát cánh cùng bộ đội trên các hướng chiến trường trong toàn tỉnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 4 (tháng 10/1971, tại rừng Bốn Chống, xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa), đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sau đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy, trực tiếp làm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, phụ trách Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy.

 

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 5 (tháng 9/1973, tại Hội trường Mùa Xuân, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa), đồng chí được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Trưởng Ban An ninh, sau đó giữ trọng trách Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh Phú Yên. Đồng chí cũng là người đại diện cho lãnh đạo, quân và dân tỉnh Phú Yên bổ nhát rìu đầu tiên hạ cây gỗ mun gửi ra Hà Nội xây dựng lăng Bác Hồ kính yêu của chúng ta.

 

Năm 1975, đồng chí trực tiếp phụ trách Sở chỉ huy tiền phương giải phóng Phú Yên chỉ huy chặn đánh đoàn quân chủ lực ngụy từ Tây Nguyên tháo chạy về đồng bằng, làm nên chiến thắng Đường 5 lịch sử, tiến tới giải phóng tỉnh nhà, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 

Sau ngày giải phóng, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh Phú Yên, đồng chí Nguyễn Duy Luân đã có nhiều cống hiến xuất sắc, cùng Đảng bộ và nhân dân ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước xây dựng cuộc sống mới ấm no hạnh phúc.

 

Sau khi sáp nhập Phú Yên và Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh, đồng chí được cử đi học lớp chính trị trung cao cấp tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Khánh lần thứ nhất năm 1977, đồng chí được bầu vào Tỉnh ủy, là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chánh tỉnh Phú Khánh. Năm 1979, đồng chí được phân công làm Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa. Năm 1980, đồng chí được phân công làm Giám đốc Công an tỉnh Phú Khánh. Đến tháng 10/1986, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Khánh, đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Sau ngày tái lập tỉnh, đồng chí làm Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh, Đảng ủy viên Quân khu 5. Đại hội Đảng bộ tỉnh năm 1991, đồng chí tiếp tục được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy.

 

Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI (ủy viên dự khuyết) và khóa VII (ủy viên chính thức).

 

Năm 1996, đồng chí được tổ chức cho nghỉ công tác để chữa bệnh và năm 2001 chính thức nghỉ hưu theo chế độ. Sau khi nghỉ hưu, đồng chí tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà.

 

Với công lao cống hiến và những thành tích xuất sắc của mình, đồng chí Nguyễn Duy Luân được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì, Huân chương Quyết thắng hạng nhất, Huân chương Giải phóng hạng nhất, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

 

Thưa đồng bào, đồng chí,

Thưa gia quyến đồng chí Nguyễn Duy Luân,

 

Cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí Nguyễn Duy Luân đã gắn liền với lịch sử Đảng bộ tỉnh.

 

Với 89 năm tuổi đời, hơn 70 năm hoạt động cách mạng và hơn 10 năm trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Duy Luân là một trong những đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đã tham gia cả hai thời kỳ kháng chiến trường kỳ của dân tộc và trong sự nghiệp kiến thiết, xây dựng tỉnh nhà. Trải qua biết bao khó khăn, thử thách, kinh qua nhiều vị trí công tác, giữ nhiều chức vụ lãnh đạo các cấp, nhưng dù ở cương vị công tác nào hay khi đã nghỉ hưu, đồng chí luôn giữ vững lập trường tư tưởng của người đảng viên Cộng sản, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng; kiên cường, mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh cách mạng, thủy chung, son sắt, giản dị, mẫu mực trong công việc và cuộc sống đời thường, là tấm gương sáng để chúng ta và các thế hệ mai sau học tập, noi theo.

 

Đồng chí Chín Cao ra đi - về với anh em đồng đội, Đảng bộ Phú Yên mất đi một người đảng viên kiên trung, mẫu mực; gia đình mất đi một người ông, người cha, người chú, người anh em gần gũi thân yêu, nhưng cái tên Chín Cao sẽ còn được nhắc đến nhiều trong lòng người dân quê hương đất Phú với tất cả niềm kính yêu, tự hào. Đảng bộ và nhân dân Phú Yên xin mãi mãi khắc ghi những cống hiến to lớn của đồng chí trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc và tỉnh nhà.

 

Trong niềm kính yêu và tiếc thương vô hạn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cùng đồng bào, đồng chí, bạn bè, họ tộc và gia đình có mặt đông đủ hôm nay vô cùng thương tiếc, đưa tiễn đồng chí về nơi an nghỉ cuối cùng trong lòng đất mẹ anh hùng. Chúng tôi nguyện cùng toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, tiếp tục đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và các thế hệ cách mạng đi trước đã lựa chọn, quyết tâm, ra sức phấn đấu xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp như ước nguyện của đồng chí và các bậc tiền nhân trước lúc đi xa.

 

Xin gửi đến gia quyến đồng chí lời chia buồn sâu sắc nhất trước sự mất mát lớn lao này.

Xin dâng nén tâm hương trước linh cữu đồng chí Nguyễn Duy Luân kính mến trước giờ vĩnh biệt.

Xin vĩnh biệt đồng chí. 

 

LỜI CẢM TẠ

 

Ban Lễ tang và gia đình đồng chí Nguyễn Duy Luân xin chân thành cảm ơn các cơ quan Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên; các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; đại diện các tổ chức trong và ngoài tỉnh; đồng bào, đồng chí, bà con thân bằng quyến thuộc và bạn bè gần xa đã gửi điện chia buồn, gửi vòng hoa, đến viếng, dự lễ truy điệu và tiễn đưa đồng chí Nguyễn Duy Luân về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong quá trình tổ chức lễ tang đồng chí Nguyễn Duy Luân, Ban Lễ tang và gia đình đã hết sức cố gắng nhưng chắc chắn không tránh khỏi những sơ suất, kính mong đồng bào, đồng chí thông cảm.

 

Ban Lễ tang và gia đình xin trân trọng cảm ơn.

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek