Thứ Bảy, 26/10/2024 12:20 CH
Vĩnh biệt Anh - người đồng chí “thủy chung cùng năm tháng”
Thứ Tư, 13/12/2017 08:28 SA

Vẫn biết ở đời sự sống chết là quy luật của đời người, không ai tránh khỏi. Nhưng khi nghe tin anh Nguyễn Duy Luân ra đi, từ giã cõi đời, lòng tôi vẫn cảm thấy hẫng hụt, mất mát, tiếc thương. Tháng trước, tôi đến thăm Anh. Đôi bạn một già, một trẻ trò chuyện, thật ăn ý trên nhiều vấn đề, xin phép tôi dùng cách xưng hô gọi Anh và dùng hai chữ “đôi bạn” theo nghĩa đồng chí, đồng đội cho nó thân mật, chứ còn theo phép xưng hô theo lễ giáo, gia phong truyền thống thì tôi phải gọi anh ấy bằng Bác hoặc bằng Chú mới đúng lễ tôn kính bậc cha chú. Vì vậy, tôi dùng chữ Anh viết hoa để bày tỏ sự kính trọng.

 

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng đồng chí Nguyễn Duy Luân tại lễ trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng - Ảnh: TƯ LIỆU

 

Năm tôi chào đời thì anh thanh niên xứ Đồng Cọ 21 tuổi - Nguyễn Duy Luân đã tham gia Việt Minh chống thực dân Pháp được 4 năm. Sau Hiệp định Genever, Anh được Đảng phân công ở lại miền Nam gây dựng phong trào cách mạng ở địa phương. Những năm sau năm 1954, chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm khủng bố cộng sản gắt gao lắm. Chúng ban hành Luật 10-59, đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, được tự do bắn giết những người cộng sản. Vì thế, những người “cộng sản nằm vùng” hoạt động như Anh khó khăn, gian khổ lắm, phải khôn khéo, dũng cảm và được nhân dân che chở, nuôi giấu các anh mới qua mặt được tai mắt của kẻ thù để tồn tại, hoạt động gây dựng phong trào. Tuổi thơ của tôi trải qua những ngày gian khó ấy. Đêm đêm tôi nghe chuyện người lớn lén kể cho nhau nghe về các anh, những người cộng sản hoạt động bí mật, chuyện các anh trừ gian diệt ác, xuất quỷ nhập thần, tôi nghe say mê như nghe đọc truyện trinh thám. Trong vùng tạm chiếm, bộ máy tuyên truyền của địch ra sức bôi xấu các anh đủ thứ, nào là: “7 tên cộng sản leo một tàu lá đu đủ không gãy”, nào là cộng sản dã man, tàn ác… Nhưng những trò tuyên truyền bịp bợm ấy không thể xóa nhòa được hình ảnh các anh, những người anh hùng - “cộng sản” luôn đứng ở vị trí trang trọng trong tâm trí của tôi. Tuổi thơ của tôi được nuôi dưỡng trong môi trường truyền thống cách mạng của quê hương, trong đó hình ảnh, tên tuổi của Anh là tấm gương lôi cuốn lớp trẻ chúng tôi hăng hái lên đường tham gia kháng chiến.

 

Năm 1964, tôi thoát ly gia đình tham gia kháng chiến, môi trường mới, có điều kiện tiếp cận nhiều nguồn thông tin, tôi càng hiểu, càng yêu mến, càng ngưỡng mộ Anh nhiều hơn. Đặc biệt từ năm 1982, tôi được Đại hội III Đảng bộ tỉnh Phú Khánh bầu vào Tỉnh ủy, từ đó trở về sau tôi có nhiều thời gian công tác gần gũi Anh, tôi càng kính phục Anh nhiều hơn.

 

Nói về Anh, trước hết phải nói đó là tình yêu quê hương luôn nồng cháy trong Anh. Quê hương nâng bước Anh đi và trong Anh luôn ấp ủ một tình yêu quê hương nồng cháy. Tác phẩm “Thủy chung cùng năm tháng” của Anh là cuốn lịch sử tự truyện kể về cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi, trải qua nhiều nỗi gian truân, được tôi rèn trong máu lửa của Anh. Đọc nó, ta mới hiểu đằng sau bản tính thầm lặng, ít nói của Anh ẩn dấu một cuộc đời đầy nhiệt huyết, một trái tim rất đỗi nhân hậu.

 

Có lẽ trong cuộc đời gần 75 năm hoạt động cách mạng của mình, Anh đã trải qua rất nhiều vị trí, chức vụ công tác, từ cán bộ phong trào đến bí thư huyện ủy, Giám đốc Công an tỉnh, Bí thư Đảng ủy Quân sự, Phó Chủ tịch, Chủ tịch ủy ban, Bí thư Tỉnh ủy. Trong đó, với chức vụ Bí thư Tỉnh ủy thì Anh có thời gian lâu nhất (hai nhiệm kỳ Ủy viên Trung ương Đảng, khóa VI và VII; 3 giai đoạn làm Bí thư Tỉnh ủy: Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên từ năm 1973-1976; Bí thư Tỉnh ủy Phú Khánh 1986-1989; Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên 1989-1995). Vì vậy, có thể nói cuộc đời, công lao, sự nghiệp của Anh - Nguyễn Duy Luân gắn liền với nhiều sự kiện tiêu biểu của tỉnh. Trong đó có 2 sự kiện tiêu biểu gắn liền với thành tích, công lao của Anh là:

 

Sự kiện thứ nhất: Anh là người trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh đêm 22/12/1960 thành công. Cuộc khởi nghĩa bằng bạo lực cách mạng của quần chúng nổi dậy, có lực ượng vũ trang hỗ trợ, cuộc khởi nghĩa đã đập tan chính quyền ngụy tay sai, thiết lập chính quyền nhân dân tự quản, mở màng cho phong trào khởi nghĩa cướp chính quyền của đồng bằng Khu V.

 

Sự kiện thứ 2: Trong chiến dịch mùa xuân 1975, Anh đã trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy quân và dân Phú Yên làm nhiệm vụ chốt chặn, phối hợp cùng bộ đội chủ lực, đập tan cuộc hành quân rút lui chiến lược của lực lượng quân ngụy từ Tây Nguyên rút về phòng thủ vùng duyên hải, bắt sống tên chuẩn tướng Trần Văn Cẩm, Phó Tư lệnh vùng II chiến thuật, chỉ huy trưởng cuộc hành quân rút lui, giải phóng hoàn toàn tỉnh Phú Yên ngày 1/4/1975, góp phần cùng cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 

Gần Anh, hiểu về Anh, chúng ta có rất nhiều điều học tập noi gương Anh. Trước hết, đó là bài học về lòng trung thành tuyệt đối vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ. Ý chí kiên cường, dũng cảm, giám hy sinh vì lý tưởng. Tinh thần kỷ luật, kỷ cương, ý thức chấp hành chủ trương nghị quyết của Đảng một cách tuyệt đối. Cấp dưới chấp hành mệnh lệnh cấp trên tuyệt đối. Kỷ luật là sức mạnh. Trong những năm đen tối, phong trào cách mạng và những người cộng sản bị quân thù khủng bố đẫm máu, nếu ai thiếu niềm tin và ý chí kiên cường thì không thể vượt qua nổi cửa ải thử thách của quân thù.

 

Học tập và noi gương Anh về bài học luôn chú trọng đến công tác xây dựng khối đoàn kết nội bộ. Đoàn kết là sức mạnh. Bài học về công tác dân vận, chăm lo đời sống mọi mặt cho dân; lo cho đồng bào miền xuôi cũng như miền ngược. Thật xúc động, khi tôi đi công tác đến một số xã miền núi nhiều người, già có, trẻ có đều hỏi thăm Anh Chín Cao có khỏe không? Tận tụy phục vụ nhân dân đó cũng là phong cách riêng của Anh. Tôi còn nhớ tại cuộc họp Tỉnh ủy Phú Khánh lần cuối trước khi tách tỉnh, sáng hôm sau Anh còn lên huyện Khánh Sơn để thăm và chia tay với đồng bào, đồng chí ở đó.

 

Học tập và noi gương Anh về mặt phẩm chất đức hạnh thanh liêm, mẫu mực của người cộng sản. Tôi nhớ khi còn tỉnh Phú Khánh, cơ quan nhà đất bố trí cho Anh một ngôi biệt thự tại Nha Trang, khi chia tỉnh, Anh kiên quyết trả lại căn nhà cho Nhà nước, mang ba lô về Tuy Hòa. Có người hỏi Anh tại sao căn nhà cả ngàn cây vàng mà anh không giữ lại. Anh trả lời bằng một câu hết sức sáng sủa: Khi mình còn làm việc ở Nha Trang, Nhà nước cấp nhà ở tạo điều kiện cho mình làm việc, nay về Tuy Hòa, mình không có nhu cầu sử dụng nữa, mình trả lại cho Nhà nước chứ sao giữ làm của riêng.

 

Học tập và noi gương Anh, ta còn tìm thấy ở khía cạnh cuộc sống đức độ, nghĩa tình, thủy chung, đúng như Anh đã viết “Thủy chung cùng năm tháng”. Thủy chung với Anh không chỉ có nghĩa trong gia đình, vợ, con, họ tộc, mà thủy chung của Anh còn rộng lớn hơn; đó là: Thủy chung với quê hương; thủy chung với Đảng với nhân dân; thủy chung với bạn bè, đồng chí, đồng đội. Có đôi lần trò chuyện với tôi, Anh có đề cập nguyện vọng khi Anh qua đời cho an táng Anh ở một trong hai nơi.

 

Một là nếu được cho Anh nằm ở Nghĩa trang Đông Tác để được gần gũi với anh em, đồng chí, đồng đội. Nếu không được thì cho Anh về an nghỉ ở Nghĩa trang Hóc Cây Quăng (xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa - quê hương Anh), nơi mà năm xưa Anh tập hợp lực lượng làm cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh.

 

Anh là vậy đó, 89 tuổi đời, 73 năm công tác, Anh đi qua suốt 2 cuộc trường chinh kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cống hiến cả cuộc đời chỉ cho quê hương, thành tích, công trạng của Anh đối với quê hương ít ai sánh bằng. Thế mà cuối đời chỉ có một ước mong, rất khiêm tốn và giản dị vô cùng. Cho tôi được nằm với đồng đội, trong lòng đất mẹ quê hương!

 

Báo tin để Anh yên lòng thanh thản ra đi về với ông bà, tổ tiên, về với vòng tay đồng đội.

 

Thương nhớ Anh nhiều! Cầu chúc Anh sớm được siêu thoát, sum vầy trong vòng tay bạn bè nơi miền cực lạc! Vĩnh biệt Anh.

 

NGUYỄN THÀNH QUANG

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek