Thứ Bảy, 26/10/2024 10:31 SA
Hầu chuyện Bác Chín Cao
Thứ Tư, 13/12/2017 08:52 SA

Cả cuộc đời viết báo và nghiên cứu văn hóa, lịch sử về vùng đất Phú Yên, tôi được sự giúp đỡ và động viên của nhiều chứng nhân lịch sử - những pho sử sống trong hai cuộc kháng chiến và đặc biệt tri ân tấm lòng của Bác Chín Cao (Nguyễn Duy Luân) đối với thế hệ hậu sinh. Là một trong những bậc đại thụ của cách mạng Phú Yên trong hai cuộc kháng chiến, trải đời, trải đạn giữa quê hương suốt 30 năm trong hai cuộc trường chinh, ý kiến đóng góp của Bác Chín Cao với tư cách là người trong cuộc vừa bao quát, vừa cụ thể, gợi mở nhiều vấn đề mang tính tổng kết thực tiễn sâu sắc.

 

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Duy Luân (bìa phải) và Tỉnh đội trưởng Ông Văn Bưu ngày giải phóng Phú Yên 1/4/1975

Tháng 5/2010, được sự giúp đỡ rất nhiều của Bác Chín Cao cùng các bậc lão thành, tập lịch sử huyện Phú Hòa ra mắt bạn đọc, được phát hành tại Đại hội Đảng bộ huyện. Bác Chín Cao rất vui, bày tỏ: “Dấu ấn của huyện Tuy Hòa 2 trong hai cuộc kháng chiến đã được thể hiện khá đậm nét trong tập lịch sử này. Và điều quý hơn, là tập lịch sử huyện bước đầu nêu được một số vấn đề về lịch sử 400 năm mở đất và phát triển ở vùng tả ngạn sông Đà Rằng”.

 

Thời điểm ấy, Bác Chín Cao đang tập trung hoàn thiện tác phẩm “Thủy chung cùng năm tháng” - tập hồi ký lịch sử chân thực và sinh động bao quát quá trình hoạt động của một bậc lão thành cách mạng, một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh từ lòng dân ra đi, sống và hoạt động giữa lòng dân trong hai cuộc chiến tranh. Tôi vinh dự được Bác Chín Cao nhờ đọc bản thảo và góp ý đôi điều để góp phần hoàn thiện tập sách kịp xuất bản nhân dịp kỷ niệm 81 năm Ngày thành lập Đảng và chào mừng 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển.

 

Thỉnh thoảng, Bác Chín Cao gọi điện cho tôi lên nhà trao đổi cả ngày về những nội dung Bác Chín muốn nêu bật những vấn đề tâm huyết cùng đề cập. Tập hồi ký của Bác Chín Cao - một trong những chứng nhân lịch sử tiêu biểu nhất của tỉnh Phú Yên vang động nhiều sự kiện trọng đại của Phú Yên hơn nửa thế kỷ.

 

Có lần tôi hỏi, bí danh chính thức của Bác Chín ghi trong lý lịch là Việt Hồng, trùng với bí danh của Bác Phan Ngọc Bích (một trong những đảng viên đầu tiên của Phú Yên tháng 10/1930). Nói đến Việt Hồng thì thế hệ hoạt động cùng thời biết đến bác Ba Bích, còn Bác Chín thì được nhắc đến với các bí danh Chín Cao, Tám Hải, Ma Hải… Bác Chín nói rằng: Lúc kết nạp Đảng năm 1946, ai cũng có một bí danh để ghi vào lý lịch. Thực tế, anh em, đồng chí không mấy người biết Bác Chín Cao có bí danh Việt Hồng. Bác Chín cho biết thêm, các bí danh Chín Cao, Tám Hải, Ma Hải hình thành trong quá trình hoạt động, được anh em và cả tổ chức công nhận nên chết tên luôn. Bác Chín nói vui “Có những bí danh do anh em gọi rồi chết tên mà người được gọi không ưng bụng, đơn cử như anh Công Minh chết tên với bí danh “Bốn Giồ” mà có lần

anh yêu cầu gay gắt không được gọi bí danh ấy nữa, đến mức anh Năm Già (Lương Công Huề) phải “kết luận”: “Công văn ở cơ sở gửi đồng chí “Bốn Giồ”, Chú Bốn đều nhận. Bây giờ đã chết tên, thắc mắc gì nữa”.

 

Bác Chín Cao (Nguyễn Duy Luân) là vị Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên cuối cùng trong kháng chiến chống Mỹ, là Bí thư Tỉnh ủy Phú Khánh những năm (1986-1989), là Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đầu tiên thời kỳ tái lập tỉnh, mở ra trang mới phát triển tỉnh Phú Yên.

 

Nói về tầm vóc và công lao đóng góp của Bác Chín thì quyển sách “Thủy chung cùng năm tháng” dày gần 600 trang cũng chứa bao quát hết. Tôi chỉ đề cập đôi điều về tấm lòng của Bác Chín Cao đối với văn hóa lịch sử quê nhà.

 

Mùa đông năm 1962, tại căn cứ miền Tây huyện Tuy Hòa, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Trần Suyền xúc động khi nghe hai đồng chí lãnh đạo cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh - đồng chí Nguyễn Duy Luân (Chín Cao) và Bùi Tân - kể lại tấm gương hy sinh oanh liệt của liệt sĩ Trần Thị Có (đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân). Đồng chí Trần Suyền thao thức mấy đêm viết một kịch bản tuồng về cuộc đời hoạt động của chị Trần Thị Có.

 

Bác Chín Cao nói rằng, kịch bản sân khấu đâu phải chuyện chơi, Anh Sáu Suyền viết mấy đêm, tự ngâm nga diễn tuồng ư ử nhưng vẫn không ra bài chòi, cũng không ra tuồng. Chứng kiến Bác Sáu Suyền loay hoay viết kịch bản về một nữ liệt sĩ của quê nhà Hòa Thịnh, Bác Chín Cao rất xúc động và hiến kế.

 

Theo đề xuất của đồng chí Chín Cao, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đồng ý và cử chính đồng chí Chín Cao về Phú Nhiêu, Hòa Mỹ, rút vợ chồng nghệ sĩ tuồng Nguyễn Đạm (Chín Đạm) ra vùng căn cứ.

 

Với sự tiếp sức của ông thầy tuồng Chín Đạm, chỉ trong một thời gian rất ngắn vở tuồng “Tấm tường đẫm máu” về cuộc đời và sự hy sinh lẫm liệt của liệt sĩ Trần Thị Có ra tuồng ra tích, đủ tiêu chuẩn nghệ thuật để trình diễn khắp nơi, đạt yêu cầu phát động quần chúng vùng giải phóng bằng tiếng nói nghệ thuật.

 

Với tài tổ chức của ông bầu hát Chín Đạm, vở tuồng lập tức được phân vai luyện tập. Bà Chín Đạm là một nghệ sĩ tài hoa thủ vai chị Trần Thị Có. Vai đại diện ác ôn được giao cho anh Nguyễn Ngọc Thừa - thanh niên Hòa Thịnh vừa thoát ly lên căn cứ, rất có năng khiếu về tuồng. Các vai phụ như đám lính bảo an thì chọn mấy anh em trong cơ quan Huyện ủy.

 

Cái khó là không có nhạc cụ. Vậy là đồng chí Chín Cao phải lặn lội về Vinh Ba - Hòa Đồng thuyết phục rút anh Năm Ngan - một đội trưởng bát âm chuyên phục vụ đám ma, có ngón đờn cò và thổi kèn điệu nghệ.

 

Được làm nghệ sĩ cách mạng, Năm Ngan thích lắm, hăng hái thoát ly, mang theo cả đồ nghề vào căn cứ. Buổi tổng duyệt ở căn cứ rất vui và cảm động. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Sáu Suyền bày tỏ sự khâm phục thầy tuồng Chín Đạm đang đánh trống mượn của nhà chùa phục vụ cho vở diễn. Đồng chí nói: “Làm gì cũng phải có nghề, mình suy nghĩ viết mãi mà cứ ra khẩu hiệu chính trị chứ không ra tuồng”.

 

Đồng chí Nguyễn Duy Luân (bìa phải) và đồng chí Bùi Tân

 

Tết cổ truyền 1963, vở tuồng “Tấm tường đẫm máu” công diễn ở chiến khu được hoan nghênh nhiệt liệt, ai cũng khen là không kém gì vở tuồng chị Ngộ của Đoàn Văn công Khu 5 trong kháng chiến chống Pháp phục vụ phát động nông dân đấu tranh với địa chủ đòi giảm tô, giảm tức, thực hiện chính sách cải cách ruộng đất.

 

Vậy là từ vở tuồng thể hiện hình tượng nữ liệt sĩ Trần Thị Có, Đoàn Tuồng giải phóng Phú Yên chính thức ra đời do nghệ sĩ Chín Đạm phụ trách nghệ thuật và anh Nguyễn Ngọc Thừa làm đoàn trưởng. Có thể nói, Bác Chín Cao là người đặt nền móng tổ chức nhân sự và hình thành Đoàn Tuồng giải phóng Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ.

 

Trong hai mùa khô khốc liệt 1966-1967 trên cương vị Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 2, Bác Chín Cao đề nghị Đoàn Văn công giải phóng Phú Yên về biểu diễn văn nghệ ở Cây Da, tiểu thôn Quang Hưng, xã Hòa Quang, đưa tiếng nói nghệ thuật cách mạng vào sâu trong vùng địch tạm thời kiểm soát.

 

Năm 1981, nhà thơ Quách Tấn - một trong những thành viên “Bàn thành tứ hữu” (bốn thi hữu nổi tiếng nhất của thành Đồ Bàn Bình Định) bị Công an Phú Khánh khám xét nhà và tạm giữ do các hoạt động dính líu với các tổ chức phản cách mạng. Thời chế độ cũ, nhà thơ Quách Tấn có lúc giữ cương vị Phó Tổng trưởng Nội an ở tỉnh Khánh Hòa. Đối với một nhà thơ nổi tiếng từ thời tiền chiến, Bác Chín Cao suy nghĩ đắn đo rất nhiều và chưa yên lòng nếu đặt bút ký quyết định đưa nhà thơ Quách Tấn đi cải tạo. Bác Chín Cao đã đến trại tạm giam gặp gỡ, trò chuyện với Quách Tấn và rút ra kết luận: Sau ngày giải phóng, Quách Tấn đã già yếu, bị một số kẻ xấu tâng bốc kích động, lợi dụng tên tuổi để gây thanh thế, phô trương các hoạt động phản cách mạng.

 

Sau buổi trò chuyện, Bác Chín Cao báo cáo với lãnh đạo tỉnh trả tự do và trả lại kho sách khổng lồ để nhà thơ tiếp tục nghiên cứu và làm thơ. Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Ngọc Nhường rất hoan nghênh đề xuất của Bác Chín Cao và những lần gặp gỡ văn nghệ sĩ vào dịp Tết Nguyên đán những năm sau đó lãnh đạo tỉnh đều có mời nhà thơ Quách Tấn đến dự.

 

Hầu chuyện Bác Chín Cao rất thú vị, được học tập và lĩnh hội rất nhiều tri thức thực tiễn đúc kết bởi một đời hoạt động sôi động phong phú giữa lòng dân trong bão táp đấu tranh cách mạng vì độc lập, thống nhất đất nước.

 

Bác Chí Cao đã đi xa, dẫu là quy luật tử sinh, để lại một khoảng trống ngậm ngùi trong lòng hậu thế.

 

Bài chúc mừng Bác Chín Cao bước vào tuổi đại thọ 90 đã không còn cơ hội được thực hiện. Di sản tinh thần Bác Chín Cao và thế hệ vàng cách mạng cùng thời để lại vẫn “thủy chung cùng năm tháng” với quê hương đất nước.

 

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek