Thứ Ba, 15/10/2024 13:19 CH
ĐBQH Hoàng Văn Trà: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc (*)
Thứ Tư, 01/11/2017 08:25 SA

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Trà phát biểu thảo luận tại kỳ họp Quốc hội sáng 31/10 - Ảnh: MINH HỘI

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng 31/10, các ĐBQH làm việc tại hội trường, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020. Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Hoàng Văn Trà, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên tham gia phát biểu. Báo Phú Yên xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu của đại biểu Hoàng Văn Trà.

 

Trước hết tôi xin bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kiểm tra Quốc hội về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

 

Có thể nói rằng với sự nỗ lực quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tinh thần chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, tập trung, xuyên suốt trên tất cả các lĩnh vực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành Trung ương và các cấp chính quyền địa phương... chúng ta đã thu được những kết quả rất đáng mừng (GDP quý sau cao hơn quý trước, nhất là trong quý 3 tăng trưởng rất ấn tượng, dự kiến trong năm 2017 đạt và vượt cả 13/13 chỉ tiêu chủ yếu; môi trường đầu tư kinh doanh, hiệu lực hiệu quả của nền hành chính công, kỷ cương kỷ luật, tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình được cải thiện đáng kể... và quan trọng hơn là niềm tin của nhân dân, của cử tri cả nước vào Đảng, Chính phủ ngày một nâng lên).

 

Tuy thực trạng kinh tế - xã hội còn không ít khó khăn, hạn chế, yếu kém cần tiếp tục quan tâm, tập trung giải quyết (như về chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, nợ xấu của nền kinh tế, vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp...; về chất lượng giáo dục, y tế, quản lý an ninh mạng, hoạt động báo chí; về tổ chức bộ máy, biên chế, về tinh thần, thái độ phục vụ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức...).

 

Nhưng với sự kiên trì, quyết tâm cao, đúng hướng trong điều hành kinh tế vĩ mô; sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả với những cơ chế, chính sách, quyết sách hợp lòng dân, giải quyết được những vướng mắc, rào cản cho doanh nghiệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tạo ra động lực mới, khíthế mới cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

Theo gợi ý của Tổng Thư ký Quốc hội, trong phạm vi phiên thảo luận tại hội trường hôm nay, tôi xin tham gia một vài ý kiến như:

 

Thứ nhất, về xây dựng nông thôn mới, Báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết 32 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Chính phủ có nêu về những hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện như: Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền của cả nước vẫn còn khá lớn, chỉ có 2 khu vực đạt kết quả cao (như đồng bằng Sông Hồng đạt 57,6%, Đông Nam Bộ đạt 56,61%, còn lại đạt thấp dưới 32%, riêng miền núi phía Bắc mới chỉ đạt 12,32%); Sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được nhiều chuỗi giá trị sản xuất bền vững nên thu nhập của người dân còn bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào giá cả thị trường, thiếu sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã nên lúng túng tìm kiếm thị trường tiêu thụ, bị tư thương ép giá...; năng lực của bộ phận cán bộ cơ sở, nhất là ở xã miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế...

 

Như vậy, cùng với các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong báo cáo của Chính phủ, để đạt được mục tiêu phấn đấu trong năm 2018 (cả nước có ít nhất 37% số xã, khoảng 3.300 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng khoảng 5% so với năm 2017) và cho cả những năm tiếp theo, thiết nghĩ chất lượng sống, môi trường sống của người dân nông thôn là mục tiêu cao nhất, nên theo tôi chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, tập trung chỉ đạo quyết liệt một số việc cụ thể như:

 

(1) Luôn xác định người dân là chủ thể quan trọng nhất trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, và phải bắt đầu từ nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân, người dân được tham gia từ đầu và trong suốt quá trình xây dựng, phát triển địa phương mình, làng xã, thôn, buôn mình (người dân được nhận thức đầy đủ, được tham gia góp ý dân chủ, bàn bạc, được hiến kế...).

 

(2) Tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa hơn các tiêu chí phù hợp với từng vùng miền, khu vực, tránh rập khuôn, máy móc, cứng nhắc. Các địa phương chú trọng xây dựng đề án nông thôn mới đặc thù, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, nhất là trong tìm kiếm, huy động các nguồn lực, trong tạo sự đồng thuận của xã hội... Ở Phú Yên chúng tôi, từ năm 2014 Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Kế hoạch Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn, buôn, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo (và như vậy định kỳ các cơ quan, đơn vị cử người về với dân, về với các xã, buôn, làng mình nhận giúp đỡ để cùng chia sẻ, hỗ trợ cả về vật chất, tinh thần...). Đây là một chủ trương, cách làm hợp lòng dân, được các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh nhiệt tình ủng hộ và đã thu được những kết quả rất tốt. Điều này đã góp một phần quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

 

(3) Sự tham gia của doanh nghiệp, doanh nhân vào quá trình xây dựng nông thôn mới thành công là yếu tố hết sức quan trọng, gần như không thể thiếu (vậy phải vừa thúc đẩy, có cơ chế, chính sách hỗ trợ việc khởi nghiệp ngay của người địa phương tại làng xã mình, vừa phải thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Muốn vậy, phải có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư triển khai các mô hình sản xuất kinh doanh mới, sản xuất lớn, công nghệ cao trên địa bàn nông thôn theo hướng: bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp của người dân (doanh nghiệp chỉ thuê đất của dân có thời hạn theo giá thỏa thuận). Người dân được ưu tiên tham gia lao động sản xuất như một công nhân nông nghiệp. Doanh nghiệp vừa tổ chức đầu tư sản xuất kinh doanh, vừa tạo mô hình mẫu, lan tỏa mô hình, chuyển giao hỗ trợ công nghệ, giống, kỹ thuật nuôi trồng, thức ăn chăn nuôi, phân bón cho cây trồng và quan trọng hơn là tạo được thị trường đầu ra, chế biến sản phẩm, bao tiêu sản phẩm cho nông dân cũng như thu hút các doanh nghiệp vệ tinh nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp của người nông dân địa phương.

 

(4) Quan tâm hơn đến xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở ở xã, thôn, buôn, đây là những người trực tiếp nhất với người dân, cần tạo cho họ có kiến thức chuyên môn, có nhận thức, ý thức trách nhiệm đầy đủ, có động lực và là những người gương mẫu đi đầu cùng với người dân nông thôn xây dựng nông thôn mới trên quê hương, làng xã của mình... và muốn vậy cũng phải bảo đảm họ có mức sống thu nhập trung bình trở lên ở nông thôn (có cán bộ không chuyên trách ở cấp xã phản ánh với tôi, với số phụ cấp rất ít ỏi theo quy định hiện nay của cán bộ không chuyên trách cấp xã, nếu không làm gì khác để có thu nhập thêm thì gia đình sẽ rơi vào tiêu chíhộ nghèo, nhưng nếu làm thêm việc khác thì không thực hiện hoàn thành công việc được giao - đây là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ).

 

Thứ hai, mặc dù cả ngày hôm trước chúng ta đã thảo luận nhiều về tổ chức bộ máy, về công tác cán bộ... nhưng ở đây, tôi vẫn muốn nói rằng để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 2 tháng cuối năm 2017, kế hoạch năm 2018 và những năm tiếp theo, giải pháp hết sức quan trọng, xuyên suốt vẫn là cán bộ. Bởi cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ... Vì vậy cần phải chọn được người có đức, có tài vào làm việc trong bộ máy các cơ quan công quyền, bố tríđúng người, đúng việc, đúng năng lực, sở trường; đồng thời phải thay thế ngay những người năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, sức khỏe yếu, đang là cản trở cho công việc chung... Đây là việc không dễ dàng và không làm được ngay, nhưng chúng ta phải quyết tâm, kiên trì và có các giải pháp cụ thể như:

 

(1) Làm tốt công tác chính trị tư tưởng, tuyên truyền giáo dục về ý thức trách nhiệm đến công việc chung, để những cán bộ, công chức này nhận thức được cần hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích chung (sự hy sinh này chính là sự đóng góp tốt nhất cho cơ quan, đơn vị và rộng ra là cho cả địa phương, đất nước), tự nguyện, sẵn sàng thôi việc, nghỉ hưu sớm để nhường chỗ cho những người trẻ khỏe hơn, có trình độ, năng lực hơn...

 

(2) Có cơ chế, chính sách phù hợp để động viên số cán bộ, công chức này (cả về vật chất lẫn tinh thần), nhất là về chế độ chính sách được hưởng sau khi tự nguyện thôi việc.

 

(3) Cần sớm chỉ đạo nghiên cứu một số quy định, quy chế, cơ chế, chính sách như về: văn hóa từ chức, về việc "có ra, có vào, có lên, có xuống" trong tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, về liên thông giữa khu vực cán bộ, công chức, về liên thông giữa khu vực công, khu vực tư để tìm kiếm, phát hiện, thu hút, sử dụng được cán bộ có đức, có tài...

 

-------------------------

(*) Tựa đề do tòa soạn đặt.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek