Thứ Ba, 15/10/2024 15:21 CH
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV:
Cần chỉ rõ những cách làm tốt trong cải cách bộ máy hành chính nhà nước để nhân rộng
Thứ Ba, 31/10/2017 09:55 SA

Đại biểu Nguyễn Hồng Vân phát biểu tại phiên họp - Ảnh: MINH HỘI

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng 30/10, các ĐBQH làm việc tại hội trường, thảo luận về việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016. Tham gia thảo luận tại hội trường, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên có 2 đại biểu tham gia phát biểu thảo luận và tranh luận tại phiên họp. Báo Phú Yên giới thiệu 2 phát biểu của đại biểu Nguyễn Hồng Vân và Nguyễn Thái Học.

 

Đại biểu Nguyễn Hồng Vân, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, phát biểu nhất trí với báo cáo của đoàn giám sát, ý kiến vào nhóm nguyên nhân và giải pháp theo báo cáo giám sát.

 

Trong nhóm 6 nguyên nhân chủ quan của báo cáo, tôi quan tâm đến nguyên nhân thứ tư và nguyên nhân thứ năm. Nguyên nhân thứ tư nêu "nhận thức về mục đích, ý nghĩa việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế chưa đầy đủ và sâu sắc nên quyết tâm chính trị chưa cao...", rất dài nên tôi trích đoạn như vậy. Đây là nguyên nhân chúng ta thường thấy trong nhiều báo cáo tổng kết, cứ nêu nhận thức của một số cấp ủy, một số lãnh đạo chưa đầy đủ. Tôi thấy đa số cán bộ lãnh đạo nhận thức đầy đủ và thực hiện quyết liệt. Ở đây còn có hay không tình trạng cán bộ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, cần phải có sự phân định để xử lý cho rõ. Mặt khác, nếu đã là lãnh đạo quản lý mà nhận thức chưa đầy đủ thì có thể cho đào tạo lại hoặc thay thế, chứ không thể nêu nguyên nhân chung chung thế này thì tôi nghĩ rằng chưa xác định rõ trách nhiệm đối với người đứng đầu. Đó là nguyên nhân và tôi cũng đề xuất giải pháp như vậy.

 

Trong nguyên nhân thứ năm là "công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật và phát hiện xử lý vi phạm về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước chưa được tiến hành thường xuyên, chưa kịp thời, còn chưa toàn diện, tập trung chủ yếu ở cấp dưới". Rõ ràng chúng ta đã mạnh dạn nêu ra được vấn đề. Ở đây, tôi cho rằng cần bổ sung thêm nguyên nhân "thực hiện kỷ luật hành chính chưa nghiêm, còn nhẹ trên, nặng dưới. Cử tri và nhiều đồng chí cán bộ lão thành rất bức xúc với việc khi Ủy ban Kiểm tra Đảng các cấp nêu ra, phát hiện sai phạm của cán bộ, đảng viên thì nêu là "nghiêm trọng", "rất nghiêm trọng". Tuy nhiên, xử lý kỷ luật về Đảng là như thế nhưng về Nhà nước lại chưa xem xét thử mức độ nghiêm trọng hay rất nghiêm trọng, truy cứu trách nhiệm pháp luật là như thế nào, hay còn áp dụng hình thức cho thôi giữ chức vụ đó. Cho thôi chức vụ thì không phải là hình thức kỷ luật, do đó kỷ luật hành chính chưa nghiêm.

 

Chúng ta thấy thực trạng vấn đề đề bạt cán bộ, đề bạt bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chuẩn, không đúng quy trình hoặc vượt quá số lượng thì thấy đâu đó chúng ta vẫn còn hiện tượng cho phạt để tồn tại. Ví dụ như trong quản lý xây dựng cơ bản, người ta xây dựng nhà trái phép thì phải cưỡng chế và dỡ bỏ. Còn đề bạt cán bộ sai thì lại phạt cho tồn tại, tôi nghĩ nó không phù hợp và cần có giải pháp mạnh hơn. Tôi đề xuất chúng ta cần xử lý người bổ nhiệm và kể cả người được bổ nhiệm, như vậy mới công bằng và đảm bảo nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức trong thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

 

Đại biểu Nguyễn Thái Học, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính tỉnh, nhấn mạnh: Mặc dù tôi không phủ nhận tinh thần làm việc công phu, trách nhiệm và rất chu đáo của đoàn giám sát, nhưng tôi rất băn khoăn và không đồng tình lắm với ý kiến của nhiều đại biểu khi cho rằng báo cáo kết quả của đoàn giám sát là toàn diện, đầy đủ, sâu sắc và hoàn toàn thống nhất với nội dung báo cáo. Tôi nói như vậy, bởi vì một trong những mục đích, yêu cầu của nghị quyết Quốc hội khi đặt ra giám sát nội dung này là phải đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân trong cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Như vậy, phần đánh giá phải nêu kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế; phải nêu rõ trách nhiệm này là trách nhiệm của tập thể và trách nhiệm của cá nhân. Thế nhưng, nội dung báo cáo tôi thấy chưa nêu được tinh thần này.

 

Tôi xin chứng minh, nội dung thứ nhất về kết quả đạt được. Trong báo cáo không chỉ rõ mô hình nào, ở đâu có những cách làm tốt trong cải cách bộ máy hành chính nhà nước và thực hiện có hiệu quả việc sử dụng biên chế. Tôi thấy, trong thực tế có rất nhiều cơ quan, địa phương, đơn vị sử dụng cán bộ rất gọn nhẹ nhưng làm việc hiệu quả. Mô hình đó cần được nhân rộng. Tôi thấy rằng mô hình này, cách làm này cần được thể hiện trong báo cáo kết quả giám sát, để chúng ta đưa vào nghị quyết và nhân rộng.

 

Còn về tồn tại, hạn chế, địa chỉ tồn tại, hạn chế, khuyết điểm ở đâu? Khuyết điểm, hạn chế này trong báo cáo chỉ nêu tập thể, chưa nêu cá nhân, nhưng mục đích, yêu cầu của nghị quyết giám sát của Quốc hội là phải chỉ rõ cá nhân. Bên cạnh cơ quan, tổ chức, địa phương thì phải nói cá nhân. Cá nhân nào đã thực hiện không đúng những quy định của pháp luật về sử dụng biên chế, sử dụng không đúng về tổ chức bộ máy; để chúng ta đưa vào nghị quyết, phải chỉ đạo kiểm điểm làm rõ và xử lý trách nhiệm, như thế thì hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội mới phát huy hiệu lực, hiệu quả. Do vậy, tôi rất mong trong nghị quyết của Quốc hội cần phải nêu tập thể, cá nhân cần nhân rộng, cần biểu dương, cần khen thưởng; tập thể, cá nhân, địa phương nào làm không tốt cần phải kiểm điểm và xử lý trách nhiệm.

 

MINH HỘI (ghi)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek