Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Phú Yên khóa V, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã nêu tại kỳ họp thứ 9. Dưới đây là trả lời của các cơ quan chức năng về bốn nhóm vấn đề bức xúc của cử tri.
Nhiều cử tri bức xúc vì nhiều đường giao thông nông thôn chưa được đầu tư xây dựng - Ảnh: P.V
VỀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI
* Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phú Yên trả lời cử tri huyện Tuy An về vấn đề bao giờ xây dựng hai tuyến kênh chính của hồ chứa nước Đồng Tròn (huyện Tuy An) để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp
- Dự án hồ Đồng Tròn do Ban quản lý (BQL) Đầu tư - Xây dựng7 (trước đây là BQL dự án thủy lợi 414) thuộc Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư, đã triển khai thi công hoàn thành cụm đầu mối và bàn giao cho huyện quản lý từ năm 2006. Tuy nhiên, từ năm 2004 đến năm 2006, công trình hầu như không được ghi vốn nên không thể xây dựng hệ thống kênh mương đúng tiến độ như thiết kế. Năm 2007, công trình này được bố trí vốn 12 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương tập trung để xây dựng hai tuyến kênh nói trên. Tuy nhiên, do thời gian quá lâu không triển khai nên phải điều chỉnh dự án và duyệt lại thiết kế, dự toán. Đến nay, BQL Đầu tư-Xây dựng 7 đã đấu thầu xong, tiến hành khởi công và hoàn thành trong quý I/2008.
* Sở NN-PTNT Phú Yên trả lời cử tri huyện Sông Hinh về đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi vừa và nhỏ cho các xã Sông Hinh, Ea Bá, Ea Bar, Ea Lâm thuộc huyện Sông Hinh để phục vụ sản xuất cho đồng bào miền núi.
-Trong những năm gần đây, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh đã xây dựng một số công trình thủy lợi để giải quyết một phần sản xuất cây lúa nước cho các địa phương nói trên như: đập dâng Sa Ran (tưới 4 ha), đập dâng buôn Kít (tưới 50ha), đập dâng buôn Thứ (tưới 50ha), hồ chứa nước Tân Lập (tưới 30 ha), hồ chứa nước Ea Lâm 1 và Ea Lâm 2. Năm 2005, UBND tỉnh Phú Yên đã cho phép UBND huyện Sông Hinh lập dự án công trình hồ chứa nước Ea Drá bằng nguồn vốn tái định cư dự án thủy điện sông Ba Hạ và nguồn ngân sách hỗ trợ, hiện đang hoàn chỉnh dự án đầu tư. Công trình hồ chứa nước Ea Drá có khả năng phục vụ sản xuất cho 100 – 200 ha ở xã Ea Lâm và Ea Bá. Một số công trình khác như đập dâng Ea Ngao (xã Sông Hinh), đập dâng buôn Chung (xã Ea Bar), các ngành chức năng đã tiến hành khảo sát nhưng điều kiện địa hình và nguồn nước không đảm bảo nên chưa thể đầu tư. Hiện tại, quy hoạch chi tiết thủy lợi huyện Sông Hinh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được phê duyệt, các công trình thủy lợi nhỏ giao cho huyện Sông Hinh quản lý. Theo đó, địa phương tiếp tục có phương án mở rộng diện tích đất trồng lúa nước, hướng dẫn bà con thâm canh tăng năng suất để giải quyết một phần lương thực tại chỗ.
BAO GIỜ NGƯỜI DÂN MIỀN NÚI ĐƯỢC SỬ DỤNG NƯỚC SẠCH?
Sở NN-PTNT Phú Yên trả lời về vấn đề nước sạch cho khu vực miền núi
- Công trình xây dựng nước sạch tại thôn Thạnh Đức (Xuân Quang 3 – Đồng Xuân) hiện đã lập xong báo cáo kinh tế - kỹ thuật trình Sở Kế hoạch – Đầu tư đang thẩm định. Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT) đang bổ sung, điều chỉnh báo cáo. Dự kiến, công trình này sẽ thi công đầu quý I/2008 để cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân thôn Thạnh Đức. Tương tự, công trình cung cấp nước sinh hoạt ở khu vực bàu Dứa cũng đang lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật để trình duyệt, dự kiến triển khai vào đầu năm 2008.
Đối với việc nâng cấp công trình nước sinh hoạt thôn Phương Lưu (Xuân Thọ 1, huyện Sông Cầu), công trình này được xây dựng, đưa vào sử dụng vào năm 2003. Tuy nhiên, do địa hình nằm ở vị trí khô hạn nên thiếu nước vào mùa khô dẫn đến không đủ nước cung cấp cho nhân dân. Giải pháp trước mắt là UBND xã Xuân Thọ 1, đơn vị quản lý có kế hoạch phân phối nước hợp lý và sử dụng tiết kiệm. Trung tâm nước sinh hoạt- vệ sinh môi trường nông thôn (NSHVSMTNT) tiếp tục nghiên cứu tìm giải pháp bổ sung.
Công trình cấp nước sinh hoạt xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh), theo phản ánh của cử tri là thiếu nước, bị ô nhiễm nặng không sử dụng được.Trung tâm NSHVSMTNT và địa phương đã tiến hành kiểm tra hồ sơ năng lực thiết kế, vận hành công trình đã xác định lưu lượng thiết kế đủ cung cấp thông qua các chỉ số kỹ thuật. Vì thế, nhận định nguyên nhân thiếu nước là từ khâu sử dụng (các hộ cá nhân lãng phí hoặc rò rỉ ở hệ thống cấp nước). Về chất lượng nước kém, ô nhiễm nặng. Trung tâm NSHVSMTNT đã tiến hành lập thủ tục báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình xử lý nước, thuê Công ty cổ phần Á Châu TP Hồ Chí Minh làm tư vấn công trình thiết kế xử lý chất lượng nước, sớm cung cấp nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn cho nhân dân.
XỬ LÝ CÁC NHÀ MÁY GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NHƯ THẾ NÀO?
Sở Tài nguyên- Môi trường Phú Yên trả lời về kiểm tra, xử lý các nhà máy gây ô nhiễm môi trường
Sau khi nhận ý kiến, kiến nghị cử tri tại kỳ họp HĐND lần thứ 9, các cơ quan chức năng tỉnh đã tiến hành kiểm tra, thanh tra Nhà máy bia Sài Gòn – Phú Yên, Nhà máy nước khoáng Phú Sen (thuộc Công ty Kỹ nghệ thực phẩm Phú Yên), Nhà máy đường Tuy Hoà và Nhà máy tinh bột sắn Sông Hinh. Kết quả, các đơn vị nói trên đều thực hiện cơ bản đúng về phương án bảo vệ môi trường, xử lý nước thải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, ở một số thời điểm có xuất hiện mùi hôi thối ra môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường đã yêu cầu các đơn vị có phương án khắc phục. Riêng kết quả thanh tra Nhà máy tinh bột sắn Sông Hinh có vi phạm về bảo vệ môi trường. Đoàn thanh tra đã lập biên bản xử phạt hành chính 9 triệu đồng và yêu cầu nhà máy phải thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt ngày 3/5/2005.
KHẮC PHỤC CÁC TUYẾN GIAO THÔNG BỊ HƯ HỎNG NHƯ THẾ NÀO?
Sở Giao thông- Vận tải Phú Yên trả lời về khắc phục các tuyến giao thông bị hư hỏng
Nhận được ý kiến phản ánh của cử tri về việc tuyến đường ĐT 642, cầu cây Sung, tuyến ĐT 641 đoạn qua thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) bị xuống cấp nặng, Sở Giao thông - Vận tải Phú Yên đã kiểm tra, sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông tại hai điểm cầu Bà Còn km2+164, cầu cây Sung km10+379 và tuyến ĐT 642 đưa vào sử dụng từ ngày 15/9/2007, đảm bảo cho xe có trọng tải dưới 8 tấn qua cầu, các xe trọng tải trên 8 tấn qua đường tránh.
Về nâng cấp đoạn đường qua thị trấn Chí Thạnh thuộc tuyến ĐT 641 từ Km 0 + 00 – Km 0+ 656,66 có chiều dài 656,66m, mặt đường bêtông nhựa dày 7cm, Sở Giao thông - Vận tải Phú Yên đã bàn giao kinh phí 1.845 triệu cho UBND huyện Tuy An làm chủ đầu tư, hiện công trình đã triển khai nâng cấp.
TRẦN QUỚI (lược ghi)