Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: Bệnh quan liêu hết sức nguy hiểm, những người và những cơ quan lãnh đạo nào mắc phải bệnh này thì “có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững”.
Nguy hiểm hơn, bệnh quan liêu “đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí”; có nạn tham ô, lãng phí là vì có bệnh quan liêu; nơi nào bệnh quan liêu càng nặng thì nơi đó càng nhiều lãng phí, tham ô. Bệnh quan liêu là “trợ thủ đắc lực”, tiếp tay cho những cán bộ phẩm chất kém, những kẻ xấu thỏa sức đục khoét ngân sách và tài sản quốc gia. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên đồng thời làm tiêu hao của cải nhà nước và nhân dân.
Bệnh quan liêu không chỉ đơn thuần là sai lầm về tác phong, phương pháp làm việc mà chính là một căn bệnh nguy hiểm, có quan hệ trước hết và chủ yếu đến lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và Nhà nước. Quan liêu thường đi liền với mệnh lệnh cửa quyền, coi thường quần chúng, sách nhiễu người dân… Nó làm cho các tổ chức Đảng và cơ quan Nhà nước vốn là cơ quan lãnh đạo, đại diện quyền lực và đầy tớ của dân trở thành những tổ chức xa dân, đứng trên nhân dân, thoát ly thực tế, từ đó dẫn đến đề ra các chủ trương, chính sách không sát với yêu cầu của thực tiễn, thậm chí sai lầm, làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Quan liêu là mặt đối lập rất nghiêm trọng với dân chủ.
Từ những tác hại do bệnh quan liêu gây ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: tham ô, lãng phí và bêïnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân và của Chính phủ, là “giặc ở trong lòng”, là “giặc nội xâm” và là tội ác. Người khẳng định, có nhiều nguyên nhân phát sinh căn bệnh nguy hiểm này, cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Về khách quan, bệnh quan liêu có từ xã hội cũ và chế độ xã hội cũ lây truyền sang chế độ xã hội mới. Còn nguyên nhân chủ quan chính là những vấn đề thuộc về bản thân đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức nào mà cái tâm không trong sáng, không xác định đúng động cơ vào Đảng, quan điểm quần chúng lệch lạc… thì rất dễ mắc bệnh quan liêu. Do đó, mọi đảng viên cần phải nhận thức rõ “Đảng ta phải làm gì? Vào Đảng để làm gì?”. Cần phê phán nghiêm khắc những cán bộ, đảng viên khi đã vào cơ quan nhà nước rồi thì coi khinh nhân dân, lúc nào cũng tỏ ra “quan cách mạng”; tự cho mình cái gì cũng giỏi, xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng mà chỉ muốn làm thầy quần chúng; thích lối làm việc hành chính, mệnh lệnh và đó chính là môi trường thuận lợi cho bệnh quan liêu sinh sôi, phát triển.
Đấu tranh chống bệnh quan liêu, từng bước khắc phục và loại bỏ nó ra khỏi bộ máy chính quyền là đòi hỏi tất yếu khách quan. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Muốn xây dựng một xã hội mới, xã hội tự do, bình đẳng, cần, kiệm, liêm chính thì phải “tẩy” cho sạch hết các thói xấu của xã hội cũ. “Những người mắc phải bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, không làm được việc thì phải thay đi”, phải “tẩy sạch nó” và đây là “việc rất cần thiết và phải làm thường xuyên”.
Đấu tranh chống bệnh quan liêu là một mặt trận hết sức khó khăn, phức tạp. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đó là một cuộc cách mạng nội bộ, một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức và phản đạo đức. Muốn giành thắng lợi trong cuộc cách mạng ấy thì phải có quyết tâm cao và tư tưởng chỉ đạo đúng đắn, đồng thời có các biện pháp thích hợp, chặt chẽ và đồng bộ.
SỸ HỒNG