Thứ Hai, 28/10/2024 00:19 SA
Vĩnh biệt vị Chủ tịch thời tái lập tỉnh
Thứ Sáu, 08/09/2017 08:07 SA

Lịch sử đương đại tỉnh Phú Yên lưu tên vị Chủ tịch tỉnh đầu tiên thời kỳ tái lập tỉnh tháng 7/1989. Nguyễn Tường Thuật - vị Chủ tịch đầu tiên cùng tập thể lãnh đạo tỉnh Phú Yên thời ấy đọng lại trong ký ức người đương thời về một thời đầy ắp khó khăn nhưng vẫn ngời sáng ý chí niềm tin đầy hào khí để xây dựng tỉnh Phú Yên mới. Vóc dáng tỉnh Phú Yên hôm nay khởi nguồn từ lịch sử xa hơn nhưng dấu ấn bước ngoặt phát triển quan trọng nhất của thời đổi mới, hội nhập bắt đầu từ tháng 7/1989.

 

Mỗi số phận chứa một phần lịch sử. Một vị Chủ tịch tỉnh thì lưu dấu ấn lịch sử sâu đậm hơn bởi trọng trách phải gánh vác. Nói một cách khái quát như vậy để ghi nhớ công lao đóng góp của ông trong tiến trình lịch sử Phú Yên.

 

Tôi có vinh dự lần đầu tiên được gặp ông tháng 11/1981. Lúc ấy, tôi là thư ký của bác Cao Xuân Thiêm (nhà thơ Văn Công, lớp trẻ hay gọi thân mật là bác Sáu Công) - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh. Tôi được bác Sáu Công cử đi khảo sát cơ sở vật chất các trường học vùng kinh tế mới để báo cáo lãnh đạo những thông tin chuẩn xác từ cơ sở. Lúc ấy, đồng chí Nguyễn Tường Thuật (chúng tôi gọi thân mật là chú Bốn Thuật) là Trưởng Ban Kinh tế mới - Định canh định cư tỉnh Phú Khánh yêu cầu tôi có một nhận xét ngắn. Thời ấy khó khăn gay gắt nhưng Nhà nước vẫn dốc sức đầu tư bao cấp trọn gói cho giáo dục từ hệ mầm non đến đại học. Vừa ra khỏi chiến tranh, lại tiếp tục chiến tranh hai đầu biên giới, mà vẫn nỗ lực thực hiện khát vọng của Bác Hồ “Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” là điều thiên nan vạn nan. Lúc ấy trẻ người non dạ, tôi nao lòng chứng kiến những mái trường tranh tre, mưa dột tứ giăng, gió lùa trống hoác và buột miệng nói rằng: “Không thể dùng từ nào khác hơn là thảm hại và nhếch nhác”. Chú Bốn Thuật đăm chiêu, lộ vẻ không vui.

 

16 tháng sau, tháng 4/1983 chú Bốn Thuật được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh phụ trách nông lâm nghiệp. Gặp tôi ở Văn phòng UBND tỉnh, ông tươi cười: “Đã cơ bản ngói hóa các trường vùng kinh tế mới”.

 

Thời gian làm chuyên viên nghiên cứu Văn phòng UBND tỉnh Phú Khánh, tuy không trực tiếp giúp việc nhưng thỉnh thoảng đi công tác ra phía bắc tỉnh, chú Bốn Thuật yêu cầu tôi đi cùng để hầu chuyện với ông về văn chương, lịch sử và nghe ông tâm tình nhiều điều về quá trình hoạt động.

 

Cũng như các bậc tiền bối của thời quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, năm 16 tuổi ông tham gia du kích và cuối chiến tranh chống Pháp là Tiểu đội trưởng du kích, thuộc diện được tập kết ra Bắc.

 

Trên đất Bắc, ông tham gia lực lượng thanh niên xung phong Trung ương, rồi trở thành công nhân Tổng cục Bưu điện, học viên Trường Công an Trung ương, học viên Trường Cán bộ lý luận và nghiệp vụ Bộ Văn hóa, học viên Trường Thanh vận Trung ương, là công nhân thứ thiệt ở nhiều công trường trên đất Bắc, là Bí thư Đoàn thanh niên Nhà máy gỗ ván Cầu Đuống (Hà Nội).

 

Cuối năm 1964, ông được phân công vào chiến trường Phú Yên và trải qua nhiều cương vị như Bí thư Huyện đoàn Đồng Xuân, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đồng Xuân, Chính trị viên Huyện đội Đồng Xuân, giáo viên Trường Đảng tỉnh Phú Yên, Bí thư, Đảng ủy Mặt trận - Dân vận tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, sĩ quan quân giải phóng Phú Yên trong Ban Liên hiệp quân sự 4 bên và 2 bên, Thường trực Ban nghiên cứu đấu tranh thi hành Hiệp định Paris…

 

Sau ngày giải phóng, ông là Bí thư Tỉnh đoàn đầu tiên của tỉnh Phú Khánh, sau đó là Trưởng Ban Kinh tế mới - Định canh định cư tỉnh và từ tháng 4/1983 là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh. Tháng 7/1989 ông là Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 1989-1994. Trước đó, từ năm 1970, ông là Tỉnh ủy viên và liên tục là Tỉnh ủy viên cho đến khi tái lập tỉnh có cương vị cao hơn.

 

Một cuộc đời đi qua bão táp hai cuộc chiến tranh, đã trải tuổi xanh xây dựng hòa bình trên đất Bắc và tận lực cống hiến 19 năm trong xây dựng hòa bình… hẳn nhiên đóng góp nhiều công lao cho quê hương, đất nước.

 

Đặc biệt, ông dành tình cảm sâu đậm với giới báo chí, văn nghệ sĩ. Lúc mới tái lập tỉnh, ngân sách vô cùng eo hẹp nhưng ông và bác Huỳnh Trúc (Phó Bí thư Tỉnh ủy) vẫn quyết định xây 10 căn nhà khang trang của thời điểm ấy dành cho giới báo chí, văn nghệ sĩ. Lúc còn ở tập thể ở Công ty Xây dựng thủy lợi ở sân bay Tuy Hòa, những tối cuối tuần ông hay gọi tôi cùng các nhà báo Hà Nam, Kỳ Linh lên nhà và kiên nhẫn nghe chúng tôi nói huyên thuyên về muôn mặt đời thường của quê nhà thời mới tái lập tỉnh. Hà Nam thì chừng mực trong phát ngôn, rất được ông ưu ái, còn Kỳ Linh và tôi thì bỗ bã ngang ngay sổ thẳng thế mà ông vẫn quý, vẫn thương.

 

Sau khi nghỉ hưu, cũng như nhiều vị tiền bối khác, tôi triệt để khai thác ông nhiều tư liệu để tuyên truyền về truyền thống lịch sử, văn hóa quê nhà. Ông có trí nhớ cực kỳ minh mẫn, viết lách có nghề, để lại cho đời 4 tác phẩm đã xuất bản và thỉnh thoảng ngẫu hứng làm thơ từ thời ở chiến khu cho đến tuổi ngoài tám mươi.

 

Năm ngoái, ông giúp đỡ chúng tôi rất nhiều tư liệu quý giá để biên soạn truyền thống thanh niên xung phong Phú Yên. Ông thường xuyên động viên tôi cùng các cộng sự nghiên cứu sâu hơn về văn hóa lịch sử Phú Yên và đặc biệt là vùng đất Đồng Xuân - quê hương ông, với nhiều gợi ý cụ thể chi tiết.

 

Vĩnh biệt ông - vĩnh biệt một tấm lòng luôn trăn trở để quê hương vươn tới hai chữ Phú và Yên.

 

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek