Tối ngày 11/11, tại Nhà văn hóa Lao động (TP Tuy Hòa), đồng chí Đào Tấn Lộc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Kim Anh; Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Lam; Bí thư Tỉnh đoàn Trần Hữu Thế đã dành hơn hai giờ đồng hồ để lắng nghe và trao đổi với 250 đại biểu về dự Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tỉnh Phú Yên lần thứ VII (nhiệm kỳ 2007-2012).
Nội dung buổi giao lưu xoay quanh các vấn đề về công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trẻ, hệ thống dự án lớn của Đoàn, chủ trương xã hội hóa công tác thanh niên, việc làm và sân chơi cho đoàn viên thanh niên…
Các vị khách trả lời câu hỏi của đại biểu |
CẦN CHĂM LO HƠN NỮA CHO THANH NIÊN
Không khí buổi đối thoại khá cởi mở, các đại biểu (ĐB) đặt câu hỏi cho từng vị khách tham gia giao lưu. Nhiều ý kiến tập trung về vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm và sân chơi cho giới trẻ.
Đánh giá về công tác Đoàn và phong trào thanh niên tỉnh nhà trong thời gian qua, cũng như định hướng trong thời gian đến, đồng chí Đào Tấn Lộc đã nhấn mạnh, trong 5 năm qua (2002-2007) chúng ta đã làm tốt công tác phát huy tinh thần xung kích của thanh niên (TN) trong nhiệm vụ xây dựng kinh tế, xã hội nhưng chưa chăm lo tới nơi tới chốn quyền lợi của TN. Đồng chí Đào Tấn Lộc biểu dương tinh thần tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng của TN Phú Yên qua các phong trào và những phần việc in dấu ấn được xã hội công nhận. Bí thư Tỉnh ủy cũng cho rằng những nhu cầu thiết thực của TN như: học hành, việc làm, vui chơi giải trí và những kỹ năng sống chưa được quan tâm đúng mức. Bí thư Tỉnh ủy tâm đắc với biện pháp đồng hành cùng TN để chăm lo cho thế hệ trẻ tốt hơn, đồng thời, bản thân mỗi TN cần phải giải quyết lợi ích chính đáng của mình, còn tổ chức Đoàn chỉ góp sức đồng hành, khơi gợi và tạo điều kiện để các bạn trẻ có cơ hội giải quyết nhu cầu chính đáng đó. Tuy nhiên, để phong trào Đoàn và công tác thanh thiếu nhi ngày càng khởi sắc và phát triển vững chắc thì tuổi trẻ tỉnh nhà phải là đội quân tiên phong, phải trau dồi tri thức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tu dưỡng đạo đức, nâng cao ý thức trách nhiệm trước nhân dân, cộng đồng, tập thể và với chính bản thân và gia đình… Muốn làm được điều đó thì không phải chỉ có tổ chức Đoàn, Hội làm được, mà phải có sự lãnh đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp thông qua việc phát động phong trào rộng rãi, phong phú thu hút các đối tượng thanh niên tham gia, gắn với quyền lợi chính đáng của họ. Qua đó, giáo dục lý tưởng, bồi dưỡng lối sống, nhân cách cho TN, sẵn sàng đem sức trẻ xây dựng quê hương đất nước, đồng chí Đào Tấn Lộc nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Xuân Đạt (Sông Cầu) đặt câu hỏi với các vị khách mời |
Đặt câu hỏi với Phó Chủ tịch Lê Kim Anh, ĐB Võ Nguyên Hòa, Đoàn cơ sở Đại học Phú Yên đưa ra vấn đề về chính sách vay vốn hỗ trợ học tập và đã lấy thực tế của bản thân để minh chứng thêm cho việc sự dụng, chính sách hỗ trợ, thu hút nhân lực. Đồng chí Lê Kim Anh đã thông tin thêm về chương trình phát triển nguồn nhân lực trẻ theo tinh thần Nghị quyết tỉnh Đảng bộ khóa XIV nhằm phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ trên mọi lĩnh vực. Với 150 người trình độ đại học đưa đi đào tạo sau đại học trong và ngoài nước; qui hoạch và đào tạo cán bộ trẻ cấp huyện, cấp tỉnh là phải có trình độ đại học và cao cấp chính trị. Nếu thiếu thì phải tổ chức đưa đi đào tạo sao cho đạt yêu cầu. Đồng chí Lê Kim Anh, còn cam kết khi cung cấp số máy di động của mình để các ĐB, ĐVTN, những người cần có nhu cầu về vốn vay để học tập mà nếu không được giải quyết thì sẽ thông tin để lãnh đạo UBND tỉnh sớm can thiệp và giải quyết dứt điểm không để một HS-SV nào không có tiền khi đi học các trường Cao đẳng- Đại học trong cả nước. Ông cũng thông tin thêm về việc xuất khẩu lao động, đào tạo nghề của các trung tâm giới thiệu việc làm trong tỉnh.
Đặt câu hỏi đối với Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Lam, ĐB Trần Xuân Đạt, huyện Sông Cầu hỏi: “Dự án 1 tỷ USD của TƯ Đoàn đang trình Chính phủ chừng nào sẽ triển khai, và nguồn vốn đó có đến được với đông đảo ĐVTN ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa hay không?” Bí thư TƯ Đoàn Nguyễn Lam cho biết, gần đây, T.Ư Đoàn cùng Bộ LĐ - TB&XH ký trình với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đề án “Tư vấn, đào tạo và giải quyết việc làm cho TN” đến năm 2015 (báo chí thường gọi là đề án 1 tỷ USD) trong đề án đó có 2 nội dung: Cơ chế chính sách để TN được vay vốn học nghề, để các cơ sở được vay đào tạo nghề cho TN, vay đi xuất khẩu lao động; Tư vấn hướng nghiệp, nâng cao năng lực, giải quyết việc làm cho TN. Theo Bí thư TƯ Đoàn Nguyễn Lam, nếu đề án được thông qua sẽ giúp cho TN ở tất cả các vùng miền được tạo cơ hội có công ăn việc làm. Tuy nhiên, chỉ có 98% từ nguồn vốn này để cho vay, còn lại 2% là để nâng cấp các trung tâm dạy nghề địa phương.
Bí thư Tỉnh đoàn Trần Hữu Thế trao tặng phẩm cho các tác giả dự thi " Thư gởi Đại hội Đoàn"
ĐB Nguyễn Văn Quảng, Đoàn Bộ đội Biên phòng Phú Yên đặt câu hỏi với Bí thư Tỉnh đoàn Trần Hữu Thế về vấn đề giải quyết việc làm cho ĐVTN hiện nay và trong thời gian đến. Bí thư Tỉnh đoàn Trần Hữu Thế thẳng thắn nhìn nhận rằng tình hình TN thiếu việc làm, thu nhập không ổn định đang có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, để đến cuối năm 2012, cơ bản xoá được đói, giảm nghèo trong thanh niên và gia đình trẻ ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng xa và cải thiện đời sống thanh niên khu vực thành thị, theo Bí thư Tỉnh đoàn, cần phải giảm dần số thanh niên thất nghiệp ở khu vực đô thị, nâng tỷ lệ thời gian có việc làm trong năm cho thanh niên ở khu vực nông thôn miền núi. Chính vì vậy, song song với việc giải quyết việc làm, cần nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, tay nghề, hình thành nếp học tập thường xuyên cho thanh niên. Đồng thời, tăng cường mở rộng hoạt động tư vấn nghề và hướng nghiệp, chú trọng địa bàn nông thôn, miền núi, giúp thanh niên có nhận thức đúng về lao động và nghề nghiệp, gắn với hoạt động của Đoàn cơ sở, Bí thư Tỉnh đoàn Trần Hữu Thế nhấn mạnh.
Phó Bí thư Hồ Hồng Nam tặng hoa cho các vị khách mời tham gia buổi giao lưu |
CÓ HAY KHÔNG “BỆNH”THÀNH TÍCH TRONG ĐOÀN?
Việc triển khai một số chương trình cấp T.Ư nhiều lúc chậm hơn so với cơ sở, ĐB Lê Chăm Thư, đoàn Sơn Hòa đặt câu hỏi với đồng chí Nguyễn Lam: “Anh có cho rằng công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi hiện nay còn nặng hình thức và có bệnh thành tích hay không? Nếu có thì có cần làm cuộc vận động “hai không” như ngành giáo dục hay không?” Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Lam cho rằng: “Bệnh thành tích và những báo cáo không trung thực thì ở ngành nào cũng có. Người ta còn định nghĩa vui là, số liệu là... liệu mà cho số! Vì thế là người có trách nhiệm với công việc thì phải sâu sát...” Theo đồng chí Nguyễn Lam, nếu cán bộ Đoàn không dũng cảm nhìn nhận những thiếu sót, yếu kém để nỗ lực học hỏi với tinh thần cầu thị thì không những ảnh hưởng đến uy tín của Đoàn mà còn làm hại chính họ. Cuộc sống luôn đòi hỏi sự tiến bộ và sẽ đào thải những ai lạc hậu, không có trình độ để theo kịp thời đại. Chúng ta nhìn thẳng vào yếu kém vì xã hội thay đổi rất nhiều rồi, nếu tổ chức Đoàn chậm thay đổi thì mỗi cán bộ Đoàn phải suy nghĩ về những thách thức đó. Vấn đề này được nêu ra trước đại hội để mỗi ĐVTN cùng nhau suy nghĩ, tìm cách và hiến kế. Ngược lại, đối với cơ sở, cũng luôn phải sáng tạo trong mọi mặt công tác. Ở nhiều nơi, trung ương nói như thế nào thì đến tỉnh, xuống huyện rồi cấp xã cũng nói như vậy thì không thể giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.
Cùng với các vấn đề trên là ĐB Lê Chăm Thư, huyện Sơn Hòa đã đặt câu hỏi về vấn đề phụ cấp cho cán bộ Đoàn thôn, buôn, khu phố; Việc giải quyết và tạo sân chơi cho thanh thiếu nhi vùng xa… và nhiều câu hỏi khác xung quanh về vấn đề công tác Đoàn, Hội, Đội… lần lượt đã được các vị khách mời giải đáp một cách thỏa đáng. Bằng chứng dễ nhận thấy là các ĐB đã chăm chú và thường xuyên vỗ tay tán thưởng trước phần trả lời thẳng thắng và bản thân những người đặt câu hỏi cũng rất hài lòng.
VĂN TÀI