Vị trí, vai trò quan trọng của cơ sở thì ai cũng biết. Do vậy mà phương châm “hướng về cơ sở” đã được ngành ngành, cấp cấp đề ra trong tất cả các chương trình hành động của mình. Song thực tiễn “hướng về cơ sở” nhiều lúc, nhiều nơi chưa thật sự đúng với ý nghĩa của nó, cơ sở trở thành nơi để cấp trên thoái thác trách nhiệm.
“Hướng về cơ sở” có nơi là trút hết” cho cơ sở không phải trút hết quyền lợi mà trút hết công việc, trút hết trách nhiệm. Công việc nào cũng quan trọng, cũng khống chế thời gian, nếu không thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ thì coi như thi đua yếu kém!
Cơ sở là cái gốc chứ không phải là túi đựng. Đã là gốc thì cần thiết phải nuôi gốc bền lâu, phát triển. Thế nhưng, không ít ngành, cấp trên hướng về cơ sở là để cho có, còn những công việc cụ thể có làm được hay không và làm như thế nào thì tùy các đồng chí cơ sở… nghiên cứu!
Cơ sở nhiều việc là vậy, quan trọng là vậy, khổ là vậy, song sự đầu tư và quan tâm của cấp trên lại chưa đúng mức. Công việc ngập đầu nhưng lại ít con người, ít phương tiện, điều kiện, thời gian, kinh phí để thực hiện công việc, lại ít được khen! Vì thế nhiều công việc bị tồn đọng, thậm chí cóù công việc không thể triển khai được.
“Hướng về cơ sở” chính làø giúp đỡ, tạo điều kiện cho cơ sở hoàn thành nhiệm vụ. “Hướng về cơ sở” không có nghĩa là mọi việc đều giao về cơ sở và chờ cơ sở. Trong khi đó, cấp trên cơ sở (huyện, thành phố, ngành chỉ làm công việc trung gian, nhưng lại thể hiện “tài năng” truyền giảng và đổ lỗi.
Thiết nghĩ, “hướng về cơ sở” chính là để cơ sở thực sự phát triển, vững mạnh. Cơ sở không cần khẩu hiệu mà cần trả lại đúng vị trí là “gốc” của công việc, gốc của sự bền vững.
TRẦN NGỌC