Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa VII, các vấn đề về nước sạch nông thôn, 167 giáo viên không được nâng ngạch và y đức đối với đội ngũ y, bác sĩ đã được các đại biểu “mổ xẻ” làm rõ.
Nhiều công trình nước không hoạt động
* Đến nay, Phú Yên đã đầu tư 89 công trình nước tập trung nông thôn, trong đó có 36 công trình hiệu quả, 20 công trình hoạt động trung bình, 18 công trình kém hiệu quả và 14 công trình không hoạt động. Đại biểu Đặng Quang Anh (đơn vị bầu cử số 6) và đại biểu Đặng Thị Hồng Nga (đơn vị bầu cử số 8) chất vấn Giám đốc Sở NN-PTNT lý do nhiều công trình cấp nước tập trung hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động, gây lãng phí; giải pháp khắc phục để các công trình nước tập trung nông thôn phát huy hiệu quả theo hướng bền vững?
- Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Trọng Tùng cho biết: Từ năm 1990 đến nay, trên địa bàn tỉnh có kênh nguồn đầu tư cho công trình cấp nước tập trung nông thôn, trong đó có nhiều công trình không có kinh phí để nâng cấp, sửa chữa nên đã xuống cấp. Giai đoạn 2011-2015, tỉnh Phú Yên cần khoảng 304 tỉ đồng, nhưng Trung ương chỉ hỗ trợ khoảng 87,7 tỉ đồng theo Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, trong khi ngân sách tỉnh không đảm bảo để lồng ghép thực hiện. Đối với 14 công trình nước tập trung không hoạt động, tổng giá trị đầu tư khoảng 14,8 tỉ đồng. Các công trình này không cấp nước liên tục 3 tháng/năm, các sở, ngành chức năng đã đánh giá giá trị còn lại của 14 công trình này khoảng 5,7 tỉ đồng. Mặt khác, nguồn thu từ các công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh hầu hết chưa đủ chi cho công tác vận hành, bảo dưỡng công trình. Khối lượng sử dụng nước của các hộ dân nông thôn hàng tháng rất ít, các tuyến ống nước quá dài, địa hình phức tạp nên khi xảy ra sự cố vỡ đường ống thì rất khó phát hiện; công tác quản lý và vận hành còn nhiều yếu kém, trong khi nguồn vốn hỗ trợ cho công tác duy tu, bảo dưỡng hàng năm không có…
Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ NN-PTNT xây dựng kế hoạch chương trình đầu tư công giai đoạn 2016-2020 về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh, với nhu cầu vốn khoảng 618 tỉ đồng. Sở cũng đã đề xuất chủ trương đầu tư dự án Cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020; đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá lại việc thiếu nước sinh hoạt của nhân dân ở các địa phương; đề xuất giải pháp để việc cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn ổn định. Đơn vị đã lập danh mục công trình để kêu gọi đầu tư, nâng cấp, quản lý khai thác công trình cấp nước từ các ngồn vốn xã hội hóa, nhưng đến nay vẫn chưa có tổ chức, cá nhân nào đăng ký tham gia. UBND tỉnh đã ra quyết định cho phép thanh lý 5 công trình cấp nước tập trung ở địa bàn huyện Sơn Hòa, với lý do hiện trạng nguồn nước đã cạn kiệt, không có nguồn nước bổ sung, công trình không hoạt động. Đối với các công trình sau đầu tư và qua thời gian sử dụng đến nay hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động còn lại, Sở NN-PTNT phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan tham mưu cho UBND tỉnh để huy động các nguồn vốn xã hội, đầu tư khắc phục, sửa chữa và đề xuất thanh lý đối với các công trình không thể khắc phục. Dự kiến, từ nay đến năm 2020 cơ bản khắc phục các tồn tại, hạn chế đối với các công trình cấp nước nông thôn tập trung hoạt động kém hiệu quả và không hiệu quả. Sở NN-PTNT tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại phiên chất vấn và sẽ xây dựng các giải pháp nhằm phát huy tính hiệu quả theo hướng bền vững đối với các công trình nước tập trung nông thôn.
Cần bảo vệ quyền lợi 167 giáo viên
* Đại biểu Đặng Quang Anh (đơn vị bầu cử số 6) chất vấn Giám đốc Sở Nội vụ Đặng Lê Tiến về 167 viên chức ngành Giáo dục huyện Đông Hòa đủ điều kiện xét nâng ngạch từ năm 2012, nhưng không được thực hiện, trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp khắc phục?
- Giám đốc Sở Nội vụ Đặng Lê Tiến cho biết: Trước đây, việc nâng ngạch viên chức được thực hiện theo quy định tại Nghị định 116 ngày 10/10/2003 của Chính phủ quy định việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước và Nghị định 121 ngày 23/10/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định 116; Thông tư 02 ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức. Vận dụng những quy định trên, tỉnh Phú Yên thực hiện việc xét nâng ngạch cho viên chức đối với viên chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vị trí công tác phù hợp với ngạch và còn ngạch trên trong cùng ngành chuyên môn. Ngày 12/4/2012, Chính phủ ban hành Nghị định 29 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/6/2012 và bãi bỏ các nghị định 116 và 121. Theo quy định của Nghị định 29, viên chức được xếp theo hạng chức danh nghề nghiệp, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao được thực hiện không qua thi tuyển hoặc xét tuyển.
Đối với trường hợp của 167 viên chức giáo viên huyện Đông Hòa, ngày 6/6/2012, UBND huyện này có công văn đề nghị nâng ngạch. Tuy nhiên, thời điểm đề nghị của UBND huyện Đông Hòa sau ngày 1/6/2012 là thời điểm Nghị định 29 có hiệu lực thi hành. Mặc dù, trước ngày 1/5/2012, lãnh đạo Sở Nội vụ đã làm việc với lãnh đạo huyện Đông Hòa để đôn đốc sớm hoàn tất thủ tục nâng ngạch cho giáo viên đủ điều kiện trên địa bàn. Việc UBND huyện Đông Hòa chậm trễ đề nghị nên Sở Nội vụ không có cơ sở xét nâng ngạch cho số giáo viên này. Ngày 17/7/2012, Sở Nội vụ có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Nội vụ về vấn đề này, tuy nhiên Bộ Nội vụ yêu cầu thực hiện theo đúng quy định của Nghị định 29. Ngày 8/1/2012, Sở Nội vụ có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND tỉnh cũng đồng quan điểm như Bộ Nội vụ. Sở Nội vụ đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm, việc 167 viên chức giáo viên huyện Đông Hòa không được nâng ngạch là thuộc trách nhiệm của UBND huyện Đông Hòa.
Tám giải pháp chấn chỉnh y đức
* Cử tri và đại biểu HĐND tỉnh khóa VII chất vấn Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Mộng Ngọc về thái độ khám chữa bệnh, phục vụ đối với một số y bác sĩ tại các bệnh viện trong tỉnh và các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân vừa khám bệnh, vừa bán thuốc.
- Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Mộng Ngọc cho biết: Trong những năm qua, bên cạnh việc chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt các quy chế chuyên môn, sở cũng rất quan tâm đến công tác giáo dục y đức, chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân của cán bộ y tế, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn một tỉ lệ không nhỏ (khoảng 3-7%) người bệnh chưa hài lòng về tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ y bác sĩ. Sở Y tế đã đề ra tám giải pháp: Một là, tiếp tục giáo dục y đức, giáo dục quy tắc ứng xử cho toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành. Hai là, tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng giao tiếp cho từng nhóm y, bác sĩ phù hợp với vị trí việc làm. Ba là, tạo môi trường làm việc thân thiện với bố cục hợp lý, tác phong chuẩn mực, trang phục đúng quy định; cải tiến quy trình khám chữa bệnh để rút ngắn thời gian chờ đợi. Bốn là, triển khai các dịch vụ kỹ thuật mới, hiện đại giúp chẩn đoán bệnh chính xác, điều trị hiệu quả. Năm là, phát huy vai trò của tổ chăm sóc khách hàng và đội tiếp sức người bệnh. Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, gắn với công tác thi đua khen thưởng kịp thời và xử lý kỷ luật nghiêm minh. Bảy là, tiếp tục duy trì có hiệu quả hoạt động của đường dây nóng. Tám là, phân công trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị trong việc tổ chức thực hiện và kết quả thực hiện.
Đối với các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân vừa khám bệnh, vừa bán thuốc là trái với quy định của ngành Y tế. Nếu vi phạm, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, trừ người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Thời gian qua, Sở Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đến các đơn vị y tế trong và ngoài công lập thực hiện nghiêm quy định này. Qua theo dõi, Sở Y tế thấy rằng, phần lớn các bác sĩ đều thực hiện nghiêm quy định này. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại tình trạng bác sĩ vừa khám bệnh vừa bán thuốc cho bệnh nhân. Để chấn chỉnh tình trạng này, Sở Y tế phối hợp với phòng Y tế các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh thường xuyên kiểm tra lĩnh vực hành nghề khám chữa bệnh tư nhân. Năm 2016, Sở Y tế đã thanh, kiểm tra hơn 20 cơ sở khám bệnh, đã thu hồi 2 giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh vi phạm.
ANH NGỌC - THÙY THẢO