Chiều 14/12, ngày làm việc thứ hai, Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa VII, các đại biểu tập trung thảo luận tổ với nhiều vấn đề kinh tế - xã hội của tỉnh và đưa ra những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, ổn định đời sống cho nhân dân… Báo Phú Yên lược ghi một số ý kiến, kiến nghị của đại biểu tại phiên thảo luận tổ.
ĐẠI BIỂU NGUYỄN CHÍ HIẾN, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC UBND TỈNH: Phấn đấu có sự đột phá trong năm 2017
Năm 2016, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ tập trung triển khai quyết liệt các chương trình hành động, nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và các giải pháp chỉ đạo, điều hành theo Nghị quyết 01 của Chính phủ, nên tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh ổn định và có một số mặt phát triển. Đó là, năng suất, sản lượng một số cây trồng, vật nuôi cơ bản ổn định; sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, giá trị sản xuất tăng khá. Đồng thời, các ngành dịch vụ có sự phát triển về quy mô và chất lượng; công tác đầu tư xây dựng được tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục, nhất là thủ tục đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Các hoạt động “Năm doanh nghiệp Phú Yên 2016” được tổ chức bước đầu đã mang lại hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược vào địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách cho các đối tượng theo quy định cũng được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Các lĩnh vực GD-ĐT, y tế, văn hóa, thông tin, TDTT đều có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh chính trị được giữ vững, quốc phòng được củng cố và tăng cường; tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí. Đặc biệt là việc tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021... Cụ thể, có 14/16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,45% (KH 7,4%); thu ngân sách trên địa bàn 3.235 tỉ đồng (KH 3.200 tỉ đồng), tăng 1%; mức giảm tỉ lệ hộ nghèo 2,3% (KH 2%)...
Tuy nhiên, hai chỉ tiêu: tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, kim ngạch xuất khẩu không đạt kế hoạch đề ra; cơ cấu lại ngành Nông nghiệp chưa triển khai quyết liệt, còn lúng túng; tiến độ của nhiều công trình xây dựng còn chậm; công tác khám, chữa bệnh và quản lý dịch vụ ở một số cơ sở y tế, bệnh viện còn yếu; thái độ, y đức của đội ngũ y, bác sĩ chưa được cải thiện đáng kể; tình hình an ninh, trật tự có lúc, có nơi còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp; chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh còn thấp...
Năm 2017, theo dự báo của Chính phủ, nền kinh tế thế giới sẽ có chuyển biến tích cực hơn. Đối với tỉnh ta, một số dự án có vốn đầu tư lớn đã và đang triển khai thực hiện; kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong tỉnh từng bước được nâng lên, cùng với những thành quả đạt được của tỉnh trong những năm vừa qua sẽ tạo động lực thúc đẩy để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Với những yếu tố thuận lợi này, năm 2017, tỉnh phấn đấu sẽ có những bước đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện tốt mục tiêu tổng quát và nhiệm vụ cụ thể đã đề ra, tỉnh đã yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị phải khẩn trương triển khai thực hiện; lựa chọn đúng nội dung trọng tâm, trọng điểm và làm tốt công tác chính trị tư tưởng, thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2017...
ĐẠI BIỂU TRẦN HỮU THẾ, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Khẩn trương rà soát, đánh giá thiệt hại do lũ lụt để có chính sách hỗ trợ kịp thời
Đợt lũ lụt đầu tháng 11/2016, hầu hết các vùng trũng thấp trên địa bàn tỉnh đều bị ngập lụt. Đợt thiên tai này có 7 người chết, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng, trong đó có khoảng 727.970 con tôm hùm bị chết, hơn 665ha nuôi thủy sản bị thiệt hại, gần 2.000ha lúa bị ngập úng, các công trình thủy lợi, giao thông bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng. Tổng thiệt hại do đợt lũ lụt này gây ra trên địa bàn tỉnh khoảng 400 tỉ đồng. Để khắc phục thiệt hại và ổn định sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ trước mắt cho Phú Yên 138 tỉ đồng để hỗ trợ dân sinh, khôi phục sản xuất, khắc phục các công trình thủy lợi bị hư hỏng do lũ lụt. Đợt lũ lụt vừa rồi, Phú Yên thuộc diện ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai, UBND tỉnh cũng đã ban hành chính sách quy định mức hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương liên quan tổ chức rà soát, đánh giá, tổng hợp thiệt hại báo cáo cho tỉnh để sớm thực hiện hỗ trợ theo quy định nhằm khôi phục sản xuất. UBND tỉnh cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh có tham gia cho nông dân vay vốn sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, có chính sách khoanh nợ, xóa nợ theo quy định và cho vay mới để khôi phục sản xuất. Về lâu dài, đối với vùng nuôi thủy sản ở đầm Cù Mông (TX Sông Cầu), UBND tỉnh đang đề xuất Trung ương hỗ trợ đầu tư để xây kè nhằm giảm thiểu lượng nước lũ đổ trực tiếp vào khu vực nuôi trồng thủy sản.
ĐẠI BIỂU TRẦN VĂN HẠT, TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ HĐND TỈNH: Cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các cấp trong phòng chống tham nhũng
Với sự nỗ lực cố gắng của nhân dân trong toàn tỉnh và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là việc tập trung triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nên tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2016 nói chung, công tác quốc phòng - an ninh; công tác nội vụ, cải cách hành chính nhà nước; công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí nói riêng đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, Ban Pháp chế HĐND tỉnh nhận thấy vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần được tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong thời gian đến. Đó là, tội phạm ma túy còn diễn biến phức tạp; công tác quản lý lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm chưa chặt chẽ, có lúc có nơi còn buông lỏng; cải cách hành chính chưa thực sự chuyển biến đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở, vẫn còn một số công chức, viên chức thiếu tinh thần trách nhiệm, có thái độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền; tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn tăng về số lượng so với cùng kỳ năm trước; việc triển khai Luật Tiếp công dân ở một số địa phương còn chậm; công tác phòng chống tham nhũng ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa xem là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách và lâu dài…
Trước tình hình đó, ban đã có những đề xuất, kiến nghị. Cụ thể, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội liên quan đến công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; chỉ đạo cơ quan công an các cấp đánh giá đúng thực trạng hoạt động của các loại tội phạm, xác định đúng tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm để triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh, trấn áp tội phạm; khắc phục kịp thời các đoạn đường, tuyến đường bị xuống cấp nghiêm trọng; thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính nhà nước trên 6 lĩnh vực theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ ở các cấp chính quyền, đặc biệt lưu ý cấp xã. Đồng thời đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo cho các địa phương, đơn vị; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
ĐẠI BIỂU LÊ NGỌC TÍNH, CHỦ TỊCH UBND HUYỆN PHÚ HÒA: Các chủ hồ thủy điện phải có trách nhiệm đối với người dân vùng hạ du khi xả lũ
Các địa phương ở vùng hạ du sông Ba, trong đó có huyện Phú Hòa, cứ vào mùa mưa lũ thì nhân dân rất lo lắng. Từ đầu năm 2016 đến nay, đã có hai đợt mưa lớn cộng với việc xả lũ lưu lượng lớn của các hồ thủy điện đầu nguồn đã làm cho vùng hạ du bị ngập lụt nặng nề, gây thiệt hại lớn, nhất là thiệt hại trong nông nghiệp. Đối với huyện Phú Hòa, đợt lũ lụt đầu tháng 11/2016, đã gây thiệt hại về hoa màu, vật nuôi, sạt lở và gây hư hỏng nặng đối với các công trình thủy lợi, giao thông, bồi lấp đất sản xuất… với tổng thiệt hại hơn 19 tỉ đồng. Đối với đợt lũ ngày 13-14/12, chưa thể thống kê thiệt hại được vì đến nay nước chưa rút. Qua hai đợt xả lũ vừa rồi, với trách nhiệm là người quản lý nhà nước ở địa phương, tôi nhận thấy, công tác thông tin xả lũ của hai hồ thủy điện Sông Ba Hạ và Sông Hinh với chính quyền địa phương là kịp thời, thường xuyên, phục vụ tốt cho công tác phòng tránh. Tuy nhiên, địa phương đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng giám sát chặt chẽ khi các hồ xả lũ theo quy trình đã được phê duyệt, trong đó cần quan tâm đến quy trình xả trước để đón lũ khi có dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn. Qua theo dõi các đợt lũ vừa qua, khi mưa lớn, lũ bắt đầu đổ về, các hồ thủy điện tranh thủ tích nước đạt đến cao trình, lúc đó các hồ thủy điện mới bắt đầu xả cộng với lượng nước mưa sẵn có tại địa phương nên gây ngập lụt ở vùng hạ du và gây thiệt hại nặng nề. Vấn đề thiệt hại của người dân ở vùng hạ du, đề nghị các chủ hồ thủy điện cũng phải có trách nhiệm hỗ trợ để nhân dân và các địa phương khắc phục hậu quả kịp thời, ổn định đời sống dân sinh và khôi phục sản xuất.
ANH NGỌC - THÙY THẢO (ghi)