Thứ Bảy, 30/11/2024 00:30 SA
Bí thư Huyện uỷ Sơn Hòa Trương Phước Cường:
Tăng cường cán bộ huyện về thôn, buôn: Nhiều cái lợi
Thứ Năm, 27/09/2007 10:35 SA

Từ tháng 3/2005, huyện miền núi Sơn Hoà thực hiện  đưa  cán bộ  cấp trưởng, phó phòng ban về nắm bắt tình hình hoạt động kinh tế- xã hội- an ninh quốc phòng tại các thôn, buôn. Đây cũng là huyện duy nhất của tỉnh cho đến nay tiến hành chủ trương này.

 

070926-TPC.jpg

Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa Trương Phước Cường -  Ảnh: H.CHƯƠNG

Từ tháng 3/2005,  huyện miền núi Sơn Hoà thực hiện  đưa  cán bộ  cấp trưởng, phó phòng, ban về nắm bắt tình hình hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng tại các thôn, buôn. Đây cũng là huyện duy nhất của tỉnh cho đến nay tiến hành chủ trương này. Trao đổi với Báo Phú Yên, Bí thư Huyện uỷ Sơn Hòa Trương Phước Cường cho biết:

 

- Thẳng thắn mà nói, đội ngũ cán bộ xã trong huyện nhìn chung còn nhiều bất cập, cán bộ thôn, buôn còn yếu hơn. Xác định cán bộ thôn, buôn có mạnh thì xã mới mạnh được, hơn 2 năm qua, chúng tôi đã đưa 85 đồng chí là lãnh đạo các phòng, ban về tìm hiểu và nắm bắt tình hình mọi mặt của 74 thôn, buôn trong huyện. Hiện mỗi thôn, buôn có bình quân từ 7 – 12 cán bộ. Nếu có thêm sự hỗ trợ  của cán bộ huyện thì rõ ràng, đội ngũ này sẽ gắn kết, hoạt động  đều tay hơn. Hàng tháng, mỗi cán bộ được phân công sẽ trực tiếp xuống cơ sở, tìm hiểu và nắm  đời sống kinh tế, sinh hoạt, giữ gìn an ninh trật tự của người dân  ở từng thôn, buôn. 

 

Đó có thể là chuyện sản xuất được mùa, mất mùa, thiếu nước sinh hoạt do nắng hạn, xoá mù chữ phổ cập tiểu học, thực hiện an toàn giao thông, những mâu thuẫn (nếu có) trong nội bộ nhân dân… ở các khu dân cư. Xong, mời cán bộ xã, cán bộ thôn, buôn đến để bàn biện pháp giải quyết cụ thể. Những vấn đề nào nếu không xử lý được thì cán bộ đó tập hợp lại, báo cáo về Văn phòng Huyện uỷ và Văn phòng UBND huyện trước ngày 25 hàng tháng. Vào ngày 30 hàng tháng, Ban Thường vụ Huyện uỷ họp định kỳ nên sẽ  cho chủ trương để cùng xã giải quyết những mắc mứu còn tồn tại mà cán bộ tăng cường đã báo cáo.

 

Hàng quý, chúng tôi  tổ chức sơ kết, đánh giá những mặt được và chưa được của chủ trương để rút kinh nghiệm. Nhờ vậy, hơn hai năm qua, bộ mặt KT – XH các thôn buôn đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn ngày càng nâng cao hơn.

 

*  Thưa đồng chí, người dân được “hưởng lợi” từ  chủ trương đúng đắn nói trên của huyện, nhưng liệu chất lượng đội ngũ cán bộ thôn, buôn có được nâng lên?

 

- Có thể khẳng định rằng nhiều người  được “hưởng lợi” từ chủ trương này. Qua sự phối hợp giải quyết của cán bộ tăng cường, cán bộ xã, cán bộ thôn, buôn, những vấn đề mà người dân  quan tâm được xử lý nhanh và hiệu quả hơn. Nhờ vậy,   tình hình chính trị xã hội  ở cơ sở luôn ổn định, động viên bà con lo làm ăn nâng cao kinh tế gia đình, không nghe lời kích động sai trái  này nọ của bọn xấu. Qua quan hệ  trực tiếp với cán bộ tăng cường, cán bộ xã, cùng thảo luận, bàn bạc công khai dân chủ những vấn đề dân sinh thiết thân hàng ngày, cán bộ thôn, buôn tự tin hơn và cũng tiếp cận được nhiều kinh nghiệm công tác của cán bộ tăng cường để vận dụng trong thực tiễn.

 

070926-Son-hoi.jpg

Đưa cán bộ huyện về giúp thôn, buôn sẽ góp phần đẩy nhanh phát triển KT-XH, ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Trong ảnh: Một góc xã Sơn Hội (Sơn Hòa) hôm nay - Ảnh: N.LƯU

 

Trên cơ sở xử lý mối quan hệ công tác “tay ba”, cán bộ xã cũng phải nhìn lại vai trò, trách nhiệm của mình đối với việc điều hành, chỉ đạo từng thôn, buôn mà phấn đấu làm việc tốt hơn.  Còn cán bộ tăng cường thì rèn được phương pháp tiếp cận, nắm bắt thực tế cơ sở, rèn phong cách gần dân, trọng dân, lắng nghe và tìm cách  tham mưu hoặc trực tiếp cùng xã, thôn, buôn xử lý sao cho thoả đáng những nguyện vọng và cả những bức xúc chính đáng của nhân dân. Còn chúng tôi thì  được “hưởng lợi” gì? Đưa cán bộ về thôn, buôn cũng là nhằm tạo ra một kênh thu thập thông tin quan trọng bên cạnh các kênh khác của Huyện uỷ.

 

Có thể khẳng định rằng, nhiều thông tin do anh em cán bộ tăng cường gởi về đã giúp cho Thường trực Huyện uỷ  chỉ đạo, xử lý  đạt kết quả nhiều vấn đề đáp ứng yêu cầu thực tiễn.  Đưa cán bộ  về thôn, buôn cũng là một cách góp phần  thẩm định cái tâm, cái tầm của đội ngũ cán bộ huyện đối với chức trách được giao, rất có ích cho công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ.

 

* Ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số,  nếu cán bộ huyện tăng cường  mà không biết tiếng dân tộc thiểu số thì sẽ tìm hiểu,  xử lý công việc  như thế nào, thưa đồng chí?

 

- Hiện ở các xã có đông  đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện, cán bộ thôn, buôn là người Kinh cũng nhiều. Bên cạnh đó, cán bộ thôn, buôn là người dân tộc thiểu số  thông thạo tiếng Kinh cũng không ít. Trong tổng số cán bộ huyện  đưa về cơ sở hơn hai năm qua, có hơn 80% là người Kinh, còn lại là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều anh em cán bộ người Kinh, trong quá trình thâm nhập thực tế, đã tự tìm tòi học tập sử dụng ngôn ngữ của bà con. Nhờ vậy, khi tiếp xúc trực tiếp  sẽ thuận lợi hơn. Trong khi huyện chưa mở các lớp dạy tiếng đồng bào dân tộc thiểu số cho cán bộ thì chúng tôi luôn  khuyến khích anh em tự học để phục vụ cho công tác.

 

* Xin cảm ơn đồng chí Bí thư Huyện uỷ!

 

THẠCH BI SƠN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek