Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế... là những nội dung chính đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường chiều 3/11.
Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
Thảo luận vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng trong thời gian qua, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã rất cố gắng bằng những giải pháp quyết liệt kiềm chế sự gia tăng tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và dự kiến phát triển kinh tế-xã hội 2017, Chính phủ chỉ dành có 6 dòng nhận định về tình hình tai nạn giao thông năm 2016. Đó là các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông được tăng cường đạt hiệu quả so với cùng kỳ năm trước; số vụ tai nạn giao thông giảm 6,9%; số người chết giảm 1,6%; số người bị thương giảm 11%.
Đại biểu cũng băn khoăn về số liệu tai nạn giao thông trong các báo cáo của Chính phủ chưa thống nhất và đề nghị cần có sự chuẩn xác về số liệu số vụ tai nạn giao thông để có các giải pháp hữu hiệu; đồng thời Quốc hội cho bổ sung số liệu chuẩn xác vào báo cáo phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 của Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đánh giá báo cáo của Chính phủ đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, tuy nhiên chưa đầy đủ và còn thiếu cơ sở để xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân. Đại biểu nêu rõ số vụ vi phạm về trật tự an toàn giao thông ở một số địa phương còn cao. Nhiều phương tiện thô sơ, xe tự chế chở hàng cồng kềnh còn nghênh ngang trên đường, gây nhiều tai nạn nghiêm trọng. Việc bố trí, hoạt động của các trạm thu phí BOT chưa công khai minh bạch. Vẫn có dấu hiệu lợi ích nhóm, phí chồng phí khiến người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn...
Tai nạn giao thông chưa giảm đồng đều tại các địa phương, có đến 22 địa phương tăng về số lượng người chết do tai nạn giao thông. Còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe máy, xe thô sơ chở hàng cồng kềnh gây tai nạn chết người, gây bất an cho nhân dân.
Theo đại biểu, Chính phủ cần có chính sách thu hút nguồn lực để xã hội hóa công tác trật tự, an toàn giao thông, nhất là trật tự an toàn giao thông đường bộ; khuyến khích thành lập các doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp xã hội để chuyển giao một số nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trên cơ sở tổng kết Nghị quyết 16 về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cần đánh giá việc thực hiện chủ trương quy hoạch và di dời trụ sở các cơ quan hành chính, trường đại học, cao đẳng, bệnh viện lớn, cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài trung tâm…
Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng đề nghị Quốc hội tiếp tục đưa vào Nghị quyết về kinh tế - xã hội năm 2017 chỉ tiêu giảm từ 5-10% tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí và ở tất cả các địa phương trong cả nước.
Xác định năm 2017 là năm xây dựng văn hóa giao thông cho thanh thiếu niên và giao cho Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh làm nòng cốt thực hiện những đề xuất của Chính phủ đồng thời, quy định rõ trách nhiệm cấp ủy Đảng, người đứng đầu địa phương để cuối năm 2017 báo cáo Quốc hội việc xem xét, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc không hoàn thành chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội, đại biểu nói.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) đánh giá cáo sự điều hành của Chính phủ đã đổi mới, linh hoạt, quyết liệt, bám sát những định hướng cải cách thể chế kinh tế và tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược. Đặc biệt, Chính phủ đã tạo ra sự chuyển biến mới về nói đi đôi với làm; xây dựng Chính phủ kiến tạo, sáng tạo, minh bạch, liêm chính, tạo niềm tin của nhân dân. Kinh tế - xã hội năm 2016 có nhiều chuyển biến, đạt nhiều kết quả tích cực như đã nêu trong báo cáo của Chính phủ.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần phân tích, đánh giá sâu hơn về hai chỉ tiêu sẽ không đạt được theo kế hoạch đặt ra là chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độc tăng trưởng tổng kim nghạch xuất khẩu. Chính phủ cần cụ thể hóa các giải pháp, đồng thời làm rõ các vấn đề nêu nhiều lần nhưng chậm chuyển biến như: phát triển công nghiệp hỗ trợ, xử lý nợ xấu, sự cố môi trường, ùn tắc giao thông, ngập nước ở đô thị lớn.
Việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chưa thực chất, tỉ trọng vốn Nhà nước nắm giữ sau cổ phần hóa lớn không thay đổi được mô hình quản trị doanh nghiệp. Tổng doanh nghiệp thoái vốn trong 5 năm qua chỉ khoảng 1% vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 1,2 triệu tỉ. Kiên quyết xử lý các dự án đầu tư lớn hoạt động thua lỗ, thiếu các giải pháp hướng tới nâng cao năng suất lao động. Đổi mới sáng tạo, kết nối khu vực trong nước và khu vực FDI; nâng cao chất lượng quản trị và nợ công.
Bên cạnh đó, trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế Chính phủ, cần lấy tăng năng suất lao động để thúc đẩy nội lực nền kinh tế, góp phần đổi mới mô hình tăng tưởng, tái cơ cấu nền kinh tế đủ sức cạnh tranh trong điều kiện hiện nay.
Theo đại biểu, năng suất lao động của Việt Nam đang thấp so với khu vực, chỉ xấp xỉ bằng Lào và cao hơn so với Myanmar và Campuchia. Với tốc độ tăng năng suất lao động như hiện nay thì đến năm 2038, Việt Nam mới đuổi kịp Philippines và năm 2069 mới bắt kịp Thái Lan. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm đến nguồn nhân lực và có giải pháp để tăng năng suất lao động. Trong đó, muốn tăng năng suất lao động cần có yếu tố con người - tức nguồn lực nhân lực chất lượng cao là quan trọng nhất.
Vấn đề này, đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa) cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế với 7 mục tiêu phải đạt được vào năm 2020 và hoàn thành 3 nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu (tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tổ chức tín dụng). Đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến tái cơ cấu nguồn nhân lực.
"Nếu chúng ta tái cơ cấu được nguồn nhân lực thì đây chính là một nhân tố quan trọng để quyết định cho việc thành công trong tái cơ cấu nền kinh tế của đất nước. Đây cũng chính là nguyên nhân để thúc đẩy tăng năng suất lao động. Năng suất lao động cũng là chỉ tiêu chất lượng đánh giá hiệu quả quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của đất nước", đại biểu Lợi nêu rõ.
Tái cơ cấu kinh tế là nội dung lớn, quan trọng và cấp bách
Phát biểu tại hội trường về vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Trà Vinh) nhấn mạnh tái cơ cấu kinh tế thì phải thay đổi tư duy. Không chỉ là nguồn vốn mà cần trả lời những câu hỏi về thị trường, nguồn lực con người, ứng dụng khoa học công nghệ. Về vốn, trong điều kiện ngân sách trong thời gian tới sẽ cắt giảm chi, khi nợ công còn cao, do đó nguồn vốn trong dân cần có giải pháp huy động, phát huy tốt. Về vốn nước ngoài thì kiều hối rất đáng quan tâm, nếu tận dụng tốt thì đây là nguồn vốn rất lớn bên cạnh ODA.
Để thu hút vốn đầu tư nước ngoài mang lại hiệu quả cao, hiện có 116 nước đang đầu tư tại Việt Nam, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Trà Vinh) cho rằng trong thời gian tới, nên tập trung xúc tiến đầu tư với những đối tác đầu tư lớn và có tiềm năng nhất.
Về nguồn nhân lực, đại biểu cho rằng Việt Nam có nguồn nhân lực vô cùng quý giá, là lợi thế vô cùng quan trọng. Lao động của Việt Nam cần cù, sáng tạo, có chi phí không cao, có lợi thế lớn về cạnh tranh. Vì vậy, trong thời gian tới phải tăng cường tối đa sử dụng nguồn lực con người. Phát huy nguồn lực con người phải là ưu tiên số 1 để tái cơ cấu nền kinh tế.
Về tái cơ cấu kinh tế vùng, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần thảo luận về định hướng chính sách đầu tư cho vùng đang phát triển hay đầu tư cho vùng khó phát triển. Đại biểu lấy ví dụ hiện chỉ 7 địa phương là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai đã tạo ra trên 53% GDP của cả nước, 71% thu ngân sách và 50% giá trị xuất khẩu cả nước.
Từ thực tiễn đó, đại biểu cho rằng rất cần có chính sách thích đáng để các trung tâm kinh tế động lực vùng phát triển, từ đó tăng cường liên kết vùng, tăng đóng góp cho ngân sách.
"Vì sao các vùng kinh tế phối hợp kém hiệu quả? Mỗi tỉnh do một tỉnh ủy và UBND tỉnh lãnh đạo. Kết quả kinh tế - xã hội của tỉnh một mình tỉnh đó hưởng. Không có ai lãnh đạo chung một vùng và kết quả của một vùng được hưởng. Vì vậy, xu hướng là mạnh ai nấy làm. Như vậy, để triển khai tái cơ cấu vùng phải có hợp tác ba bên. Đó là hai sự hợp tác công và một sự hợp tác tư. Công là chính quyền địa phương, chính quyền Trung ương. Một sự hợp tác tư là hiệp hội làng nghề, ngành hàng. Ba bên trao đổi với nhau để thuyết phục về lợi ích hợp tác, tin tưởng phối hợp đầu tư và chia sẻ lợi ích phối hợp", đại niểu Nguyễn Thiện Nhân diễn giải.
Giải trình thêm về tái cơ cấu nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đây là nội dung lớn, quan trọng và cấp bách với nước ta hiện nay, nhất là khi Việt Nam đang nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng nhanh, bền vững, vì con người và lấy con người là trọng tâm. Đây cũng là vấn đề rất khó, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều khía cạnh từ tư duy, tầm nhìn, quan điểm, nhận thức, cách tiếp cận, đến thể chế, nguồn lực...
"Trong tái cơ cấu kinh tế, nếu không có nhận thức đúng, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa sống còn để thực hiện quyết liệt, hoặc làm chậm quá trình này thì rất khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, tận dụng cơ hội của hội nhập quốc tế, nhất là thu hẹp khoản cách thu nhập với thế giới trong tình hình chúng ta đang tụt hậu so với thế giới và khu vực. Nếu chúng ta không đặt mục tiêu cao, thậm chí là tham vọng thì không thể có động lực và thúc ép để thực hiện tái cơ cấu nhanh và quyết liệt được. Từ đó khiến kinh tế đất nước rơi vào vòng luẩn quẩn về nợ công, bội chi và tụt hậu và không thể đạt mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân ngày càng ấm no", Bộ trưởng nêu rõ.
Về quan điểm tái cơ cấu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 nêu rõ 5 quan điểm. Thứ nhất là phải gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Thứ hai là xây dựng Nhà nước kiến tạo, từng bước tạo điều kiện để kinh tế thị trường giữ vai trò quyết định trong huy động và phân bổ các nguồn lực phát triển. Thứ ba là mục tiêu chỉ tiêu cụ thể, giải pháp đột phát, có trọng tâm, trọng điểm. Thứ tư là hội nhập quốc tế. Thứ năm là tăng trưởng xanh, và phát triển bền vững.
Phấn đấu tăng trưởng GDP của cả năm 2016 từ 6,3-6,5%
Tại phiên thảo luận chiều 3/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo, giải trình làm rõ thêm những nội dung mà một số đại biểu còn băn khoăn, lo lắng hiện nay.
Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Báo cáo của Chính phủ đã nêu rõ những khó khăn của kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2016. Về cơ bản trong cả năm, 2 chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng GDP và xuất khẩu không đạt kết hoạch đề ra. Hai vấn đề này, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nguyên nhân là do bối cảnh trong nước và thế giới không thuận lợi đã ảnh hưởng việc thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Cụ thể, do tăng trưởng kinh tế thế giới tăng trưởng chậm mà nguyên nhân chính là do tổng thầu của thế giới giảm. Từ đó làm mặt bằng giá của thế giới như giá dầu, than giảm, các mặt hàng cơ bản khác... thương mại thế giới cũng giảm. Bên cạnh đó là những khó khăn trong nước như thời tiết, biến đổi khí hậu, môi trường….
Những khó khăn trong nước và thế giới đã ảnh hưởng đến sản xuất nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp khai khoáng, xuất khẩu... từ đó ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội. Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 5,93%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015.
"Tuy nhiên các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, thương mại toàn cầu giảm, tình hình trong nước gặp nhiều khó khăn như vậy thì tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng của Việt Nam đạt được là tích cực. Các chuyên gia đánh giá, như vậy nền kinh tế đã ứng phó, chống chịu tốt hơn trước những tác động từ bên ngoài và những khó khăn từ trong nước", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Ước tính kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả năm 2016, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua phân tích, đánh giá thì ước tính tăng trưởng GDP của cả năm 2016 là từ 6,3-6,5%. Và muốn đạt được con số này thì quý 4 năm 2016 phải đạt tốc độ tăng trưởng 7,09-7,71%.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng con số tăng trưởng của quý 4 như vậy là có cơ sở. Về nguồn lực, số lượng doanh nghiệp mới đăng ký và quay trở lại hoạt động đã tăng mạnh, nhất là số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 9 tháng tăng 59,6% so với cùng kỳ. Về giải ngân vốn đầu tư công nếu được thực hiện tốt trong những tháng cuối năm thì sẽ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP. Dư nợ tín dụng những tháng cuối năm sẽ tăng cao hơn, dự kiến cả năm sẽ tăng 18% sẽ góp phần tăng trưởng GDP. Các ngành, lĩnh vực khác đều giữ được đà tăng trưởng tốt. Ngành nông lâm ngư nghiệp đang có xu hướng phục hồi, dự kiến quý 4 tăng khoảng 2,5%. Thu từ dầu thô năm 2016 tăng 1 triệu tấn so với kế hoạch...
Nói về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Kế hoạch được xây dựng theo hướng tăng trưởng tích cực, phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020. Về tăng trưởng kinh tế, mục tiêu năm 2017 phấn đấu đạt 6,7% được cho là cao nhưng có cơ sở để phấn đấu. Đó là Chính phủ trình Quốc hội những giải pháp căn cơ nhằm ổn định các cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tiếp tục thực hiện mạnh mẽ cải thiện môi trường kinh doanh, tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Nông nghiệp dự kiến có sự phục hồi tốt, do hiệu quả của việc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp. Công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng trưởng tốt, sẽ có đóng góp tốt hơn vào tăng trưởng chung của GDP. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại có xu hướng tăng mạnh vào những tháng cuối năm 2016.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mục tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 là khoảng 6-7% so với năm 2016 là khá khiêm tốn nhưng xét về tuyệt đối thì kim ngạch xuất khẩu năm 2017 dự kiến tăng khoảng 11-12 tỉ USD so với cả năm 2016. Các ý kiến quan ngại về tăng trưởng xuất khẩu thấp sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế là hợp lý. Bởi lẽ mô hình tăng trưởng kinh tế hiện hành của chúng ta vẫn dựa vào yếu tố đầu tư và xuất khẩu. Xuất khẩu có tăng mạnh mới kích thích sản xuất trong nước phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết kế hoạch năm 2017, tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến 1,6 triệu tỉ đồng, bằng 31,5% GDP, tăng khoảng 10,5% so với ước thực hiện năm 2016. Vốn đầu tư vẫn đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Nhiều năm qua, tăng trưởng kinh tế của nước ta chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động. Với định hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng nhanh sự đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp TFP thì tỉ lệ vốn đầu tư trên GDP giảm cũng là một dấu hiệu tốt.
Tăng trưởng kinh tế luôn là mục tiêu quan trọng của đất nước, tăng trưởng đồng nghĩa với giải quyết việc làm, nâng cao mức sống người dân, thu hẹp khoảng cách phát triển. Việc giảm nhanh vốn đầu tư cũng sẽ có ảnh hưởng đến tăng trưởng trong trung và dài hạn. Do khả năng cân đối vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước rất hạn hẹp nên việc sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, cũng như huy động các nguồn vốn ngoài Nhà nước như đầu tư nước ngoài, từ khu vực tư nhân là hết sức cần thiết và phải được chú trọng trong thời gian tới.
Theo chương trình, ngày 4/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Phiên thảo luận sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và đồng bào cả nước theo dõi.
Theo TTXVN/Vietnam+