Thứ Sáu, 01/11/2024 19:19 CH
Tăng cường phân cấp, nâng cao tính năng động, sáng tạo của chính quyền địa phương (*)
Thứ Sáu, 04/11/2016 07:39 SA

LTS: Sáng 3/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 -2020 và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển nền kinh tế - xã hội năm 2017. Đồng chí Hoàng Văn Trà, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên có bài phát biểu tham gia thảo luận. Báo Phú Yên trích đăng bài phát biểu này.

 

Đồng chí Hoàng Văn Trà phát biểu tại Quốc hội vào ngày 3/11 - Ảnh: MINH HỘI

 

Trước hết, tôi bày tỏ sự đồng tình cao với các quyết tâm hành động quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tôi cũng đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua.

 

Với quyết tâm của Chính phủ và những kết quả thu được đã tiếp tục tạo được niềm tin của người dân cho doanh nghiệp và kể cả nhà đầu tư, nhà tài trợ quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cử tri cũng tiếp tục bày tỏ thái độ bức xúc trước những vi phạm của Trung Quốc ở biển Đông. Đề nghị Chính phủ có các giải pháp đấu tranh khả thi, quyết liệt hơn, rõ ràng hơn để giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình biển Đông và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết, quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Cử tri đặc biệt quan tâm đến tình hình nợ công, nợ xấu tăng nhanh, yêu cầu phải tìm ra các nguyên nhân và giải pháp để giải quyết một cách thực sự có hiệu quả. Băn khoăn trước tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, trong khi đất nước còn gặp nhiều khó khăn thì chúng ta đang đầu tư nhiều công trình, dự án không hiệu quả, lãng phí, thất thoát. Công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng thời gian qua còn nhiều hạn chế so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân. Vì vậy tôi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện các quy định về giải pháp phòng ngừa tham nhũng.

 

Về chính sách giáo dục và đào tạo, tuy có nhiều thay đổi nhưng chất lượng còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, cũng như nguyện vọng của người dân. Tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng nhái tràn lan, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức phức tạp cũng làm nhiều người lo lắng.

 

Vấn đề thứ hai, tôi đồng tình với mục tiêu và ủng hộ cao đối với các giải pháp, nhóm giải pháp của Chính phủ đã đề ra trong thời gian tới. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang hết sức quyết liệt, kể cả lời nói và hành động trong chỉ đạo điều hành, phát triển kinh tế - xã hội cũng như giữ vững an ninh - quốc phòng của quốc gia. Nhưng thực tế bộ máy cơ quan công quyền của chúng ta đã thực sự chuyển động hay chưa, chuyển động đến mức nào, đang là một vấn đề chúng ta cần phải tính trong thời gian tới. Tại địa phương chúng tôi cũng vậy, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều thông điệp và có nhiều giải pháp chỉ đạo hết sức quyết liệt, nhưng thực tế sự chuyển động của hệ thống bộ máy công quyền hết sức chậm chạp. Chúng tôi thường nói “trên nóng, dưới lạnh” và “trên rải thảm nhưng dưới chưa rút hết đinh”. Vì vậy, tại buổi tham luận này, tôi tham gia một vài ý kiến.

 

Thứ nhất, cần phải tăng cường phân cấp, nâng cao tính năng động, sáng tạo của chính quyền địa phương các cấp. Về vấn đề này, lâu nay Chính phủ, các bộ, ngành đã tập trung chỉ đạo điều hành vĩ mô của quốc gia, dành nhiều thời gian để chỉ đạo các địa phương phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết khó khăn, vướng mắc, đề xuất các kiến nghị của địa phương cũng như các vấn đề mới phát sinh đối với địa phương, nhất là địa phương còn khó khăn chưa cân đối được ngân sách. Ở các địa phương cũng vậy, đó là điều bình thường, là nhiệm vụ của các cấp chính quyền. Tuy nhiên, chúng ta phải làm sao để phát huy được tốt nhất tính chủ động sáng tạo, tránh tâm lý trông chờ ỷ lại của cấp dưới vào cấp trên. Vì vậy cần phải có sự phân cấp, phân quyền mạnh hơn. Muốn vậy, theo tôi, Chính phủ cần tập trung ưu tiên giải quyết những vấn đề lớn của đất nước như xây dựng quy hoạch phát triển quốc gia, hoạch định cơ chế chính sách vĩ mô và kiểm tra, giám sát việc thực hiện, giao trách nhiệm nhiều hơn cho chính quyền địa phương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kinh tế - xã hội địa phương phát triển, thu ngân sách được nâng cao lên; lấy hiệu quả, kết quả thu được đó làm thước đo để đánh giá sự chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của chính quyền địa phương cũng như cán bộ lãnh đạo các cấp.

 

Trong lĩnh vực điều hành quản lý ngân sách cũng vậy. Chúng ta đang tập trung làm tốt việc phân chia cái bánh ngân sách cho công bằng, chính xác, hợp tình, hợp lý. Tuy nhiên cái bánh ngân sách của chúng ta đang rất nhỏ, phải làm sao để tập trung chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương cũng như địa phương để làm cho cái bánh ngân sách của chúng ta ngày một to lên. Vì vậy, đề nghị Chính phủ phải khuyến khích, động viên mạnh mẽ hơn nữa tính chủ động, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các cấp, các ngành ở địa phương.

 

Hai là, lâu nay chúng ta đang chấp nhận một thực tế là tỉ trọng chi cho đầu tư giảm, chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách năm sau cao hơn năm trước. Chúng ta đã chỉ ra một số nguyên nhân và đề ra một số giải pháp, nhưng chưa thực sự hữu hiệu. Chúng ta cũng đã nhìn thấy rõ bộ máy tổ chức ngày càng phình to, biên chế không giảm mà luôn có xu hướng tăng. Đây là nguyên nhân tăng chi thường xuyên. Muốn giải quyết vấn đề này, theo tôi, Chính phủ phải giải quyết quyết liệt một số vấn đề sau.

 

- Quyết liệt hơn trong kiện toàn, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế.

 

- Cần phân định rõ, minh bạch biên chế khu vực quản lý hành chính nhà nước và biên chế khu vực sự nghiệp (thực tế biên chế khu vực sự nghiệp hiện rất lớn). Tập trung rà soát lại tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, sự cần thiết, hợp lý của sự tồn tại; loại bỏ, sáp nhập, sắp xếp lại những tổ chức, biên chế khu vực sự nghiệp không cần thiết, nhiệm vụ chồng chéo, có đơn vị khác có thể đảm đương thay thế được.

 

- Đối với khu vực quản lý hành chính biên chế chỉ giảm, bộ máy chỉ tinh gọn khi chúng ta có được đội ngũ cán bộ, công chức “vừa hồng, vừa chuyên”, có tính chuyên nghiệp cao, lấy chất lượng, hiệu quả công việc làm thước đo… Thực tế hiện nay, trình độ đào tạo của cán bộ, công chức ngày càng cao, lại có sự hỗ trợ hết sức to lớn của công nghệ thông tin… nhưng tại sao chúng ta vẫn cần phải có một bộ máy tổ chức, biên chế lớn hơn nhiều so với trước đây. Vì vậy, cần rà soát lại, xác định rõ vị trí việc làm (phải từ yêu cầu về vị trí việc làm mà tính toán biên chế, con người), tránh làm ngược lại từ số lượng người, từ bộ máy biên chế hiện hữu mà tính toán vị trí việc làm. Đồng thời phải có chính sách để giải quyết đầu ra cho số cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện, tình hình mới, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

 

------------------

(*) Tít bài do tòa soạn đặt

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek