Lê Thị Mỹ Thương, sinh viên năm 4, lớp đại học Sư phạm Tin C13, Trường đại học Phú Yên, đồng tác giả của đề tài nghiên cứu khoa học đạt giải nhất cấp trường “Ứng dụng bản đồ tư duy (Mind Mapping) học các ngôn ngữ lập trình” là một sinh viên mồ côi nghèo, vượt khó học giỏi.
Cha mất sớm nên từ nhỏ đến lớn, Lê Thị Mỹ Thương sống trong tình yêu thương của mẹ. Ngoài làm ruộng, hàng ngày, mẹ Thương phải ra chợ bán bánh mì kiếm đồng ra đồng vào nuôi Thương ăn học. Thấy mẹ cơ cực, cô bé nghèo ở thôn Phước Mỹ, xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) này luôn cố gắng học để mẹ vui lòng. Năm nào Thương cũng đạt học sinh khá, giỏi. Không dám đi học xa vì sợ tạo thêm gánh nặng cho mẹ, sau khi tốt nghiệp 12, Mỹ Thương quyết định nộp hồ sơ và thi đậu vào ngành Sư phạm Tin của Trường đại học Phú Yên. Bước vào giảng đường đại học, ngoài những buổi đến trường, Mỹ Thương tranh thủ đi làm bồi bàn tại các quán cà phê trong TP Tuy Hòa kiếm tiền phụ mẹ lo chuyện học. Thường sau 22 giờ, Mỹ Thương mới về đến ký túc xá và ngồi vào bàn học bài cho đến khuya. Thế nhưng, trong 4 năm đại học, Mỹ Thương luôn đạt sinh viên giỏi, xuất sắc, được nhận học bổng của trường. Mỹ Thương chia sẻ: “Ngoài việc chăm chú nghe thầy cô giảng bài ở lớp, em còn thường xuyên lên mạng tìm tòi những phương pháp về ngôn ngữ lập trình và những bài toán nâng cao để học. Ngoài ra, học đến đâu em về nhà ôn tập đến đó nên nhớ bài lâu và không mất nhiều thời gian cũng như áp lực khi ôn bài để thi kết thúc môn. Vì thế, các môn học em đều đạt điểm cao”.
Đầu năm 2016, khi nhà trường phát động phong trào sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, Mỹ Thương đăng ký nghiên cứu đề tài “Ứng dụng bản đồ tư duy học các ngôn ngữ lập trình”. Mỹ Thương cho biết: “Sở dĩ em chọn đề tài này là vì hiện nay nhiều sinh viên học còn lan man, không có phương pháp ghi nhớ nội dung trọng tâm của môn học. Vì vậy, việc tìm ra phương pháp, cách thức phù hợp để tiếp thu kiến thức nhanh, hiệu quả và có thể ghi nhớ một cách có hệ thống là điều hết sức cần thiết đối với sinh viên hiện nay”. Từ nhu cầu thực tế đó, Lê Thị Mỹ Thương và Trần Thị Phương Trâm (sinh viên năm 4, lớp đại học Công nghệ thông tin), cùng phối hợp nghiên cứu đề tài. Qua gần 4 tháng, đôi bạn cùng quê và ở chung phòng ký túc xá đã xây dựng các sơ đồ tư duy hệ thống hóa thành phần cơ bản trong các ngôn ngữ lập trình và một số bài toán thường gặp khi học ngôn ngữ lập trình. Theo Mỹ Thương, đề tài đã thiết kế bản đồ tư duy hệ thống những điểm chung trong ngôn ngữ pascal và C (ngôn ngữ lập trình C), các thuật toán sắp xếp, tìm kiếm; xây dựng bản đồ tư duy hệ thống các đặc trưng và một số thành phần cơ bản trong các ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng; thiết kế bản đồ tư duy cho bài toán mô tả tính chất kế thừa giữa các lớp trong ngôn ngữ Java. Qua hệ thống bản đồ tư duy này có thể giúp người học định hướng được nội dung cần nghiên cứu trong từng ngôn ngữ lập trình và giúp sinh viên có cái nhìn một cách hệ thống về nội dung cơ bản trong các ngôn ngữ lập trình, kiến thức được sắp xếp từ khái quát đến cụ thể, chi tiết. Từ đó, người học dễ dàng ghi nhớ một cách khoa học. Về lâu dài sẽ giúp các bạn rèn luyện được tư duy logic và năng lực tự học các ngôn ngữ lập trình mới.
TS Võ Thị Hồng Loan, Phó Trưởng Khoa Kỹ thuật công nghệ, người trực tiếp hướng dẫn cho Mỹ Thương và Phương Trâm nghiên cứu đề tài khoa học trên, cho biết: “Nội dung đề tài nghiên cứu “Ứng dụng bản đồ tư duy học các ngôn ngữ lập trình” là hoàn toàn mới. Hầu như chưa có một nghiên cứu nào công bố ứng dụng phương pháp này vào việc học các ngôn ngữ lập trình theo hướng như đề tài nghiên cứu. Vì vậy, có thể sử dụng làm tài liệu mẫu cho sinh viên chuyên ngành Công nghệ thông tin khi học môn phương pháp nghiên cứu khoa học chuyên ngành cũng như khi viết các bài nghiên cứu khoa học, chắc chắn sẽ có hiệu ứng tốt. Đề tài này đã được Hội đồng khoa học nhà trường đánh giá cao và đạt giải nhất trong các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên tại trường. Mới đây, Mỹ Thương và Phương Trâm tham gia Hội thảo khoa học sinh viên toàn quốc do Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh đăng cai và đề tài nghiên cứu khoa học của 2 em được chọn báo cáo tại hội thảo”.
Là Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Khoa Kỹ thuật công nghệ, Lê Thị Mỹ Thương rất năng nổ tham gia nhiều hoạt động do Đoàn trường tổ chức như: “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”... Ngoài ra, Mỹ Thương còn tình nguyện hiến máu cứu người. Đoàn trường đang đề nghị lên Tỉnh đoàn và Hội Sinh viên tỉnh công nhận Lê Thị Mỹ Thương là “Sinh viên 5 tốt” cấp tỉnh.
Bí thư Đoàn Trường đại học Phú Yên Nguyễn Minh Cường |
NGUYỄN CHƯƠNG