Thứ Sáu, 01/11/2024 19:30 CH
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV:
Giảm nợ công - cần nuôi dưỡng nguồn thu, giảm chi
Thứ Tư, 02/11/2016 08:01 SA

Đại biểu QH tỉnh Điện Biên phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường - Nguồn: ND

Cần tính trước những tác động không thuận đến thu chi ngân sách, Chính phủ cần tích cực hơn nữa trong tái cơ cấu ngân sách giai đoạn tới - đây là đề nghị của các đại biểu khi thảo luận về kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015).

 

Nhìn nhận về con số ước bội chi ngân sách năm 2016, dư nợ công sát ngưỡng 65% GDP, nợ Chính phủ ở mức 53,1% GDP, vượt ngưỡng cho phép, các đại biểu cho rằng nếu tăng trưởng GDP năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra thì các tỉ lệ này còn cao hơn. Dự báo chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao trong các năm 2016, 2017, 2018. Đến thời điểm này, tăng trưởng GDP khó đạt mục tiêu đề ra. Việc không đạt chỉ tiêu tăng trưởng sẽ làm giảm số GDP tuyệt đối dự kiến từ 5,1 triệu tỉ đồng xuống còn 4,6 triệu tỉ đồng, thậm chí xuống 4,1 triệu tỉ đồng nếu tăng trưởng ở mức 6,3%.

 

Chính phủ có chiến lược nợ rõ ràng, có điều kiện cụ thể để đảm bảo hiệu quả đầu tư, khả năng trả nợ hàng năm, chi tiêu triệt để tiết kiệm, nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong tiết kiệm chi thường xuyên, đại biểu Phùng Đức Tiến đề nghị. Theo đại biểu, cơ chế phân bổ vốn phải thực sự minh bạch, cơ chế giám sát đồng vốn đầu tư chặt chẽ, chống thất thoát, lãng phí đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020.

 

Nhận định về các nguồn thu để bổ sung cho đầu tư phát triển và đầu tư công, đại biểu Phạm Phú Quốc (TP Hồ Chí Minh) cho rằng có các nguồn từ ngân sách nhà nước, từ vốn hóa tài nguyên và tài sản công của Nhà nước, thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vay trong và ngoài nước và các nguồn lực trong xã hội.

 

Trên cơ sở phân tích việc sử dụng quỹ tích lũy trả nợ của Chính phủ đối với nợ công, không đồng tình với cách làm hiện nay, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) đề nghị Chính phủ phải báo cáo Quốc hội về việc quản lý, sử dụng quỹ này. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ tránh ban hành các chính sách làm giảm thu, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước, trong đó sớm sửa đổi một số luật thuế, đáp ứng yêu cầu kế hoạch tài chính 5 năm, chú trọng một số nguồn thu như thu từ tài sản, lợi tức, lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước.

 

Các ý kiến cơ bản nhất trí với trần nợ công không quá 65%, nợ Chính phủ không quá 53%, đề nghị cần tăng vay nợ trong nước, giảm vay nợ nước ngoài, tái cơ cấu nợ, có biện pháp quyết liệt cơ cấu lại ngân sách theo hướng tăng thu, giảm chi, giảm dần nợ công và bội chi, rà soát lại điều tiết giữa ngân sách Trung ương và địa phương.

 

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, triển khai Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Chính phủ đã xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn 2016-2020, mục tiêu định hướng, sử dụng vốn vay giai đoạn 2016-2020. Đây là vấn đề khó, làm lần đầu trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, kinh tế thế giới giảm sâu, kinh tế trong nước đang tái cơ cấu. Do đó, tình hình tài chính ngân sách cũng phản ánh thực trạng “sức khỏe” của nền kinh tế. Chính sách tài chính góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, công bằng xã hội.

 

Bộ trưởng thông tin về một số giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến việc tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý nợ công, ngân sách, từng bước tiến hành tái cơ cấu lại nợ công. Thời gian tới, bộ sẽ đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý nợ công; rà soát lại chiến lược nợ công cũng như các chính sách về thuế, theo đề án Tái cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đảm bảo an toàn nợ công. Đồng thời từng bước tiến hành tái cơ cấu lại nợ công, đầu tiên là đẩy mạnh nợ trong nước, giảm nợ nước ngoài (thời điểm này, nợ trong nước đã lên hơn 50% và nợ nước ngoài 43%); tái cơ cấu lại kỳ hạn, lãi suất của nợ công.

 

BTV (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek