LTS: Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu vừa thảo luận báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; công tác thi hành án, phòng chống tham nhũng... Đại biểu Nguyễn Thái Học (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) đã có bài phát biểu góp ý các báo cáo này. Báo Phú Yên xin giới thiệu đến bạn đọc.
Tôi cơ bản tán thành những nội dung được thể hiện trong các báo cáo về công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; công tác thi hành án, phòng chống tham nhũng đã trình bày tại kỳ họp. Các báo cáo nêu rõ kết quả đạt được, cũng như những tồn tại, hạn chế và biện pháp khắc phục. Tôi xin phân tích làm rõ thêm một số nội dung sau:
Đại biểu Nguyễn Thái Học phát biểu tại Quốc hội - Ảnh: MINH HỘI |
Ba kết quả đạt được
Thứ nhất, tội phạm trong năm 2016 đã được kiềm chế và kéo giảm giảm gần 2,8%% số vụ và 6,1% số bị can so với năm 2015. So với nhiều năm qua, có thể nói năm 2016 tình hình tội phạm đã được kiềm chế và kéo giảm với tỉ lệ cao nhất. Điều này thể hiện sự quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng công an là nòng cốt.
Thứ hai, có sự chuyển biến tích cực trong hoạt động của các cơ quan tư pháp. Thực tiễn cho thấy từ công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án ngày càng được nâng cao về chất lượng, nhất là thực hiện yêu cầu chống oan sai và bỏ lọt tội phạm theo nghị quyết của Quốc hội. Chúng tôi thấy hoạt động của các cơ quan tư pháp đã thể hiện sự thận trọng, chắc chắn và chính xác trong hoạt động của mình.
Thứ ba, các cơ quan tư pháp đã chú trọng hơn trong công tác quản lý, giáo dục cán bộ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm cán bộ sai phạm thông qua các vụ án có tiêu cực hoặc thông qua các vụ việc có oan sai thì lãnh đạo các cơ quan tư pháp đã chỉ đạo xử lý nghiêm, với tinh thần người dân vi phạm pháp luật thì áp dụng pháp luật để xử lý. Còn cán bộ, nhất là cán bộ tư pháp am hiểu pháp luật mà vi phạm pháp luật thì càng phải xử lý nghiêm. Điều này người dân rất đồng tình và đánh giá cao.
Và ba tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, tôi thấy trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung có những tồn tại hạn chế sau đây:
Thứ nhất, tội phạm giảm nhưng vi phạm pháp luật trong năm 2016 lại tăng. Vi phạm pháp luật tăng nhưng xử lý vi phạm lại giảm. Tôi xin nêu ra các dẫn chứng sau đây:
Báo cáo của Chính phủ nêu tình hình vi phạm pháp luật diễn ra khá phổ biến, đa dạng và phức tạp ở hầu hết các lĩnh vực, với 12 lĩnh vực có vi phạm pháp luật phức tạp, đa dạng. Trong đó nổi cộm là trật tự giao thông, môi trường, xây dựng, đất đai. Đây là những vấn đề bức xúc đặt ra trong cuộc sống của người dân. Tình hình là như vậy, nhưng lực lượng công an lại xử phạt giảm 7,39% số vụ, giảm 0,43% số tiền. Các cơ quan chức năng xử phạt giảm hơn 500.000 đối tượng và giảm 65%số tiền phạt. Tôi cho rằng, với tình hình và số liệu như thế này cho thấy có sự thiếu quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong xử lý vi phạm hành chính. Điều này có thể bỏ lọt tội phạm, hành chính hóa quan hệ hình sự, trong đó có tội tham nhũng.
Thực tế có những vụ việc qua kiểm tra, thanh tra có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, nhưng nhiều cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền xử phạt hành chính nên công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng không nghiêm, thiếu sự đồng bộ của các cấp và các ngành. Điều này cho thấy trật tự an toàn xã hội không tốt bởi vì vi phạm pháp luật tăng, nhưng xử lý lại giảm và như thế ảnh hưởng đến đời sống của người dân và người dân cảm thấy chưa yên tâm.
Thứ hai, công tác tự thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm pháp luật, phát hiện oan sai trong hoạt động của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử còn hạn chế, có thể nói còn tình trạng chần chừ, đùn đẩy trách nhiệm trong xem xét, kết luận. Thực tiễn cho thấy những vụ án Chủ tịch nước yêu cầu, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Tư pháp đề nghị các cơ quan chức năng phải xem xét, kết luận có hay không? Và thực tế có nhiều vụ án kéo dài và không kết luận, cho thấy có sự đùn đẩy, né tránh và có những vụ việc công dân không vi phạm pháp luật, không phạm tội, lẽ ra tuyên không phạm tội nhưng cơ quan tư pháp lại không tuyên phạm tội mà ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can. Khi xét xử có những vụ việc lẽ ra tuyên bị cáo không phạm tội nhưng tòa án tuyên mức hình phạt ngang bằng thời hạn tạm giam. Tôi cho rằng tình trạng như thế là không tốt.
Thứ ba, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, chúng ta yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử nhưng chúng ta cũng phải đáp ứng những yêu cầu tối thiểu nhất, như trụ sở làm việc. Hiện nay, 35 tòa án cấp huyện, 23 viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, 2 viện kiểm sát nhân dân cấp cao cũng phải đi thuê. Khi Ủy ban Tư pháp thảo luận về vấn đề này thì Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu phải sớm giải quyết vấn đề này. Tôi rất mong Quốc hội và Chính phủ xem xét để có thể đáp ứng tốt nhất và trong thời gian nhanh nhất khắc phục tình trạng đi thuê trụ sở của các cơ quan này.
(*) Tít do Tòa soạn đặt