Thứ Sáu, 01/11/2024 21:28 CH
Bộ trưởng Ngoại giao Steinmeier đánh giá cao quan hệ Việt Nam - Đức
Chủ Nhật, 30/10/2016 17:28 CH

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier - Ảnh: Vietnam+

Ngày 30/10, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier đến thăm Việt Nam nhằm tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

 

Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Steinmeier.

 

- Xin bộ trưởng cho biết đánh giá của ông về mối quan hệ hai nước hiện nay sau 41 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và nhất là 5 năm xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược?

 

Với Việt Nam, chúng tôi không chỉ có quan hệ rất tốt đẹp về chính trị và kinh tế, mà đó còn là tình hữu nghị sâu sắc và chân thành. Hơn thế, Đức và Việt Nam còn rất gần gũi bởi có một số lượng lớn người Việt đã và hiện đang sinh sống tại Đức. Ngoài ra, ngày càng có nhiều người Đức đi du lịch tới Việt Nam và muốn khám phá đất nước tươi đẹp của các bạn. Chính những điều đó tạo nên một cây cầu hết sức quan trọng nối giữa hai đất nước chúng ta.

 

Với "Tuyên bố Hà Nội" năm 2011, hai nước đã thiết lập "quan hệ đối tác chiến lược" và từ đó đã dẫn tới những kết nối hợp tác đa dạng và dày đặc giữa hai bên. Sự hợp tác về kinh tế và thương mại thực sự là một trọng tâm và chúng tôi mong muốn hỗ trợ để mang lại nhiều hơn nữa giá trị gia tăng và sự bền vững cho mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Do vậy, chúng tôi hỗ trợ về đào tạo nghề, chính sách năng lượng cũng như bảo vệ môi trường và tài nguyên.

 

Với đối thoại nhà nước pháp quyền, chúng tôi cũng hỗ trợ tiến trình cải cách, tập trung đặc biệt vào cải cách luật liên quan tới hiến pháp mới cũng như các thủ tục tố tụng hình sự hiện đại.

 

Điều ngày càng quan trọng trong quan hệ giữa hai nước là đối thoại chính trị về các vấn đề khu vực và quốc tế. Tôi hoan nghênh sự cởi mở về chính sách đối ngoại và sự can dự quốc tế ngày càng gia tăng của Việt Nam, điều phản ánh tầm quan trọng ngày càng lớn mạnh của Việt Nam.


* Xin bộ trưởng cho biết ông trông đợi gì vào chuyến thăm lần này tới Việt Nam? Hai nước có thể và cần phải làm gì để tăng cường và phát huy quan hệ đối tác chiến lược trong những năm tới, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại?

 

- Mối quan hệ kinh tế giữa hai nước rất chặt chẽ và Đức là đối tác lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Các công ty Đức đang hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam thông qua đầu tư có lựa chọn với chất lượng cao. Chúng ta có thể tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ kinh tế và thương mại này.

 

Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam sẽ tạo ra thêm nhiều tiềm tăng. Chính phủ Việt Nam đã tiến hành các cuộc đàm phán thành công và qua đó cũng thể hiện sự dũng cảm chính trị, nhằm đẩy mạnh hiện đại hóa và sự hội nhập của kinh tế Việt Nam vào thị trường thế giới.

 

Chúng tôi mong muốn thỏa thuận nhanh chóng có hiệu lực để hai nước có thể hưởng lợi từ việc tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ một cách tốt hơn. Liên quan vấn đề này, chúng tôi muốn triển khai một dự án nữa, đó là thành lập một Phòng Thương mại Đức - Việt, nơi sẽ giúp tiếp cận thị trường và kết nối dễ dàng hơn cho cả hai bên.

 

Trong nhiều buổi nói chuyện với các đại diện kinh tế, tôi biết được rằng các công ty Đức đang rất muốn can dự mạnh mẽ hơn nữa ở Việt Nam, và họ cũng đánh giá cao về sự chăm chỉ và khát vọng của người dân ở đây. Điều tất nhiên cũng quan trọng là việc các công ty biết họ có thể tin tưởng vào các điều kiện khung đúng đắn ở Việt Nam khi họ quyết định đầu tư.

 

Chúng tôi khuyến khích Việt Nam tiếp tục kiên quyết thực hiện đường lối cải cách. Chúng tôi hy vọng rằng một Phòng Thương mại Đức - Việt như vậy sẽ giúp cung cấp thông tin và tạo sự tin tưởng cho công ty hai nước, cũng như giúp họ đi tới những quyết định đầu tư chắc chắn.


* Bộ trưởng đánh giá như thế nào về tình hình an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là xung quanh các tranh chấp ở biển Đông thời gian qua? Quan điểm của ông về hướng giải quyết những tranh chấp ở biển Đông là gì?

 

- Thật may là khu vực châu Á - Thái Bình Dương không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh hay xung đột như những khu vực khác trên thế giới. Tuy vậy, chúng tôi không phải không quan ngại với một số diễn tiến ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Các vụ thử tên lửa và hạt nhân thiếu trách nhiệm của Triều Tiên, những căng thẳng trên biển Đông và Hoa Đông cũng như cuộc chạy đua vũ trang rõ ràng đang làm tăng nguy cơ leo thang hay "các cuộc xung đột nóng".

 

Sẽ không ai được lợi khi tình hình leo thang ở biển Đông. Chúng tôi rất quan tâm tới việc duy trì tự do hàng hải, ổn định và hòa bình ở biển Đông. Điều then chốt là một trật tự dựa trên pháp luật, trong đó nhấn mạnh giá trị phổ quát của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tòa án quốc tế về luật biển đã có tuyên bố rõ ràng về vấn đề này. Bộ "Quy tắc ứng xử" giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc chắc chắn có thể góp phần làm dịu tình hình.

 

Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc mới đây cũng đã đạt được những bước tiến có thể góp phần tạo dựng niềm tin hơn nữa. Niềm tin đó cùng với sự hợp tác thực tiễn ở biển Đông là điều sống còn, không để căng thẳng lên cao hơn. Trong vấn đề này, Liên minh châu Âu và Đức hỗ trợ trong khuôn khổ ASEAN và sẵn sàng có những tư vấn thêm nữa.

 

* Trân trọng cảm ơn bộ trưởng đã trả lời phỏng vấn và chúc ông có chuyến thăm thành công!

 

Theo TTXVN, Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek