Thứ Sáu, 01/11/2024 21:26 CH
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Trợ giúp pháp lý
Thứ Sáu, 28/10/2016 09:40 SA

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Văn Trà phát biểu thảo luận tại tổ - Ảnh: QUỐC HỘI

Chiều 27/10, các đoàn ĐBQH đã tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Tại tổ thảo luận số 15 gồm các đoàn Phú Yên, Tây Ninh, Cao Bằng và Sơn La, các ĐBQH tập trung thảo luận về những nội dung lớn cần sửa đổi, bổ sung, quy định mới trong dự án luật này như mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý, xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, các hình thức trợ giúp pháp lý…

 

Tham gia thảo luận tại tổ, các đại biểu đều tán thành và nhất trí cao với nội dung của dự thảo luật, tính cần thiết cũng như vai trò của luật khi được áp dụng vào cuộc sống. Các đại biểu cho rằng việc sửa đổi luật sẽ khắc phục hạn chế, bất cập trong hoạt động trợ giúp pháp lý; tạo khuôn khổ pháp lý để công tác trợ giúp pháp lý phát triển bền vững theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, xã hội nhằm cung cấp kịp thời dịch vụ pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý có nhu cầu, tạo bước chuyển biến căn bản, đột phá trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó, việc sửa đổi luật cũng bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; đồng thời có thể đồng bộ với khuôn khổ pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

 

Đi vào các vấn đề cụ thể, Đoàn ĐBQH Phú Yên có 3 ý kiến phát biểu. Trong đó, đại biểu Hoàng Văn Trà, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, đề nghị luật cần quy định rõ hơn về các đối tượng được trợ giúp pháp lý, đối tượng thực hiện trợ giúp pháp lý và các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. Đối với người được trợ giúp pháp lý là người khuyết tật, đại biểu Hoàng Văn Trà cho rằng không nên quy định thêm phải là người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính vì tại điểm d, khoản 1, Điều 4 của Luật Người khuyết tật đã có công ước về quyền của người khuyết tật cũng như ghi nhận quyền được trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, đại biểu Hoàng Văn Trà còn đề nghị cần mở rộng các đối tượng trợ giúp pháp lý theo hướng xã hội hóa với sự tham gia của các luật sư, các cộng tác viên, nhân viên xã hội...

 

Tại buổi thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Hồng Vân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh và đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu xem xét, sửa đổi quy định về người được trợ giúp pháp lý phù hợp với một số văn bản pháp luật có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay cũng như các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Cụ thể, đối với trẻ em, cần quy định trẻ em thuộc diện được trợ giúp pháp lý, không phân biệt trẻ em bị buộc tội hay là khó khăn về tài chính mới được trợ giúp pháp lý để phù hợp với Điều 30 Luật Trẻ em năm 2016 quy định về quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính đối với trẻ em. Hai đại biểu còn nhấn mạnh cần xem xét bổ sung đối tượng “người từ đủ 16 tuổi cho đến 18 tuổi” thì được trợ giúp pháp lý vì Công ước quốc tế về Quyền trẻ em trong đó Việt Nam là thành viên quy định “…trẻ em có nghĩa là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi…”. Hơn nữa, đề án Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1/6/2016 cũng đã ghi nhận việc mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý là “trẻ em dưới 18 tuổi”. Ngoài ra, tại khoản 2 dự thảo luật quy định: “Chính phủ quy định chi tiết người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ”, hai đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm cụm từ “người được trợ giúp pháp lý” sau cụm từ “quy định chi tiết” để nội dung của dự thảo luật được cụ thể hơn…

 

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị bổ sung một khoản quy định người được trợ giúp pháp lý được yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý. Đây là nội dung rất nhạy cảm, nhiều vấn đề nếu không được giữ bí mật sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhân thân, danh dự của người được trợ giúp pháp lý. Do vậy, tùy từng nội dung vụ việc, nếu xét thấy nội dung yêu cầu trợ giúp pháp lý nhạy cảm, không có lợi cho mình thì người được trợ giúp pháp lý có quyền yêu cầu người trợ giúp pháp lý giữ bí mật cho mình và người trợ giúp pháp lý phải có trách nhiệm thực hiện.

 

QUỐC HỘI

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek