Thứ Sáu, 01/11/2024 21:40 CH
Kỳ họp sau của quốc hội sẽ thông qua Luật Hình sự sửa đổi
Thứ Năm, 27/10/2016 11:00 SA

Toàn cảnh phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự - Ảnh: TTXVN

Chiều 26/10, các đại biểu Quốc hội đã tiếp tục thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận. 

 

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tiếp tục cho ý kiến về việc xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi… Trong đó, nội dung về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi (khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự năm 2015) đã được nhiều đại biểu Quốc hội góp ý, tranh luận. 

 

Bảo đảm chính sách nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội 

 

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nêu thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy xu hướng phạm tội ngày càng trẻ hóa, tăng mạnh và rất manh động, liều lĩnh, nhất là tội phạm về ma túy, giết người, cướp tài. Do vậy, nếu thu hẹp các phạm vi xử lý hình sự của người chưa thành niên phạm tội là không phù hợp với thực tiễn. 

 

Theo đại biểu, việc chăm sóc, tôn trọng, bảo vệ các quyền trẻ em ai cũng ủng hộ nhưng chúng ta biết rằng số trẻ em phạm tội chỉ là thiểu số trong xã hội. Hành vi của họ rất nguy hiểm cho xã hội, vì vậy phải răn đe, ngăn ngừa và xử lý ở mức nhẹ để tạo cơ hội cho họ, chứ không thể tha bổng, bỏ lọt quá nhiều tội phạm.

 

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, đại biểu nêu tình trạng "ngáo đá", bạo lực học đường; tình trạng bố mẹ bất lực đẩy con cái cho xã hội, nhiều đối tượng sử dụng người chưa thành niên phạm tội, gây hậu quả rất lớn. Từ những lý do đó, đại biểu đề nghị giữ nguyên như khoản 2 Điều 12 của Bộ luật hình sự năm 1999. 

 

Tranh luận nội dung trên, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng: Khoản 2 Điều 12 của Bộ luật hình sự năm 2015 so với Bộ luật hình sự năm 1999 không hề thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Nếu theo Công ước về quyền trẻ em, tuổi chịu trách nhiệm hình sự trong Công ước quy định tối thiểu là 12. Do vậy, chúng ta hoàn toàn không vi phạm Công ước. Bên cạnh đó, Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất đầy đủ - đại biểu nêu. 

 

Báo cáo và giải trình thêm về trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết đối với lứa tuổi này, Bộ luật Hình sự năm 1999 là giải đều, rất tiện áp dụng. Hiện nay, chính sách hình sự đã hạn chế lại và thấy rằng Bộ luật hình sự năm 1999 hơi rộng, thiếu rõ ràng, không minh bạch. Bên cạnh đó, theo Báo cáo của Cục Cảnh sát Hình sự, Tổng cục Cảnh sát về tình hình phạm tội, tội danh người chưa thành niên, trong đó có lứa tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chủ yếu liên quan đến tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm con người. 

 

Những tội này dự án luật đã liệt kê các tội mà các em phải chịu. Bộ trưởng cho biết, các nước đã xử lý lứa tuổi này theo một các đặc biệt và đã rút bớt các tội cho các em ở lứa tuổi chưa thành niên phải chịu. Ví dụ, Điều 17, Bộ luật hình sự năm 1997 của Trung Quốc quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự có 9/347 tội danh; Nga là 20/256 tội danh... Ngoài ra, qua nghiên cứu tâm lý và khảo sát xã hội thấy rằng, nếu dùng hình sự đối với lứa tuổi này chưa chắc đã có tác dụng, cái xấu ngấm rất nhanh trong một môi trường thoát ly khỏi xã hội. Do đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị cho phép như loại ý kiến thứ nhất của Chính phủ đã trình. 

 

Theo loại ý kiến thứ nhất của Chính phủ: Quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với một số tội. Theo đó, các em phải chịu trách nhiệm hình sự cả đối với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng thuộc 3 tội danh: cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; hiếp dâm; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Do vậy, các đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 của Bộ luật hình sự năm 2015 theo hướng người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như tinh thần quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 nhưng trong phạm vi những tội danh cụ thể được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật hình sự năm 2015. 

 

Loại ý kiến thứ nhất của Chính phủ cũng nhận được đa số ý kiến tán thành của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội là cơ quan thẩm tra. Đó là không xử lý hình sự hành vi “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”, “hiếp dâm”, “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thuộc loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Những trường hợp này sẽ được xử lý bằng các biện pháp giáo dục khác nhằm tạo điều kiện cho tương lai của các em. Quy định này bảo đảm phù hợp với chính sách nhân đạo đối với người chưa thành niên phạm tội được thể hiện trong các nghị quyết của Đảng và quan điểm xuyên suốt trong các Bộ luật Hình sự từ trước đến nay của Nhà nước. 

 

Sẽ thông qua dự án luật tại kỳ họp thứ 3 

 

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh đây là một bộ luật lớn, rất quan trọng, là công cụ để đấu tranh phòng, chống tội phạm của nhà nước. Bộ luật này liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, vì vậy đại biểu Quốc hội yêu cầu là làm thật kỹ và thận trọng để bảo đảm tốt nhất, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chông tội phạm. 

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị phải xem xét và trình Quốc hội thông qua Bộ luật này tại kỳ họp thứ 3. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cứ phải làm khi nào tốt, chất lượng, lúc đó mới trình ra Quốc hội xem xét. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải có một cái mốc, vì không thể kéo dài mãi việc sửa đổi, bổ sung những điều của Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngoài ra, Bộ luật này liên quan đến những bộ luật khác nữa như: Bộ luật tố tụng hình sự; Luật Điều tra hình sự; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và các luật khác. Do đó, cần thông qua tại kỳ họp thứ 3. 

 

Về cách làm, Quốc hội giao cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan tư pháp Trung ương, cơ quan tổ chức hữu quan nghiên cứu đầy đủ những ý kiến của đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại phiên thảo luận này cũng như tại tổ để tiếp thu, chỉnh lý, xây dựng lại dự án luật này. Bên cạnh đó, Quốc hội đề nghị các cơ quan cần tổ chức những hội nghị, hội thảo chuyên đề và mời các nhà chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào từng nội dung có tính chất chuyên sâu của dự thảo luật này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tổ chức hội nghị đại biểu chuyên trách để sớm cho ý kiến, trước khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 3; đồng thời sẽ lấy ý kiến các cơ quan, địa phương, đoàn đại biểu Quốc hội, để bảo đảm tối đa chất lượng của bộ luật này.

 

Theo chương trình, ngày 27/10, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe các tờ trình: dự án Luật Quản lý ngoại thương; dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) đồng thời, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý ngoại thương; dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

 

Theo TTXVN/Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek