Anh Đào Trung Hiếu, 45 tuổi, ở thôn Xuân Trung, xã An Xuân, huyện Tuy An, được nhiều người biết đến với vai trò tiên phong trong nghề ươm cây keo lai bằng phương pháp giâm hom. Công việc này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất núi An Xuân, từ nhỏ, cuộc sống anh Hiếu đã gắn với núi rừng, đồng ruộng. Năm 1999, sau khi rời quân ngũ, anh Hiếu trở về địa phương, lập gia đình và sống bằng nghề nông. Nhận thấy người dân nơi đây có nhu cầu trồng rừng cao nên vợ chồng anh đầu tư mở vườn ươm cây keo giống. Thời gian đầu, anh ươm keo từ hạt nhưng những năm gần đây, anh chuyển sang ươm cây keo lai (giống lai tự nhiên giữa keo tai tượng (Acacia mangium) và keo lá tràm (Acacia auriculiformis) bằng phương pháp giâm hom (cành) đời F1.
Anh Hiếu cho biết, ươm keo từ hạt rất công phu nhưng cây chậm lớn, năng suất thấp, trong khi đó, cây keo lai lớn nhanh, năng suất cao. Để làm được mô hình vườn ươm keo lai bằng cách giâm hom, anh Hiếu vào tỉnh Đồng Nai học hỏi kinh nghiệm, mua cây giống đã lai sẵn về trồng trên diện tích 3.000m2 gần vườn ươm, chăm sóc đúng kỹ thuật để lấy hom. Tiếp theo, anh đầu tư vốn làm giếng nước, hồ chứa nước, hệ thống máy bơm tưới và phun sương tự động, nhà che mát, nhà cho nhân công nghỉ và mặt bằng rộng rãi, thoáng mát. Theo anh Hiếu, từ khi làm đất đến khi xuất bán nhanh nhất là 2,5 tháng. Ngay từ đầu tháng 4 âm lịch, anh thuê nhân công làm đất và tiến hành giâm hom. Khi giâm hom, cây phát triển chừng 1,5 tháng thì được đảo vị trí cho rễ cây không châm vào đất để sau này dễ lấy, cây con không ảnh hưởng vì đứt rễ. Anh Hiếu cho biết: Trong quá trình này, khâu cắt hom từ cây giống và giâm hom vào bịch là quan trọng nhất nên đích thân vợ chồng tôi đảm nhận, nếu làm không kịp thì phải thuê công có kỹ thuật từ Bình Định vào làm. Cắt hom phải chọn phần đọt non, đủ số lượng mắt lá. Hom cắt xong phải được xử lý thuốc đúng cách, giữ tươi và giâm kịp thời. Khi giâm xong phải theo dõi kỹ lưỡng, nhất là độ tươi của hom và canh lượng nước phun sương vừa phải, nếu để quá khô cây sẽ héo, còn ướt quá cây con bị úng.
Ươm cây keo hom có nhiều thuận lợi, nhanh và ít chi phí hơn ươm keo hạt nhưng cũng có những hạn chế. Trước hết là tỉ lệ hom giâm chết còn nhiều nên phải thường xuyên thăm và giâm bổ sung. Một số hom giâm đã sống nhưng rễ bó nên không phát triển, bị loại khi giao cho khách. Khi cây keo được trồng lớn thì thân giòn, dễ gãy hơn keo trồng từ hạt.
Theo anh Hiếu, hiện nay giá bán mỗi cây keo lai con là 600 đồng. Từ khi chuẩn bị đất, làm đất vô bịch, sắp luống, cắt hom giâm, tưới nước, bón phân, chăm sóc đến khi giao khách hàng thì tổng chi phí từ 350-400 đồng/cây. Mỗi mùa ươm keo (từ tháng 4-9 âm lịch), vườn ươm của anh xuất bán trung bình từ 600.000-1 triệu cây keo con. Trừ chi phí, anh lãi từ 200-250 triệu đồng/vụ.
Ông Lê Văn Nhơn, Chủ tịch UBND xã An Xuân, nhận xét: An Xuân là xã miền núi, đất nông nghiệp rộng và tốt, phù hợp các cây trồng, nhất là keo lai. Vườn ươm keo lai của anh Hiếu là mô hình đầu tiên ở xã, góp phần cung cấp cây giống cho bà con nông dân, giảm bớt chi phí vận chuyển khi phải mua từ các nơi khác về. Đây là mô hình thiết thực, hiệu quả cho cả người làm và người mua. Nếu có điều kiện thì nhân rộng ra các thôn trong xã”.
TẤN TRỰC