Thứ Bảy, 28/12/2024 09:33 SA
"Chưa chỉ rõ địa chỉ của tồn tại, hạn chế trong chống tham nhũng"
Thứ Năm, 22/09/2016 11:20 SA

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu ý kiến - Ảnh: TTXVN

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 21/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng. 

 

Chỉ rõ địa chỉ của tồn tại, hạn chế trong phòng, chống tham nhũng 

 

Trước phần thảo thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Ủy ban Tư pháp của Quốc hội báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016. Ủy ban Tư pháp cho rằng đánh giá đúng về tình hình tham nhũng có ý nghĩa quyết định trong việc đề ra các giải pháp phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, Chính phủ đánh giá vẫn cơ bản như các năm 2013, 2014, 2015: “tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi”.

 

Đáng lưu ý, trong 4 năm gần đây, Chính phủ không còn đánh giá tình hình tham nhũng ở mức độ “nghiêm trọng” như năm 2012 trở về trước trong khi đánh giá của Ban chấp hành Trung ương Đảng cũng như phản ánh của người dân và doanh nghiệp thì “tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng”.

 

Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cũng chưa đánh giá tình hình tham nhũng theo các tiêu chí cụ thể (về mức độ phổ biến, mức độ thiệt hại kinh tế và mức độ nghiêm trọng của hành vi tham nhũng) đã được quy định tại Thông tư số 04/2014/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ (có hiệu lực từ 01/01/2015). 

 

Ủy ban Tư pháp đánh giá báo cáo của Chính phủ đã nêu lên nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng nhưng chưa chỉ rõ địa chỉ của tồn tại, hạn chế đó và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền. 

 

Trong nhiều phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội khóa XIII đánh giá một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động của bộ máy nhà nước trì trệ, nhất là tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng là do trong nhiều năm các Báo cáo này vẫn còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm, đánh giá chung chung: “có nơi”, “có lúc”, “có địa phương”, “có một bộ phận cán bộ, công chức"... mà không có địa chỉ cụ thể nên không có tác động để chỉnh đốn, thay đổi. 

 

Ủy ban Tư pháp cho rằng để xây dựng một Chính phủ liêm chính, cơ quan tư pháp liêm chính như cam kết trước Quốc hội của Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì trước hết phải có thay đổi đột phá trong đánh giá đúng, thực chất tình hình tham nhũng, thẳng thắn chỉ ra địa chỉ cụ thể của những tồn tại, hạn chế trong ngành, lĩnh vực nào, địa phương nào và trách nhiệm thuộc về cá nhân nào. 

 

Bên cạnh những nguyên nhân đã được nêu trong báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh thêm một số nguyên nhân quan trọng như: công tác tổ chức thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng còn hạn chế; quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực bị buông lỏng, kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm; một số nơi chưa thực hiện đúng chủ trương của Đảng về chống tham nhũng... 

 

Đánh giá những bất cập trong công tác tổ chức cán bộ và là nguyên nhân quan trọng làm cho công tác cải cách hành chính, cải cách tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị phục vụ phòng chống tham nhũng hiệu quả hạn chế. Đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn để xác định các giải pháp khắc phục hiệu quả trong thời gian tới.

 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng cần tiếp tục được hoàn thiện. Trên cơ sở phân tích, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nhìn nhận báo cáo của Chính phủ chưa nêu bật được những điểm còn tồn tại, trì trệ cũng nhưng những mặt có sự tiến bộ của công tác phòng, chống tham nhũng. Trong đó, các số liệu được nêu trong báo cáo cần được cơ quan chức năng so sánh, đối chiếu với những năm trước để thấy rõ sự tiến bộ hay vẫn tiếp tục trì trệ, để qua đó xác định rõ nhiệm vụ cần tập chung trong phòng chống tham nhũng năm 2017 và các năm tiếp theo. 

 

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề xuất, trong công tác phòng chống tham nhũng cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến các giải pháp phòng ngừa, tránh các giải pháp mang tính hình thức; đồng thời cần tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. 


Cơ chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng còn lỏng lẻo 

 

Thảo luận về các báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án, các nguyên nhân chính được các đại biểu chỉ ra là: thể chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở; việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng, đấu tranh phòng chống tiêu cực còn hình thức và chưa hiệu quả; trách nhiệm và kỷ luật công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức chưa cao; tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy; cơ chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng nhiều lúc còn lỏng lẻo...

 

Từ sự phân tích nguyên nhân về tình hình tội phạm, về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình đề nghị cần tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp giữa lực lượng chức năng từ khâu điều tra, đến xét xử và thi hành án; cần nhìn nhận một cách nghiêm túc trước thực trạng tình hình tội phạm gia tăng trong thời gian qua, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao, tội phạm ma túy để đề ra các giải pháp đấu tranh, phòng ngừa, chấn áp hiệu quả.

 

Dẫn chứng những ví dụ cụ thể về sự diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm liên quan đến lĩnh vực môi trường, tín dụng, lừa đạo trên mạng internet, mạng di động... Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng các báo cáo cần cân nhắc đưa ra những giải pháp cụ thể liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước; việc bổ sung hoàn thiện pháp luật để phòng chống, đấu tranh ngày càng có hiệu quả hơn với với các loại hình tội phạm, nhất là những loại tội phạm mới lợi dụng công nghệ thông tin để lừa đảo, trục lợi. 

 

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đánh giá các báo cáo về công tác năm 2016 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo năm 2016 của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng chống tham nhũng được xây dựng công phu, chặt chẽ, có nhiều điểm mới so với báo cáo của các năm trước... 

 

Tuy nhiên, ở nội dung các báo, vẫn còn một số cụm từ chung chung như: “một số bộ, ngành, địa phương”, “một số lĩnh vực” làm tốt việc này, không làm việc kia, hay có những hạn chế, bất cập, theo đại biểu cần phải nêu rõ, hoặc có chú thích cụ thể đấy là bộ, ngành nào, địa phương nào, lĩnh vực gì...

 

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, các báo cáo đã được Chính phủ và các ngành chuẩn bị công phu, nêu bật tình hình; các báo cáo đã có những điểm mới về đề nghị... Trong bối cảnh tội phạm, vi phạm pháp luật trong nước và quốc tế có diễn biến phức tạp, công tác tư pháp của ta đảm bảo góp phần giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác tư pháp được thực hiện theo tinh thần cải cách tư pháp và triển khai Hiến pháp 2013 và các luật mới được ban hành. 

 

Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các báo cáo cần tiếp tục tu chỉnh, bổ sung, xem xét lại những nhận định, có sự đánh giá thống nhất giữa các ngành chức năng. Từ sự phân tích nguyên nhân, phải gắn với giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng đã được nêu ra.

 

Cuối phiên làm việc chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán Quốc gia. Theo chương trình, sáng 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật về hội và họp phiên bế mạc phiên họp thứ ba.

 

Theo TTXVN, Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek