Thứ Hai, 07/10/2024 17:22 CH
Những người phụ trách tờ báo qua các thời kỳ
Thứ Sáu, 19/08/2016 09:04 SA

Báo Phú Yên tròn 70 năm với nhiều chặng đường phát triển cùng các tên gọi khác nhau qua các thời kỳ. Sinh thời, những vị tiền bối của tờ báo đã có nhiều ý kiến tâm huyết và cảm động về hoạt động của Báo Phú Yên trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

 

Những người làm báo trẻ hôm nay đã dành công sức tìm về cội nguồn, gặp gỡ nhiều chứng nhân lịch sử đã làm nên tờ báo từ lúc khởi đầu đến những chặng đường phát triển tiếp theo. Những vị lãnh đạo nhà báo đã đi xa vào cõi vĩnh hằng. 

 

* NHÀ BÁO LÃO THÀNH BÙI XUÂN CÁC, NGUYÊN TỔNG BIÊN TẬP BÁO PHÚ YÊN ĐẦU TIÊN: Chuẩn bị công phu để hình thành tờ báo cách mạng đầu tiên của Phú Yên

 

Tình hình thì phức tạp, nhiệm vụ thì nặng nề, mà việc phổ biến truyền đạt, giải thích đường lối, chủ trương thì bị hạn chế cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Nếu chỉ bằng lòng với các bản tin chép theo cách “đọc chậm” của Đài Tiếng nói Việt Nam rồi đánh máy (chưa có máy ronéo) gửi về cho các huyện, xã... để hàng đêm tuyên truyền viên các xã leo lên chòi phát thanh bằng cái loa sắt Tây thì quá chậm chạp, hời hợt. Bởi vậy, Ty Thông tin tuyên truyền đề nghị với lãnh đạo tỉnh cho ra đời một tờ báo lấy tên là Chiến Thắng. Để ra được báo thì phải có nhà in. Ty Thông tin tuyên truyền thành lập một xưởng in với những thiết bị tối thiểu được mua từ Hà Nội về.

 

Nhà báo, nhà giáo Bùi Xuân Các nhớ lại: “Nếu tôi nhớ không nhầm thì vốn liếng của xưởng in này có độ 70 ký chữ chì các cỡ, một cái máy Minevve cỡ nhỏ và mấy công nhân phải rước từ Hà Nội về”.

 

Tờ Chiến Thắng xuất bản số đầu tiên đúng vào ngày kỷ niệm lần thứ nhất Cách mạng Tháng Tám do nhà giáo Bùi Xuân Các làm chủ nhiệm, đồng chí Đinh Nho Bát làm chủ bút. Nội dung tờ báo Chiến Thắng cũng có xã luận, có tin tức trong nước, tin tức thế giới (thu gọn các tin đọc chậm của Đài Tiếng nói Việt Nam), có tin trong tỉnh thông báo các chủ trương của ủy ban tỉnh và các ngành, địa phương. Thỉnh thoảng cũng có một bài thơ ngắn. Báo ra 4 trang, khổ 30x40cm, mỗi tuần xuất bản một số.

 

Nhà báo, nhà giáo Bùi Xuân Các kể tiếp: “Tất cả những người làm ra tờ báo chưa có một ai có nghiệp vụ báo chí, chỉ nghiên cứu học tập các tờ Cứu Quốc, Tiền Phong, Quyết Thắng và căn cứ vào nhu cầu tuyên truyền của tỉnh mà viết, mà soạn. Tuy vậy, diện mạo tờ báo cũng khả quan, phát hành đều đặn hàng tuần. Tôi không nhớ có phải trả tiền in, tiền giấy không và số lượng in là bao nhiêu? Nhuận bút tất nhiên là không có rồi. Thời đó mọi việc quá đơn giản, đến mức đáng ngạc nhiên”. 

 

* NHÀ BÁO LÊ VĂN PHÚ: Xây dựng tờ báo Cứu Quốc Khu VI phát hành vào chiến khu VI

 

Nhà báo Lê Văn Phú, vị “Thị trưởng” (Chủ tịch UBND TX Tuy Hòa) đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám, được lãnh đạo tỉnh Phú Yên thời ấy cử làm Trưởng ty Thông tin tuyên truyền kiêm phụ trách tờ báo Chiến Thắng cuối năm 1946 (thay nhà giáo Bùi Xuân Các được tỉnh điều động xây dựng Trường trung học Lương Văn Chánh - ngôi trường trung học đầu tiên của tỉnh Phú Yên). Đã ngoài 80 mà bác Lê Văn Phú vẫn nhớ rành rẽ từng chi tiết: “Đầu năm 1946, tôi và nhà thơ Trần Mai Ninh được đồng chí Nguyễn Côn, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, phân công làm tờ báo Cứu Quốc Khu VI (in litô, tháng 2 kỳ, khổ A4 như bây giờ) phát hành vào chiến khu VI (Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận). Cuối năm 1946, tôi được cử về làm Trưởng ty Thông tin tuyên truyền, trực tiếp phụ trách tờ báo Chiến Thắng (thay nhà giáo Bùi Xuân Các được tỉnh điều động về Trường trung học Lương Văn Chánh). Lúc đầu Ty Thông tin tuyên truyền và tòa soạn báo Chiến Thắng đóng ở làng Minh Đức (Hòa Kiến), sau đó dời về thôn Phụng Tường. Sau khi Pháp tấn công ra Phú Yên (đầu năm 1947) và chiếm đóng núi Hiềm (Hòa Xuân), tòa soạn dời ra An Thổ rồi về thôn Trung Lương (An Nghiệp)... Tờ báo in bằng giấy Nam Trung, số lượng khoảng 500 tờ, phát miễn phí cho các ban, ngành và các huyện, cơ sở.

 

Để đối phó với thực dân Pháp tấn công ra Phú Yên, toàn tỉnh chia làm 6 chiến khu. Do phải dời cơ quan liên tục, Báo Chiến Thắng tạm đình bản một thời gian. Tờ Cứu Quốc Khu VI thì vẫn hoạt động và giữa năm 1947 tách ra thành hai tờ báo riêng cho hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa. Tờ báo của Khánh Hòa có tên là báo “Thắng” còn tờ báo của Phú Yên có tên là “Phấn Đấu” (do Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo) do nhà thơ Trần Mai Ninh phụ trách chung, đồng chí Hoàng Kim Đài và Trần Huỳnh phụ trách trị sự. Sau khi nhà thơ Trần Mai Ninh được điều động vào chiến trường cực Nam và hy sinh anh dũng tại thị trấn Ninh Hòa (Khánh Hòa), Báo Phấn Đấu phải tạm nghỉ một thời gian để chuẩn bị nhân sự mới. Tháng 6/1949, tôi được điều động về khu nhưng vẫn quan tâm theo dõi các hoạt động của tỉnh và được biết sau đó tờ báo của tỉnh tiếp tục hoạt động với cái tên “Sức Mới”. 

 

* NHÀ BÁO NGUYỄN CHÍNH: Nỗ lực xây dựng tờ báo Sức Mới (1950-1954)

 

Năm 1950, tôi được giới thiệu vào Tỉnh ủy và được phân công thay anh Lê Văn Phú làm Trưởng ty Thông tin tuyên truyền. Lúc này, cả nước chuyển mạnh sang tổng phản công. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo Ty Thông tin tuyên truyền ra tờ báo Sức Mới (kế tục tờ Chiến Thắng Phấn Đấu). Các anh Đặng Hướng, Nguyên Hồ, Nguyễn Văn Bé... là lực lượng chủ lực của tờ báo. Năm 1951, chiến tranh ác liệt, nhà in Tú Phương phải dời sâu vào vùng núi đèo Cây Cưa, núi Mái Dự. Báo vẫn ra đều đặn mỗi tháng 2 kỳ. Năm 1952, tôi được Tỉnh ủy cử làm Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân. Đồng chí Nguyễn Tiết (quê ở Thừa Thiên) được cử làm Trưởng ty Thông tin tuyên truyền. Báo Sức Mới vẫn tiếp tục xuất bản cho đến ngày đình chiến (tháng 7/1954). 

 

* NHÀ BÁO ĐINH TỪ (TÁM TUYẾN): Báo Đoàn Kết ra đời trong những ngày đen tối nhất của Cách mạng miền Nam

 

“Sau sự kiện Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Lê Đài bị địch bắt và hàng ngàn đảng viên, quần chúng yêu nước bị khủng bố, năm 1956, đồng chí Nguyễn Hồng Châu (Năm Phổ), Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Trần Suyền, Phó Bí thư Tỉnh ủy, quyết định xuất bản tờ báo Đoàn Kết để góp phần củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước.

 

Khó khăn nhất của Báo Đoàn Kết lúc ấy là thiếu mực in, cán bộ nhà in phải băng rừng lên tận Đắk Lắk để mua mực nhưng có chuyến phải về tay không. Anh em phải dùng khói đèn trộn với nhựa thông để làm mực. Một lần hết mực in lại không có nhựa thông, tòa soạn và nhà in tổ chức xuống Kỳ Lộ chặt cây dầu lai lấy mủ nấu mực. Trên đường đi lấy mủ cây dầu lai, đồng chí Chí bị địch vây bắt. Đồng chí Kính phụ trách nhà in may mắn thoát được. Mực in bằng mủ cây dầu lai không tốt lắm nhưng cũng xài được để có in báo.

 

Đầu năm 1958, Hội Đồng hương Phú Yên ở Hà Nội gửi vào một lô mực in báo. Nhờ vậy, Báo Đoàn Kết xuất bản đều đặn một tháng một số với số lượng từ 200-300 tờ. Thời điểm này, để đảm bảo yêu cầu lưu hành bí mật, tờ báo gấp khổ nhỏ khoảng 1/8 giấy manh (bằng khổ lốc lịch loại nhỏ). Mỗi huyện được phân phối 40-50 tờ. Tờ báo phát hành đến từng chi bộ bí mật trong vùng địch kiểm soát, góp phần giữ vững niềm tin và ý chí của đảng viên, quần chúng cách mạng trước sự khủng bố dã man, hèn hạ của kẻ thù. 

 

* NHÀ BÁO CAO VĂN HOẠCH: Báo Giải Phóng, cơ quan Mặt trận Dân tộc giải phóng Phú Yên (1960-4/1975), thực chất là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh

 

“Tháng 10/1960, Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ được tổ chức tại Thồ Lồ. Cuối năm 1960, Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Để đáp ứng yêu cầu mới của cách mạng, tờ báo Đoàn Kết được đổi tên thành Giải Phóng - Cơ quan Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Phú Yên.

 

Đầu năm 1961, tờ báo Giải Phóng do đồng chí Lương Thúc Mậu (Phó Ban Tuyên huấn, sau đó là Trưởng ban) phụ trách. Đội ngũ làm báo lần lượt được bổ sung khá đầy đủ. Phan Văn Nguyên (Ủy viên ban phụ trách tiểu ban Tuyên truyền văn nghệ), Trương Bá Sám, Lương Thúc Quý, Cao Minh Cai, Ma Túc, Ba Sơn...

 

Trong những năm 1961-1965, vùng giải phóng ngày một mở rộng. Ban tuyên huấn hình thành nhà in, lúc đầu in litho (litô - bản đá), sau in typo (chữ đúc). Bộ phận ấn loát gồm các đồng chí Kinh, Lê Chí, Dương Minh Thẩm (quê ở Quảng Nam), Nguyễn Ngọc Trân, Đinh Phước Đáo, Cao Minh Cai, Lê Trung Lý, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Hữu Tụ, Phan Minh Sum, Huỳnh Ngọc Lưu... chuyên lo in báo, bản tin, truyền đơn, áp phích, lời kêu gọi, các loại biên lai cho kinh tài.

 

Năm 1967, đồng chí Trưởng Ban Tuyên huấn Lương Thúc Mậu bị địch phục kích, hy sinh trên đường họp Tỉnh ủy trở về cơ quan; đồng chí Phan Văn Nguyên, Ủy viên ban phụ trách tiểu ban Tuyên truyền văn nghệ, trên đường công tác bị địch vây bắt.

 

Nhiều đồng chí làm báo và nhà in hy sinh: họa sĩ Trần Tấn Nông, phóng viên ảnh Nguyễn Hưng Bưu, đồng chí Hoa và 4 công nhân nhà in Bùi Văn Ký, Nguyễn Mai, Trần Văn Y, Nguyễn Song Thao.

 

Đồng chí Cao Văn Hoạch, quyền Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, được Tỉnh ủy phân công nhiệm vụ Phó ban trực Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy và trực tiếp phụ trách tờ báo. Đồng chí Nguyễn Phùng được đề bạt Ủy viên Ban phụ trách tiểu ban tuyên truyền văn nghệ, trực tiếp chăm lo tờ báo.

 

Nhóm cán bộ làm báo gồm các đồng chí: Nguyễn Phùng, Lương Thúc Quý, Bằng Tín về sau bổ sung đồng chí Trần Thiện Lục, Hà Bình... và một số đồng chí khác. Trong những năm 1967-1975, tờ báo xuất bản một tháng một số. Ngoài ra còn có một số báo đặc biệt nhân dịp lễ, tết, đại hội với số trang nhiều hơn và đầu tư công phu hơn. Nội dung cũng đủ các mục từ xã luận đến tin tức thời sự về đấu tranh hai chân ba mũi giáp công, sản xuất tự túc, người tốt việc tốt, văn hóa văn nghệ. 

 

* NHÀ BÁO NGUYỄN PHÙNG, TRƯỞNG TY THÔNG TIN VĂN HÓA PHÚ YÊN: Từ 1/4/1975, tờ báo có tên Phú Yên Giải Phóng

 

Ngày 1/4/1975, Phú Yên hoàn toàn giải phóng. Công việc lúc mới giải phóng khá bộn bề và một trong những công việc cấp bách là phát hành rộng rãi Báo Giải Phóng.

 

Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 3/5/1975, Ty Thông tin văn hóa Phú Yên cử người vào Sài Gòn in luôn hai số. Nhiều tỉnh cùng có tên báo là Giải Phóng và cùng vào Sài Gòn để in nên để tiện phân biệt, các họa sĩ trình bày lấy tờ báo Sài Gòn Giải Phóng làm chuẩn ghi thêm tên địa phương vào trước chữ “Giải Phóng”. Phú Yên Giải Phóng được định hình cái tên như vậy chứ không hề có quyết định nào về sửa tên tờ báo. Tờ Phú Yên Giải Phóng ra được 5 số là hoàn thành nhiệm vụ lịch sử do tỉnh Phú Yên hợp nhất với tỉnh Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh ngày 3/11/1975, đồng chí Bằng Tín được chuyển về Nha Trang làm Ủy viên Ban Biên tập Báo Phú Khánh.

 

Tờ Phú Yên Giải Phóng chỉ có vài cán bộ. Ngoài đồng chí Nguyễn Phùng phụ trách chung, có các đồng chí Nguyễn Bằng Tín (người của Báo Giải Phóng trong chiến tranh, sau bị thương ra Bắc chữa bệnh và trở về), đồng chí Nhuệ (tù chính trị được trao trả), đồng chí Dung (sau là Ủy viên Thường vụ Huyện ủy Sông Cầu), anh Sơn (nhân viên hợp đồng)...

 

Báo Phú Yên Giải Phóng in đẹp, số lượng lớn, phát hành rộng rãi.

 

Điều cảm động là bà con Phú Yên ở Sài Gòn tặng cho tỉnh một máy in ốp-sét hiện đại để in tờ báo. Khi nhập tỉnh, máy in này đưa vào Nha Trang xây dựng nhà in Báo Phú Khánh. Đây là máy in hiện đại vào loại bậc nhất của thời điểm đó. Mãi đến khi tách tỉnh (1/7/1989), máy in này được chia về cho Phú Yên để hình thành nhà in Phú Yên. 

 

* NHÀ BÁO TÔ PHƯƠNG, NGUYÊN TỔNG BIÊN TẬP BÁO PHÚ KHÁNH: Báo Phú Khánh góp phần cổ vũ mọi phong trào cách mạng của Phú Khánh trong 14 năm hợp nhất tỉnh

 

Ngày 3/11/1975, hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa hợp thành tỉnh Phú Khánh. Đồng chí Nguyễn Chính, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ty Thông tin văn hóa, được phân công xây dựng Báo Phú Khánh.

 

Tờ báo Phú Khánh đầu tiên số 1 ra ngày 8/12/1975 gồm 6 trang khổ 28x40cm với nội dung chính công bố danh sách UBND cách mạng tỉnh Phú Khánh, quy định về hệ thống tổ chức các cơ quan chính quyền và các huyện thị trong tỉnh. Số Xuân Bính Thìn 1976 in 8 trang, trình bày đẹp, chào mừng mùa xuân thống nhất đầu tiên.

 

Số báo thứ hai ra ngày 1/1/1976. Đầu năm 1976, đồng chí Trần Chi, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Khánh, được phân công làm Tổng Biên tập.

 

Ngày 1/9/1976, tờ báo chính thức ghi trên măng sét là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Phú Khánh. Đồng chí Cung Giũ Phú được phân công làm Tổng Biên tập thay cho đồng chí Trần Chi về phụ trách Đài Truyền hình Nha Trang.

 

Mãi đến số báo 192 ra ngày 6/9/1978, tờ báo Phú Khánh mới được in tại nhà in Báo Phú Khánh (trước đó in nhờ ở chỗ khác). Tôi (Tô Phương) thì đến năm 1982 mới được chuyển ngành từ Báo Quân Đội Nhân Dân về nhận nhiệm vụ Phó Tổng Biên tập. Năm 1986 là quyền Tổng Biên tập và năm 1987 là Tổng Biên tập. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là các cơ sở ở phía bắc tỉnh (Phú Yên) rất say mê đọc báo, đã mua trên 8.000 tờ báo mỗi kỳ (tòa soạn phát hành lúc cao nhất 12.000 tờ/kỳ). Riêng xã Hòa Hiệp, đồng chí Lương Thúc Quý vận động các HTX mua gần 300 số. Báo Phú Khánh có hai thành tựu nổi bật là tổ chức nhiều vệt đợt tuyên truyền cổ vũ các nhân tố mới, đồng thời chống tiêu cực rất mạnh tay. Trong chiến dịch tuyên truyền hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, mỗi tuần Báo Phú Khánh nêu một vụ việc, rất có tiếng vang.

 

Khi có chủ trương chia tỉnh, cũng như nhiều người con của quê hương, tôi trở về công tác tại Báo Phú Yên cho đến khi nghỉ hưu.

 

Còn rất nhiều chứng nhân một thời làm Báo Phú Yên qua các chặng đường. Những kỷ niệm và ý kiến tâm huyết của họ đều được trân trọng ghi nhận để xây dựng lịch sử Báo Phú Yên 70 năm.

 

THANH BÌNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek