Thứ Hai, 07/10/2024 19:32 CH
Những ngày đầu xây dựng Báo Chiến Thắng
Thứ Sáu, 19/08/2016 08:36 SA

Ngày 29/12/2010, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Tấn Việt bấm nút khai trương Trang tin điện tử tiếng Anh của Báo Phú Yên - Ảnh: TRỌNG HẢO

LTS: Nhà giáo Bùi Xuân Các là một nhà giáo cách mạng lão thành hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám. Ông từng là Trưởng Ty Kiểm duyệt trực thuộc Ủy ban Thông tin tuyên truyền Trung Bộ từ tháng 9/1945. Tháng 2/1946, nhà giáo Bùi Xuân Các được cấp trên điều động về làm Trưởng Ty Thông tin tuyên truyền Phú Yên.

 

Thầy Bùi Xuân Các là người khai sinh Báo Chiến Thắng - tờ báo cách mạng đầu tiên của Phú Yên, tiền thân của Báo Phú Yên hôm nay. Người sáng lập tờ báo cách mạng đầu tiên của Phú Yên đã đi xa 5 năm. Chúng tôi trân trọng trích đăng một đoạn hồi ký của thầy Bùi Xuân Các về những ngày đầu xây dựng Báo Chiến Thắng cách đây 70 năm.

 

Chính quyền cách mạng rất coi trọng công tác thông tin tuyên truyền. Ngay từ ngày đầu thành lập Chính phủ lâm thời, Trung ương đã có Bộ Tuyên truyền cổ động, Trung Bộ có Ủy ban Thông tin tuyên truyền, ở các tỉnh thì có các ban hoặc ty Thông tin tuyên truyền. Ở tỉnh ta, UBND Cách mạng lâm thời của tỉnh cũng đã lập Ty Thông tin tuyên truyền do đồng chí Nguyễn Hoằng, Phó Chủ tịch UBND Cách mạng huyện Tuy Hòa kiêm nhiệm (Nguyễn Hoằng còn có bút danh Vĩnh Mai, một nhà thơ - chiến sĩ).

 

Phóng viên Báo Phú Yên chúc thọ vợ chồng Tổng Biên tập Bùi Xuân Các tại Hà Nội - Ảnh: PV

 

Đến tháng 2/1946, do nhu cầu công tác, đồng chí Hoằng được chuyển về Xứ ủy Trung Bộ và tôi được Ủy ban Hành chính Trung Bộ mà trực tiếp là đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Phó Chủ tịch kiêm Ủy viên trưởng Ủy ban Thông tin tuyên truyền Trung Bộ (tên gọi lúc đó là như vậy, sau đổi thành sở) cử vào thay thế. Lúc này, tôi đang phụ trách Ty Kiểm duyệt Trung Bộ, kiêm luôn Ban Phát thanh hàng ngày của sở.

 

Tôi cùng đi với đồng chí Võ Thức Đồng trên chiếc ô tô con do Ủy ban Trung Bộ cấp cho Phú Yên. Thời đó, cách mạng mới thành công, trên quốc lộ 1 từ Huế vào Phú Yên, việc canh gác do dân quân tự vệ đảm nhiệm khá nghiêm ngặt, từng đoạn một qua các thị trấn, thị xã đều có trạm gác. Xe chúng tôi đều phải dừng lại trình giấy tờ, nhưng khi xem xong, chúng tôi được chào một cách rất nghiêm túc và chúng tôi cũng chào lại theo kiểu nhà binh - điều mà bản thân tôi chưa từng làm bao giờ nên cứ sau mỗi lần như vậy tôi cứ cười thầm...

 

Hình như đồng chí Hoằng cần đi gấp nên việc bàn giao được tiến hành sớm và rất đơn giản, chóng vánh. Tôi còn nhớ là chẳng có giấy tờ biên bản gì, chẳng có sự chuẩn bị gì ở phía bên giao. Đó là một buổi chuyện trò, trao đổi giữa hai trưởng ty cũ - mới, giữa hai người bạn thì đúng hơn, dặn dò nhau một số việc trước khi chia tay đi xa.

 

Đồng chí Hoằng đã cho biết những nét lớn về tình hình chung của tỉnh, nhấn mạnh đặc điểm tình hình biên giới phía nam, phía tây, tình hình nội bộ mà đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã thông báo cho tôi tại Trung Bộ phủ trước khi giao trách nhiệm cho tôi vào đây. Về mặt tổ chức của hệ thống bộ máy thông tin tuyên truyền tỉnh thì ngoài các phòng hoặc ban ở các huyện hoặc khu tập trung dân cư như Đồng Bò do một trưởng ban hoặc trưởng phòng phụ trách, còn có một vài đội tuyên truyền lưu động gọi là Đội Tuyên truyền xung phong do một đội trưởng và một số đội viên không cố định đi về các thôn, xã... giải thích, phổ biến các chủ trương, chính sách của chính quyền cách mạng, của Mặt trận Việt Minh. Nội dung và hành trình mỗi đợt đều được nghiên cứu trước và do trưởng ty quyết định. Họ hoạt động hoàn toàn tự nguyện và cũng hoàn toàn tự túc về mọi chi phí.

 

Tổ chức của ty cũng rất gọn, đơn sơ. Có một trưởng ty, không có phòng, ban, chỉ có một số ít cán bộ được phân công theo từng loại việc thu thập, chọn lọc, biên tập tin tức, bình luận tình hình, chuẩn bị các buổi phát thanh vào buổi tối hàng ngày, có vài nhân viên hành chính, đánh máy, một họa sĩ và một nhân viên quản lý trông nom bảo vệ cơ quan, chăm lo luôn bữa ăn cho các cán bộ thoát ly xa nhà. Tất cả cán bộ nhân viên này độ 10 người chỉ được ghi lại trong một quyển sổ mỏng manh với họ, tên, ngày sinh, quê quán... mà không hề có một văn bản, quyết định, nghị định bổ sung chính thức như ngày nay. Tất nhiên, không có cả hồ sơ, lý lịch. Họ đến nhận công tác do sự giới thiệu của các đoàn thể cứu quốc, hoặc của cá nhân cán bộ có tín nhiệm cấp trên, hoặc do sự lựa chọn trực tiếp của trưởng ty. Chưa có lương, nhiều người ăn cơm nhà đi làm. Ai ăn ở cơ quan thì do bếp tập thể phục vụ miễn phí.

 

Trụ sở đóng tại nhà lầu một tầng trên đường Phan Đình Phùng ngày nay, cách ga xe lửa độ 500m. Trang thiết bị cũng đơn sơ như tổ chức. Bàn ghế gỗ không thành bộ, thiết bị kỹ thuật đáng giá, “hiện đại” nhất là một máy thu thanh đã cũ, rất khó bắt sóng, tiếng rất khó nghe và một máy chữ “remington” đã xộc xệch. Vài cái loa cầm tay làm bằng sắt tây. Không có phương tiện đi lại, dù chỉ là chiếc xe đạp.

 

Sau khi chính thức nhận việc, tôi tranh thủ gặp lãnh đạo tỉnh về mặt Đảng, chính quyền và Mặt trận Việt Minh qua các đồng chí Lê Vụ, Lê Duy Trinh, Trần Đình San để biết rõ thêm tình hình, nhiệm vụ cụ thể của tỉnh, nhất là các trọng tâm công tác và những thuận lợi, khó khăn. Qua các buổi tiếp xúc ban đầu này, tôi cảm thấy có một không khí cởi mở, thân tình, tin cậy làm tôi yên tâm và có thiện cảm ngay. Xin nói thêm là tôi vào nhận công tác ở Phú Yên hoàn toàn do sự điều động của cấp trên. Tôi không có quan hệ thân quen nào với một ai ở đây, dù là quần chúng hay cán bộ ngoài đồng chí Võ Thúc Đồng, một phái viên của Xứ ủy Trung kỳ mà tôi mới quen trong các lần gặp đồng chí về công tác tại Huế và lưu trú ở phòng khách Cơ quan Thông tin tuyên truyền Trung Bộ. Có thể nói vào, công tác ở Tuy Hòa, Phú Yên, tôi “lạ nước lạ cái”, “tứ cố vô thân”, nhưng lại thấy như ở trong vòng tay thân thiết chân tình, sẵn sàng được hợp tác, giúp đỡ mọi mặt. Có lẽ do tôi đã được đồng chí Nguyễn Duy Trinh và đồng chí Võ Thúc Đồng là những đồng chí được lãnh đạo Phú Yên tín nhiệm giới thiệu từ trước. Tinh thần tốt đẹp đó ngày càng phát triển khi tôi mở rộng tiếp xúc với các cơ quan đoàn thể quần chúng của tỉnh, huyện, thị xã... Đó là một thuận lợi rất cơ bản để tôi triển khai công tác về sau.

 

Tôi nắm lại tình hình cơ quan và tình hình các địa phương qua một số buổi họp với anh em trong ty, sau đó mời một số cuộc họp có các anh em phụ trách ở các huyện để bàn chương trình kế hoạch công tác.

 

Tôi bắt đầu cho củng cố các phòng tuyên truyền ở các huyện Sông Cầu (Đồng Xuân), Tuy An, Tuy Hòa, Đồng Bò (kiêm Sơn Hòa). Nói là củng cố nhưng thực ra là để nắm lại, biết rõ mặt mũi, họ, tên các anh em đó, để mặc nhiên công nhận đó là cán bộ chính thức, là trưởng phòng. Còn việc “bổ nhiệm”, “quyết định” bằng văn bản như hiện nay thì chưa có. Và ty cũng chỉ nắm “trưởng phòng”, các cán bộ giúp việc khác của mỗi phòng đều do trưởng phòng chọn và quản lý, báo lên cho ty biết. Tất cả các anh em này kể cả trưởng phòng, trưởng ban... đều không hưởng một chế độ lương bổng nào, mỗi huyện có một cách và một mức “trợ cấp” riêng và đa số là ăn cơm nhà đi làm việc, hoặc ăn cơm tập thể tại ủy ban huyện.

 

Tuy tổ chức sơ sài như vậy lại chẳng có thù lao, trợ cấp gì ổn định, nhưng anh em làm việc hết lòng, không kể giờ giấc..., có việc là làm cật lực với sự giúp sức tự nguyện của bạn bè, toàn là những thanh niên học sinh đầy nhiệt huyết mà tôi còn nhớ một số anh như: Nguyễn Phụng Kỳ, Lê Huỳnh, Nguyễn Xuân Hường, Đặng Ngọc Phiên, Đặng Sanh Chúc, Phan Ngọc Trúc...

 

Những năm đó (1946-1948), tỉnh nhà ở trong tình trạng luôn bị uy hiếp từ bốn mặt: Từ Tây Nguyên, từ phía nam (đèo Cả), từ bờ biển và từ cả trên không. Việc bố phòng bảo vệ là hết sức quan trọng. Lực lượng bộ đội, dân quân thường xuyên được tăng cường, bổ sung và chi phí cho các mặt luyện tập, trang bị, tiếp tế nuôi quân... hết sức tốn kém, đòi hỏi sự đóng góp sức dân. Việc tuyên truyền vận động sự hưởng ứng của đồng bào là một trọng tâm lớn mà tập trung vào cuộc vận động đóng góp vào Quỹ Đảm phụ quốc phòng. Đối với đồng bào Phú Yên, việc chăm sóc, nuôi dưỡng bộ đội là một phong trào tự nguyện, sôi nổi và đều khắp, các hội “mẹ, chị binh sĩ” được thành lập khắp nơi, bộ đội được thương yêu không khác con em ruột thịt. Nhưng lúc bấy giờ, phong trào đi vào bộ đội thì chưa được đại đa số thanh niên đua nhau đăng ký. Đó là một nội dung tuyên truyền vận động phải đẩy mạnh.

 

Phong trào tăng gia sản xuất, tiết kiệm luôn được Trung ương nhắc nhở, nhưng với Phú Yên chưa phải là trọng tâm lớn mặc dù phải bảo đảm cho nhiều cơ quan, đơn vị của Khánh Hòa, cho nhiều đồng bào từ các tỉnh phía cực Nam tản cư ra.

 

Cuộc vận động xóa nạn mù chữ là một trọng tâm khác cần tuyên truyền mạnh. Tuy bình dân học vụ đã có bộ phận chuyên trách việc vận động tuyên truyền, tổ chức. Nhưng đó cũng là một công tác phối hợp quan trọng hàng đầu của ty.

 

Như trên đã nói, tình hình thì phức tạp, nhiệm vụ thì nặng nề mà việc phổ biến, truyền đạt, giải thích thì bị hạn chế cả về chiều rộng cũng như chiều sâu, nếu chỉ bằng lòng với các bản tin chép theo cách “đọc chậm” của Đài Tiếng nói Việt Nam rồi đánh máy (chưa có ronéo) gửi về cho các huyện, xã... để hàng đêm tuyên truyền viên ở các xã leo lên chòi phát thanh bằng loa sắt tay thì quá chậm chạp, hời hợt, nên ty đề nghị với lãnh đạo tỉnh cho ra một tờ báo lấy tên là “Chiến Thắng”.

 

Đó là vào quãng tháng 6-7/1946, khi tỉnh đã tổ chức được một xưởng in typo mua từ Hà Nội về. Nếu tôi không nhầm thì “vốn liếng” của xưởng in này có độ 70kg chữ chì các cỡ, một cái máy Minevve cỡ nhỏ và mấy công nhân cũng rước từ Hà Nội về. Xưởng in do anh Kính (em anh Chẩn, Chủ tịch TX Tuy Hòa) quản lý.

 

Báo Chiến Thắng do tôi làm chủ nhiệm và đồng chí Đinh Nho Bát là chủ bút. Lúc này, đồng chí Đinh Nho Bát là Phó Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh (sau là Mặt trận Liên Việt). Tôi nhớ rõ ngày ra mắt số đầu, đó là vào dịp kỷ niệm lần thứ nhất Cách mạng Tháng Tám.

 

Ban Biên tập có anh Bát, tôi và anh Đặng Ngọc Cư, một cán bộ đã có một số tác phẩm (truyện ngắn, phiếm luận...) được tăng cường cho ty và sau này là phó trưởng ty. Cộng tác viên là các cán bộ thông tin tuyên truyền huyện, thị; các anh em này cung cấp tin tức của địa phương mình. Các ngành, đoàn thể đều có gửi bài đến để “tòa soạn” sử dụng.

 

Nội dung tờ báo cũng có “xã luận”, có tin tức trong nước, tin tức thế giới (thu gọn các tin đọc chậm của Đài Tiếng nói Việt Nam - mấy năm đầu, Đài Tiếng nói Việt Nam có một buổi phát tin đọc chậm cho các tỉnh trong toàn quốc chép để phổ biến), có tin trong tỉnh, thông báo các chủ trương của Ủy ban tỉnh, của các ngành; thỉnh thoảng cũng có một vài bài thơ ngắn.

 

Tất cả những người làm ra tờ báo, chưa một ai có nghiệp vụ báo chí, chỉ nghiên cứu, học tập các tờ Cứu Quốc, Tiền Phong, Quyết Thắng... và căn cứ vào nhu cầu tuyên truyền của tỉnh mà viết, mà soạn. Tuy vậy, “diện mạo” tờ báo cũng khả quan, phát hành đều đặn hàng tuần. Tôi không nhớ báo phát không hay bán và bán bao nhiêu một tờ, cũng không nhớ có phải trả tiền in, tiền giấy không, và số lượng in là bao nhiêu. Nhuận bút thì tất nhiên là không có rồi. Thời đó, mọi việc quá đơn giản, đến mức đáng ngạc nhiên!

 

Tinh thần làm việc của anh em bên xưởng in cũng rất tích cực, linh hoạt, nay nhớ lại mà phục. Bài vở nhiều khi thiếu, có khi đến phút cuối mà chưa đủ, hoặc phải thay đổi..., anh em đều sẵn sàng chờ đợi, sửa chữa mà không kêu ca phàn nàn hoặc phản ứng gay gắt. Nghiệp vụ anh em cũng tốt, thường anh em kiêm luôn cả “mise” cho chúng tôi. Chúng tôi - tòa soạn - chỉ cần hướng dẫn sơ về trọng tâm là đủ để anh em bố trí, sắp xếp đâu ra đấy, kể cả chọn kiểu chữ “tít”. Báo ra 4 trang khổ nhỏ 30x40cm nhưng vẫn đàng hoàng là một tờ báo.

 

Trước ngày toàn quốc kháng chiến, Ty Thông tin tuyên truyền và nhà in đều ở TX Tuy Hòa, báo ra đều đặn. Nhưng rồi theo lệnh chung, Tuy Hòa tiêu thổ kháng chiến nên phải tổ chức tản cư một thời gian, báo gián đoạn mất mấy tuần, cho đến sau Tết 1947 mới tái bản. Trước tản cư, nhà in lo luôn việc giấy in, nhưng khi tái bản thì ty phải lo. Lúc này phải ghi công của một cán bộ tự nguyện giúp sức mà không hề lấy công. Hàng tháng, anh thanh niên này thuê ngựa ra tận La Hai thồ về một số giấy đủ để in một tháng báo. Cứ thế đều đều không hề chậm trễ. Khi viết mấy dòng này, tôi ở cách anh ấy đến 1.700km nên không thể hỏi lại xem lúc ấy lấy giấy ở đâu, thanh toán như thế nào, chi phí thuê ngựa, đi đường... có phải do ty cấp không... Người thanh niên lúc đó, nay là một ông cụ độ 75 tuổi, tên là Đặng Phúc, cộng tác viên đắc lực của Câu lạc bộ Thăng Long ở Hà Nội, một cán bộ có tài tổ chức tất cả các cuộc du ngoạn xuyên Việt, ra nước ngoài... cho cán bộ hưu trí với giá rất rẻ, hành trình rất hấp dẫn và tổ chức rất chu đáo. Nhờ vậy, nhà in đang tản cư, vẫn tiếp tục nhận in báo thường xuyên, báo tiếp tục ra cho đến sau này. Khi tôi bàn giao Ty Thông tin tuyên truyền lại cho đồng chí Lê Văn Phú làm Trưởng ty, đồng chí Phú vẫn tiếp tục xuất bản tờ báo.

 

BÙI XUÂN CÁC

Nguyên Trưởng Ty Thông tin tuyên truyền kiêm Chủ nhiệm Báo Chiến Thắng

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek