Mấy ngày nay, truyền thông trong nước đưa tin chuyện hàng chục phạm nhân trại Z30A (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) vừa được đưa đi làm phụ hồ để xây căn biệt thự ngay mặt tiền đường của giám thị trại giam này. Trả lời phỏng vấn báo chí, vị giám thị thừa nhận việc đưa phạm nhân ra làm phụ hồ ở căn biệt thự của mình là phản cảm!
Cũng truyền thông cho biết, vào tháng 11 năm trước, ông giám đốc sở TT-TT một tỉnh ở Bắc Trung Bộ tổ chức đám cưới cho con gái. Bộ phận tham mưu của sở đã ban hành lịch phân công nhiệm vụ cụ thể cho đội ngũ cán bộ công nhân viên cơ quan từ ngày 1/11 cho đến khi kết thúc lễ vu quy. Cụ thể là từ đầu tháng có tới 10 công chức, viên chức lo chuẩn bị hàng ngày tại nhà sếp. 13 cán bộ, công nhân viên chức được huy động dựng rạp, khiêng đồ. Ngày ăn hỏi, hơn chục nhân viên lo phục vụ, xe cộ. Lãnh đạo sở, các phòng được phân vai tiếp khách cùng 8 nhân viên gánh phần việc lễ tân…
Hai sự việc trên đây rõ ràng là phản cảm như thừa nhận của vị giám thị trại giam, nếu gọi đúng bản chất vấn đề thì từ “sai trái” mới thể hiện đầy đủ ý nghĩa của nó. Là trưởng trại giam, chắc chắn vị giám thị biết rất rõ việc đưa phạm nhân đến phục vụ xây dựng tư gia của mình là vi phạm nghiêm trọng các quy định của ngành. Nếu lỡ trong thời gian phụ hồ, có phạm nhân nào bỏ trốn thì bị kỷ luật nặng là điều không thể tránh khỏi. Là người đứng đầu cơ quan, vị giám đốc sở TT-TT nói trên thừa biết nhân viên cấp dưới của mình là công chức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân chứ không phải để ông sắp đặt, sai phái cho việc riêng của gia đình. Thế nhưng ông đã “vận dụng” sáng tạo đội ngũ này nên mới có sự phân công “cười ra nước mắt” như vậy để công luận một phen “dậy sóng” rồi sau đó phải giải trình, trả lời, nhận thiếu sót để “nghiêm túc rút kinh nghiệm”! Vì sao những sự sai trái rành rành như vừa kể lại cứ xảy ra trong đời sống khiến cộng đồng bức xúc, khiến các thế lực phản động có cơ hội đả kích, tuyên truyền bậy bạ, tập trung nói xấu và bôi bác chế độ ta? Nguyên nhân thì có nhiều nhưng cơ bản nhất là tổ chức cơ sở đảng ở hai đơn vị này thiếu tính chiến đấu, cán bộ, đảng viên vì “nể”, vì ngại (và cả vì sợ “tai bay vạ gió”) nên vô tình a dua, phụ họa, tiếp tay cho cái xấu tồn tại. Nếu như lúc ban đầu, khi nghe có thông tin về việc phân công, phân nhiệm phản cảm, có cán bộ, đảng viên hay tập thể cấp ủy nào đứng ra phân tích phải trái, thiệt hơn và tích cực tham mưu cho thủ trưởng đơn vị thì chắc chắn sẽ không xảy ra vụ việc đáng buồn. Nhưng tiếc thay, tình hình thực tế lại không được như vậy!
Lâu nay, trên bình diện cả nước, có nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương, đơn vị bị phát hiện, xử lý; nhiều cán bộ, đảng viên phải ra tòa hoặc nhận các hình thức kỷ luật khác nhau. Nguyên nhân xét cho cùng cũng là do tổ chức cơ sở đảng ở những nơi này đã xa rời, lãng quên tính chiến đấu; tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình không có đất sống, không có môi trường để tồn tại. Vì thế, kẻ xấu là người đứng đầu chính quyền và cấp ủy cơ quan mặc nhiên tự tung tự tác, toàn quyền quyết định mọi chuyện theo hướng có lợi cho bản thân, phe nhóm và gia đình mình. Chỉ khi các cơ quan pháp luật vào cuộc mạnh mẽ thì cái ác, cái xấu mới được ngăn chặn nhưng hậu quả để lại của nó đã gây ra rất nhiều tổn thất cho Đảng, cho quê hương, đất nước.
Vì thế, nuôi dưỡng, không ngừng phát huy tính chiến đấu, tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình trong cán bộ, đảng viên phải là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp ủy và các tổ chức cơ sở đảng. Triệt tiêu tính chiến đấu trong sinh hoạt các chi bộ, đảng bộ là tạo điều kiện cho cái xấu, các ác hoành hành, là có tội với Đảng, với nhân dân vậy.
SÔNG BA HẠ